Xử lý vi phạm tốc độ ở Hà Nội: Chưa phát hiện máy “phá sóng”

ANTĐ - Thông tin một lô hàng điện tử, thiết bị ô tô bị Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh phát hiện, thu giữ trong đó có nhiều loại máy phá sóng súng bắn tốc độ của CSGT, vào giữa tháng 7 vừa qua đã khiến không ít người đặt câu hỏi: liệu ở Hà Nội có loại thiết bị này hay không?
Xử lý vi phạm tốc độ ở Hà Nội: Chưa phát hiện máy “phá sóng”  ảnh 1
Kiểm tra xử lý vi phạm tốc độ góp phần đảm bảo ATGT, phòng ngừa tai nạn


Mạng công khai, ngoài lén lút

Trong vai một chủ xe cần lắp đặt thiết bị trên, PV ANTĐ dạo qua một số phố, “thiên đường” đồ chơi xe ô tô như Nguyễn Công Trứ, chợ Hòa Bình, đường Lê Văn Lương... Tại một cửa hàng sữa chữa ô tô trên đường Lê Văn Lương, sau khi nghe đề nghị của PV, chủ cửa hàng nói chắc nịch: “Thứ đó không thiếu, song để mua được không dễ”. Hỏi lý do, người này cho biết, vì là hàng cấm, nên nếu không kín tiếng, sẽ bị cơ quan Công an “sờ gáy”.

Chủ một cửa hàng bán phụ kiện ô tô trên phố Nguyễn Công Trứ cho hay, thời gian trước, có nhiều loại máy phá sóng súng bắn tốc độ của CSGT được các cửa hàng phụ kiện ô tô nhập bán. Hầu hết khách hàng là những người thường xuyên đi đường dài, hay “cánh” lái xe tải, xe khách. Do việc lắp đặt và sử dụng đơn giản nên lái xe không mang phương tiện tới, mà chỉ cần yêu cầu sẽ được nhân viên bán hàng tư vấn cặn kẽ. Có nhiều loại thiết bị cho khách lựa chọn, đa dạng từ màu sắc, kiểu dáng. Giá cả thường dao động trong khoảng từ 2 đến 5 triệu đồng, tùy loại. Chủ cửa hàng trên cũng cho biết, dù người bán và người mua đều không nói ra, song mục đích chung của những chủ phương tiện đến mua loại máy trên đều nhằm “qua mặt” CSGT,  “né” kiểm tra. Tuy nhiên hiện tại, việc giao dịch mặt hàng này rất kín đáo.

Nếu như né tránh, thăm dò là tâm lý chung của đa số các chủ cửa hàng kinh doanh phụ tùng ô tô, thì trên các trang mạng Internet, thiết bị này lại được rao bán khá công khai. Như chiếc máy Cobar XRS được quảng cáo nhập khẩu từ Mỹ, có chức năng phát hiện 7 thiết bị có sóng radar và 6 thiết bị phát tia laser và các tín hiệu khác. “Hầu hết các sóng và tia trong các thiết bị đều được CSGT sử dụng để bắn tốc độ, nó giúp bạn phát hiện phía trước có CSGT đang bắn tốc độ, nhờ đó giảm tốc độ xe đang chạy để tránh bị phạt. Máy có thể phát hiện ra hàng loạt các hệ thống giao thông khác. Tùy theo sóng và tia mà mức độ khoảng cách cảnh báo sẽ khác nhau, từ 500m đến 2km” - lời quảng cáo khá hấp dẫn, kèm theo mức giá sản phẩm chưa đến 2,5 triệu đồng. Bên cạnh máy phá sóng súng bắn tốc độ, hiện nay trên thị trường còn xuất hiện thiết bị phá sóng định vị (GPS), phá sóng điện thoại di động, hay có thể gọi chung là thiết bị gây nhiễu... cũng được chào bán công khai, tràn lan trên mạng.

Một loại thiết bị phá sóng được rao bán tràn lan trên mạng

Đừng mang tính mạng ra đối phó

Anh Dương Hiệp, một dân chơi xe cho biết, những thiết bị trên ở nước ngoài có rất nhiều, lái xe rất chuộng. Tuy nhiên, nếu như ở nước ngoài người dân sử dụng để cảnh báo phương tiện vượt quá tốc độ cho phép của tuyến đường được quy định, giữ cho hành trình an toàn, thì khi được nhập vào Việt Nam, các lái xe sử dụng lại vì mục đích “né” CSGT. 

Thông tin với PV, Đại úy Trương Song Thành-Đội trưởng Đội CSGT số 9, Phòng CSGT đường bộ-đường sắt cho biết, một trong những nguyên nhân gây TNGT nghiêm trọng trên các tuyến quốc lộ chính là lái xe vi phạm tốc độ. Do vậy, sử dụng máy đo tốc độ phương tiện là một trong những biện pháp kiềm chế TNGT hữu hiệu của CSGT trên những tuyến đường này. Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2014, trong tổng số gần 5.000 trường hợp được kiểm tra, đơn vị phát hiện, xử phạt số vi phương tiện vi phạm tốc độ hơn 1.800 trường hợp. “Nếu CSGT không phát hiện, xử lý kịp thời, hậu quả sẽ khó có thể lường được” - Đại úy Trương Song Thành khẳng định. 

Đề cập tới những thiết bị phá sóng máy đo tốc độ của CSGT, Đại úy Trương Song Thành khẳng định: Trong quá trình làm nhiệm vụ, đơn vị chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng thiết bị “phá” sóng máy đo tốc độ. Đại úy Thành cũng cho hay, việc tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm tốc độ của CSGT cũng không thể “thay thế” được ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân, lái xe. Tai nạn vẫn sẽ xảy ra nếu như người tham gia giao thông không tự có ý thức bảo vệ mình.

Làm nhiệm vụ tại một trong những tuyến đường vi phạm tốc độ thường xuyên diễn ra, Trung tá Bùi Văn Tiến-Đội trưởng Đội CSGT số 10, đơn vị quản lý Quốc lộ 21B, chia sẻ, đã nghe thông tin song qua kiểm tra, làm nhiệm vụ thực tế, cũng chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng máy phá sóng. Nhằm tăng hiệu quả xử lý, phòng ngừa vi phạm tốc độ, Đội trưởng Đội CSGT số 10 đề xuất cần tăng chế tài đối với những hành vi liên quan đến vi phạm tốc độ, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chống đối bằng nhiều hình thức.