Xem lịch âm - Lịch vạn sự hôm nay ngày 7 tháng 2 năm 2024 tốt hay xấu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lịch vạn sự ngày hôm nay 7-2-2024 có gì đáng chú ý? Hôm nay là ngày thuận lợi cho họp mặt, đính hôn, ăn hỏi, đổ mái, xuất hàng.

Thứ 4 ngày 7 tháng 2 năm 2024

Năm Quý Mão

Tháng Chạp (Đủ)

Tháng Ất Sửu

Ngày Tân Sửu

Giờ Mậu Tý

Ngũ hành: Thổ - Sao: Chẩn - Trực: Bế

Đại Hàn: 20/01/2024 (10/12 âm lịch) lúc 21g08’

Lập Xuân: 04/02/2024 (25/12 âm lịch) lúc 15g28’

Hòn Dấu: nước lớn 02g07’ - nước ròng 15g00’

Giờ Hoàng đạo: Dần (03g-05g), Mão (05g-07g), Tỵ (09g-11g), Thân (15g-17g), Tuất (19g-21g), Hợi (21g-23g)

Giờ hoàng đạo là giờ tốt theo phong tục.

Theo phong tục của người dân Việt Nam thì có hai loại giờ: giờ hoàng đạo và giờ hắc đạo. Giờ hoàng đạo nghĩa là giờ tốt, có thể làm được nhiều việc trọng đại như: ăn cưới, đón cô dâu, nhập học, làm tang lễ, an táng, thành hôn, giao dịch, buôn bán, giao tiếp... Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng có thể áp dụng giờ hoàng đạo được. Theo dân gian, trong mỗi ngày thì có 6 giờ hoàng đạo và 6 giờ hắc đạo. Vì vậy, giờ hoàng đạo và giờ hắc đạo được chi phối bằng nhau trong mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm.

Người Việt Nam quan niệm rằng, trên trời sẽ có 28 vì sao chiếu mệnh là nhị thập bát tú. Trong đó có hai loại sao là sao tốt và sao xấu. Nếu giờ đó thuộc cung của sao Tốt thì có nghĩa là giờ tốt, nếu giờ đó phạm phải sao xấu sẽ giờ xấu. Tùy theo mức độ, tính chất của sao mà tốt trong mỗi lĩnh vực. Ví dụ: Sao Bích tốt trong cưới hỏi, sao Lâu tốt trong xây dựng...

Theo phong tục cổ truyền Việt Nam, khi khởi đầu một việc gì, ngoài việc chọn ngày lành tháng tốt còn phải chọn giờ tốt. Xuất hành, khởi công xây dựng, khai trương cửa hàng, bắt đầu đi đón dâu, đưa dâu, bắt đầu lễ đưa ma, hạ huyệt, khánh thành công trình... đều phải chọn giờ hoàng đạo.

Nhưng lưu ý là có những trường hợp đặc biệt không thể máy móc chọn giờ tốt được. Ví dụ sắp đến giờ tàu, xe xuất phát, nếu đợi giờ tốt có khi nhỡ kế hoạch; hoặc có giờ tốt, ngày tốt, nhưng thời tiết rất xấu, chưa khởi công được... Nếu cứ quá câu nệ nhiều khi lại hỏng việc. Và nếu làm như thế, nó trở thành mê tín dị đoan, hậu quả khó lường.

Ngày hôm nay thuận lợi: Họp mặt, đính hôn, ăn hỏi, đổ mái, xuất hàng.

Cung hoàng đạo: Bảo Bình (20/1 – 18/2): Bảo Bình có tính cách khá tùy hứng, bốc đồng nhưng đứng trước tình bạn, tình yêu, họ có thể trở thành một người kiên nhẫn, cố chấp đến khó hiểu. Một khi đã trao tình cảm cho ai, đừng hòng Bảo Bình bỏ cuộc, chạy trốn, chia li dù đối phương chẳng còn yêu mình. Họ cũng chẳng ngại ngần việc để lộ tâm trạng yếu đuối si tình trước mặt người khác.

* Những câu nói, ngạn ngữ, châm ngôn hay, thú vị của ngày hôm nay:

“Nếu bạn muốn có được những thứ mình chưa từng có, thì bạn phải dám làm những việc mình chưa từng làm” (Bộ TT & TT)

“Khi bạn đã phải chịu đựng rất nhiều đau khổ trong cuộc sống, mỗi nỗi đau gia tăng đều vừa không thể chịu đựng được vừa nhỏ bé không đáng kể” (Yann Martel)

“Tôi có trách nhiệm. Dù có lẽ tôi không thể ngăn chặn điều tồi tệ nhất xảy ra. Tôi có trách nhiệm về thái độ của mình đối với sự bất hạnh không thể tránh khỏi hắt bóng tối lên cuộc sống” (Walter Anderson)

Xe buýt Hà Nội chạy xuyên Tết Giáp Thìn

Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) vừa ban hành kế hoạch phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Theo Transerco, đợt nghỉ Tết Nguyên Đán Giáp Thìn năm 2024 kéo dài 7 ngày, từ ngày 8/2/2024 (tức ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão) đến hết ngày 14/2/2024 (tức ngày mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Tuy nhiên là tết cổ truyền nên lịch nghỉ Tết của học sinh, sinh viên, một số doanh nghiệp cho nghỉ Tết sớm hơn, kết thúc muộn và thời gian nghỉ kéo dài hơn so với quy định.

Dự báo lưu lượng khách tại các bến xe của Transerco vào các đợt trước và sau kỳ nghỉ Tết (tức từ 23 tháng Chạp đến 30 Tết và từ mùng 5 Tết đến ngày 9 tháng Giêng) sẽ tăng cao gấp khoảng 1,5 đến 2 lần so với các dịp cuối tuần.

Theo đó, Transerco thực hiện biểu đồ ngày Tết từ ngày 5/2/2024 (tức 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn) đến ngày 15/2/2024, phù hợp với nhu cầu thực tế và luồng hành khách.

Xe buýt Hà Nội vẫn chạy đầy đủ phục vụ nhân dân đi lại dịp Tết Giáp Thìn
Xe buýt Hà Nội vẫn chạy đầy đủ phục vụ nhân dân đi lại dịp Tết Giáp Thìn

Trong đó, ngày 26 Tết, Transerco bố trí 9.913 lượt xe/ngày, mở bến lúc 4h30, đóng bến lúc 22h30; ngày 27 Tết, bố trí 8.645 lượt xe/ngày, mở bến lúc 5h00, đóng bến 21h00; ngày 28 Tết, bố trí 8.596 lượt xe/ngày, mở bến 5h00, đóng bến lúc 21h00; ngày 29 Tết, bố trí 7.323 lượt xe/ngày, mở bến lúc 5h30, đóng bến 20h30; ngày 30 Tết, bố trí 4.023 lượt xe/ngày, mở bến lúc 6h00, đóng bến lúc 18h00.

Ngày mùng 1 Tết, bố trí 2.712 lượt xe/ngày, mở bến lúc 10h00, đóng bến 18h00; ngày mùng 2 Tết, bố trí 4.056 lượt xe/ngày, mở bến 8h30, đóng bến 19h30; ngày mùng 3 Tết, bố trí 5.194 lượt xe/ngày, mở bến 6h30, đóng bến 20h30; ngày mùng 4 Tết, bố trí 6.015 lượt xe/ngày, mở bến lúc 6h00, đóng bến 21h00; ngày mùng 5 Tết, bố trí 8.742 lượt xe/ngày, mở bến lúc 5h00, đóng bến 21h00; ngày mùng 6 Tết, bố trí 9.941lượt xe/ngày, mở bến lúc 4h30, đóng bến 22h30.

Dịp này, Transerco cũng tăng cường thêm 25 tuyến buýt kết nối với các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Yên Nghĩa nhằm phục vụ tối đa nhu cầu của hành khách trong cao điểm.

Xử lý triệt để hành vi lợi dụng di tích tín ngưỡng, lễ hội để trục lợi

Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) vừa có các văn bản gửi một số tỉnh, thành phố đề nghị giám sát chặt chẽ đối với lễ hội tập trung đông người, lễ hội trọng điểm.

Tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn những biến tướng phát sinh, ngày 5/2, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương ký ban hành các công văn số 103/ VHCS-NSVH gửi Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ; số104/ VHCS-NSVH gửi Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc; số 105/ VHCS-NSVH gửi Sở VHTTDL tỉnh Nam Định; số 106/ VHCS-NSVH gửi Sở VHTT TP. Hải Phòng; 107/ VHCS-NSVH gửi Sở VHTT TP. Hà Nội….

Lễ hội Gióng Sóc Sơn, Hà Nội
Lễ hội Gióng Sóc Sơn, Hà Nội

Cục Văn hóa cơ sở yêu cầu giám sát chặt chẽ tại một số lễ hội lớn, tập trung đông người như: Hội Phết (xã Hiền Quan, huyện Tam Nông); lễ hội Cầu Trâu (xã Hương Nha và xã Bắc Sơn, huyện Tam Nông) trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; lễ hội Đúc Bụt (xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương); lễ hội Cướp Phết (xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch); lễ hội Chọi trâu (xã Hải Lựu, huyện Sông Lô) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức), lễ hội Đền Sóc (huyện Sóc Sơn) trên địa bàn Hà Nội; lễ hội Khai Ấn Đền Trần (phường Lộc Vượng, TP. Nam Định), lễ hội Phủ Dày (huyện Vụ Bản) trên địa bàn tỉnh Nam Định; lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (quận Đồ Sơn) tại Hải Phòng...

Lễ hội chùa Hương kéo dài tới tháng 3 âm lịch và là một trong những lễ hội thu hút cả triệu khách hành hương trong mỗi mùa
Lễ hội chùa Hương kéo dài tới tháng 3 âm lịch và là một trong những lễ hội thu hút cả triệu khách hành hương trong mỗi mùa

Tại các văn bản này, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) nêu rõ, nhằm đảm bảo công tác tổ chức và quản lý lễ hội năm 2024 diễn ra an toàn, tiết kiệm theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của Bộ VHTTDL.

“Bảo đảm hoạt động lễ hội được tiến hành trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống và các giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam; thực hiện các giải pháp nhằm loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển…”, Cục Văn hóa cơ sở nhấn mạnh.

Cục Văn hóa cơ sở đề nghị các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội, các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc; kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép.

Không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.