Xe hợp đồng trá hình limousine nở rộ, xe tuyến cố định "vỡ trận"

ANTD.VN -  Nhiều chuyên gia cho rằng, hành lang pháp lý dành cho xe hợp đồng hiện nay cởi mở hơn so với các loại hình vận tải khác. Với nhiều lợi thế, đơn vị vận tải xe hợp đồng có thể chủ động quyết định giá cước; tự lên lộ trình vận tải theo yêu cầu của khách hàng...

Vì sao nở rộ?

Chia sẻ tại Hội nghị ATGT Việt Nam 2023 diễn ra vừa qua, TS. Đinh Quang Toàn, Trường Đại học Công nghệ GTVT lưu ý về tình trạng xe hợp đồng trá hình chạy như tuyến cố định. Đây là kẽ hở lớn cần sớm được khắc phục nếu không sẽ phá vỡ luồng tuyến cố định, dẫn đến tình trạng xe bỏ bến ngày càng nhiều.

Về nguyên nhân khiến cho xe hợp đồng nở rộ, TS. Đinh Quang Toàn cho rằng, do hành lang pháp lý dành cho xe hợp đồng hiện nay cởi mở hơn so với các mô hình khác. Đơn vị vận tải xe hợp đồng có thể chủ động quyết định giá cước vận tải; chủ động lên lộ trình vận tải theo yêu cầu của khách hàng...

Trong khi đó, xe tuyến cố định mỗi khi thay đổi giá cước thì thủ tục phức tạp và gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, xe tuyến cố định còn phải chịu chi phí ra vào bến bãi, chịu sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng.

Lợi thế pháp lý đang thúc đẩy các chủ xe cá nhân dù không được phép kinh doanh vận tải nhưng vẫn tham gia như các mô hình xe ghép, xe tiện chuyến... gây mất ATGT và thất thu thuế lớn cho Nhà nước.

Lực lượng chức năng kiểm tra xe hợp đồng limousine

Lực lượng chức năng kiểm tra xe hợp đồng limousine

"Hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa bằng đường bộ vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về việc cạnh tranh không lành mạnh cũng như mất an toàn giao thông, cần phải được các cơ quan quản lý Nhà nước xử lý triệt để thông qua các giải pháp, công cụ ứng dụng công nghệ số", TS. Đinh Quang Toàn nhấn mạnh.

Ông Phan Bá Mạnh, Giám đốc Công ty CP Công nghệ An Vui thẳng thắn chỉ ra 2 nguy cơ khi loại hình xe hợp đồng trá hình phát triển mạnh, mất kiểm soát như hiện tại.

Thứ nhất, kích cầu thị trường gia tăng do loại hình này tiện lợi cho người dân. Thứ hai cũng thể hiện lĩnh vực kinh doanh vận tải hợp đồng đang ẩn chứa nhiều tiềm năng, nguy cơ phát triển thiếu kiểm soát.

Cũng theo ông Mạnh, thị trường sẽ còn tiếp diễn phức tạp nếu không tìm ra được một giải pháp cho các doanh nghiệp cạnh tranh một cách công bằng.

Xe hợp đồng limousine hoạt động như xe khách tuyến cố định nở rộ khắp nơi không được quản lý

Xe hợp đồng limousine hoạt động như xe khách tuyến cố định nở rộ khắp nơi không được quản lý

Lệnh vận chuyển điện tử có quản được xe hợp đồng trá hình?

Trên địa bàn Hà Nội, vài năm trở lại đây, loại hình xe hợp đồng trá hình limousine xuất hiện và hoạt động ngày càng rầm rộ. Hàng loạt ôtô khách Limousine của các nhà xe như: Limousine Duy Khang, Limousine X.E Hà Hải; Limousine Thời Đại, Limousine Khánh An… thường xuyên xuất hiện trên các cung đường, thậm chí là các tuyến phố nội đô. Dù là tuyến cấm xe khách hoạt động thì xe hợp đồng limousine vẫn ngang nhiên đón/trả khách.

Khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, các xe hợp đồng trá hình này gần như đầy đủ giấy tờ. Vì thế, lực lượng chức năng phần lớn chỉ xử phạt được các lỗi dừng đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định.

Giám đốc Công ty CP Công nghệ An Vui cho rằng, nên áp dụng lệnh vận chuyển điện tử đối với loại hình kinh doanh vận tải ô tô khách, trong đó có xe hợp đồng và tuyến cố định.

Cụ thể, với các phương tiện và các đơn vị vận tải chạy tuyến cố định, trước khi lăn bánh sẽ phải gửi lệnh vận chuyển điện tử lên dữ liệu trung tâm, có thể Bộ GTVT hoặc là Cục Đường bộ Việt Nam sẽ là đơn vị xử lý dữ liệu trung tâm.

Các bến xe sẽ lấy dữ liệu trung tâm để ký lệnh, xác nhận lệnh, giúp hạn chế xe dù, bến cóc. Giải pháp này sẽ giúp cơ quan quản lý nắm được xe đăng ký xuất bến thời điểm nào, bến đi ký thời điểm nào, bến đến ký thời điểm nào để đảm bảo xe chạy luồng tuyến cố định không bỏ bến.

Tương tự, với những xe hợp đồng cũng phải thực hiện như vậy. Từ đó, các bến xe, lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra GTVT, ngành thuế, bảo hiểm... sẽ phối hợp truy xuất dữ liệu từ nguồn dữ liệu chung để có thể kiểm tra, giám sát các hoạt động. Bên cạnh đó, việc này cũng nhằm đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu nhằm tối ưu hóa trong quản lý hoạt động vận tải đường bộ với các cơ quan chức năng có liên quan.

Dù vậy, nhiều người cũng lo ngại về nguồn dữ liệu khổng lồ này cần phải xây dựng trung tâm máy chủ rất lớn. Hơn nữa, trong một "khu rừng” dữ liệu như vậy, nếu không có cách quản lý khoa học thì lực lượng chức năng cũng… không dễ vận dụng hiệu quả.