Xóa nợ thuế chỉ có doanh nghiệp nhà nước hưởng lợi?

ANTD.VN - Trước đề xuất xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt với tổng số tiền lên tới gần 8.000 tỷ đồng, một số ý kiến cho rằng, chính sách này chỉ hướng đến doanh nghiệp nhà nước, không tác động gì cho doanh nghiệp và không đảm bảo công bằng. Để làm rõ vấn đề, Bộ Tài chính đã có ý kiến phản hồi.

Xóa nợ thuế chỉ có doanh nghiệp nhà nước hưởng lợi? ảnh 1

Bộ Tài chính nhấn mạnh, các trường hợp chây ỳ, cố tình chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước sẽ bị xử lý nghiêm

Xóa nợ gần 8.000 tỷ đồng

Tại dự thảo nghị quyết về một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã đề xuất một số nội dung cụ thể liên quan đến việc xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với người nộp thuế đã giải thể, phá sản hoặc bỏ kinh doanh.

Cụ thể, xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với doanh nghiệp, tổ chức thực tế đã giải thể, phá sản hoặc bỏ kinh doanh trước ngày 1-1-2014 và khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với doanh nghiệp, tổ chức thực tế đã giải thể, phá sản hoặc bỏ kinh doanh trong giai đoạn từ 1-1-2014 đến 31-12-2015. Xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của hộ, cá nhân kinh doanh đã bỏ kinh doanh trước ngày 1-1-2014 và khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của hộ, cá nhân kinh doanh đã bỏ kinh doanh trong giai đoạn từ ngày 1-1-2014 đến ngày 31-12-2015.

Theo đề xuất của Bộ Tài chính thì việc xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt cho người nộp thuế là 7.963 tỷ đồng. Số tiền khoanh nợ cho những trường hợp thực tế đã giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh theo đề xuất là 6.731 tỷ đồng, việc khoanh nợ là tạm thời không tính tiền chậm nộp để theo dõi do các đối tượng này gặp khó khăn chứ không phải là xóa nợ.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, việc đề xuất, lựa chọn các đối tượng để xóa nợ, khoanh nợ thuế tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh được căn cứ trên cơ sở tổng kết đánh giá tình hình thực hiện xử lý xóa nợ thuế trong thời gian qua và tình hình thực tiễn, cơ quan thuế đã rà soát ký lưỡng các đối tượng để để xuất.

Theo cơ quan thuế, thực tế thực hiện xử lý nợ thuế trong thời gian qua cho thấy, quy định của pháp luật về xóa nợ thuế chưa bao quát được hết thực trạng kinh doanh, chưa xử lý được tồn tại về nợ thuế không thể thu hồi được nhất là trong giai đoạn kinh tế có nhiều biến động bất lợi từ ngày 31-12-2013 trở về trước. Cụ thể, nhiều người nộp thuế cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn từ ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán nên không có nguồn nộp kịp thời nhưng vẫn bị tính tiền chậm nộp tiền thuế dẫn đến thiếu công bằng giữa doanh nghiệp và nhà nước khi doanh nghiệp nợ thuế thì bị tính tiền chậm nộp nhưng ngân sách chậm thanh toán cho doanh nghiệp thì không bị tính lãi.

Bên cạnh đó, cũng có tình trạng người nộp thuế kinh doanh thua lỗ, nhiều trường hợp lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, phải ngừng hoạt động hoặc thậm chí giải thể, phá sản nhưng không thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục giải thể, phá sản. Số nợ thuế đã phát sinh từ trước thời điểm mất khả năng thanh toán, giải thể, phá sản liên tục tăng thêm trong khi người nộp thuế đã không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoặc đã giải thể, phá sản.

Việc xóa nợ có đảm bảo công bằng?

Đây là câu hỏi được không ít người đặt ra trong thời gian qua. Thậm chí có ý kiến cho rằng việc xóa nợ, khoanh nợ thuế chỉ hướng đến doanh nghiệp nhà nước, không tác động gì cho doanh nghiệp, không đảm bảo công bằng. Trước những ý kiến đó, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định: “Thông tin nêu trên là chưa chính xác”.

“Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đề xuất xử lý xóa nợ, khoanh nợ cho các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh, làm giảm nợ của nền kinh tế, giúp nền kinh tế trong sạch hơn, minh bạch hơn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, đại diện Bộ Tài chính tái khẳng định.

Làm rõ hơn về nguyên tắc xóa nợ, khoanh nợ, đại diện Bộ Tài chính cho biết, việc xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải bảo đảm bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, bảo đảm nguyên tắc không phân biệt đối xử phù hợp với thông lệ quốc tế và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia. Theo đó đối tượng xóa nợ, khoanh nợ gồm tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế chứ không chỉ mỗi doanh nghiệp nhà nước.

Để bảo đảm chặt chẽ việc xóa nợ, khoanh nợ đối với các trường hợp giải thể, bỏ kinh doanh, Bộ Tài chính cũng đã đề nghị quy định chế tài. Theo đó, trường hợp người sáng lập doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của tổ chức tiếp tục đăng ký thành lập tổ chức kinh doanh khác thì phải tối thiểu sau 2 năm kể từ thời điểm giải thể, phá sản cơ quan chức năng mới cấp mã số kinh doanh cho những doanh nghiệp này.

“Như vậy, việc quy định đối tượng xóa nợ, khoanh nợ cho trường hợp thực tế đã giải thể, phá sản bỏ kinh doanh như đề xuất của Bộ Tài chính là rất chặt chẽ, đảm bảo bình đẳng, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh, là chủ trương lớn của Chính phủ, Quốc hội”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.