Xoay như chong chóng

ANTĐ - Có lẽ không ở đâu, người dân lại cảm nhận rõ nỗi khổ cũng như sự thiệt hại lớn lao về kinh tế do ùn tắc giao thông gây ra như ở Hà Nội. Và, không ở nơi nào, người tham gia giao thông thấy ngột ngạt như ở Hà Nội. Đường sá thay đổi đột ngột đến chóng mặt, nay cho lưu thông hai chiều, ngày mai thành một chiều. Cũng bởi vậy, lái xe tỉnh ngoài vào Hà Nội, nỗi sợ đầu tiên và lớn nhất là đi nhầm đường một chiều. 

Đường Đê La Thành đoạn từ Cầu Giấy đến Nguyễn Chí Thanh vừa mới được Sở GTVT cho xe con lưu thông hai chiều từ ngày 22-3 thì 15-4, cũng Sở này lại ra lệnh cấm lưu thông hai chiều đối với xe con. Thanh minh cho vấn đề này, lãnh đạo Sở GTVT cho rằng, giao thông là biến động, tùy thuộc vào tình hình thực tế để cơ quan quản lý đưa ra những giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, tất cả các giải pháp đều dựa trên sự nghiên cứu đo đạc kỹ lưỡng. Nếu hiểu theo lời lãnh đạo Sở GTVT nói, thì mỗi giải pháp phân luồng, Sở này đều có sự tính toán, đo đạc, khảo sát địa thế và thực tế rồi mới thực hiện. Dư luận hoàn toàn có thể hiểu, phải chăng, việc cho lưu thông hai chiều ban đầu là ngẫu hứng, không có sự tính toán, thậm chí, người ta có thể nghĩ sâu xa hơn, là cơ quan quản lý đang cố tình “bẫy” cánh lái xe. Cho rồi lại cấm, không khỏi để dư luận liên tưởng đến phương pháp bịt và mở ngã tư trước đây của cơ quan này. Phải chăng, ngành chức năng đang lấy người dân làm thuốc thử cho mỗi biện pháp quản lý, tổ chức lại giao thông?

Dẫu biết giao thông là biến động, là phức tạp, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhưng trong hệ thống các giải pháp đó, sẽ có giải pháp đúng, giải pháp chưa đúng, cốt yếu, phải nhận ra cái sai sót, biện pháp nào chưa đúng, chưa đủ để điều chỉnh, bổ sung, không vậy sao có thể tìm ra giải pháp hiệu quả. Thừa nhận cái sai, cái chưa đúng để tìm ra những giải pháp ưu việt, hiệu quả hơn trong bối cảnh giao thông phức tạp như hiện nay. Song, cũng không phải, các giải pháp cứ thay đổi như lật bàn tay, người dân không đủ sức để chạy theo.