
Xe nạp điện 3 bánh tự chế được rao bán tràn lan trên mạng, ai quản lý?
Xe ba bánh vô tư ra đời
Từ năm 2007, nhận thấy sự, mất an toàn của các loại xe 3-4 bánh, xe tự chế… Thủ tướng Chính phủ đã có Nghị quyết nhằm loại bỏ những phương tiện nguy hiểm này ra khỏi đời sống. Dù vậy, sau 5 năm, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố vẫn đau đầu trước loại xe này.
Trong khi, các cơ quan chức năng vẫn còn loay hay để làm sao thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng và quy định của UBND TP Hà Nội thì trên đường phố hiện nay, người ta lại phát hiện có sự lưu thông của những loại xe tự chế mới như xe hai bánh, ba bánh chạy bằng điện. Mới đây, Công an quận Tây Hồ phối hợp cùng Đội CSGT số 2 - CA TP Hà Nội đã kiểm tra một cơ sở sản xuất xe điện hai, ba bánh tự chế trên địa bàn quận này. Kết quả kiểm tra phát hiện, Công ty M.T (quận Tây Hồ) đang sở hữu 17 chiếc xe nạp điện 3 bánh cũ, và 15 chiếc xe nạp điện 2 bánh cũ.
Theo trình bày của Giám đốc Công ty M.T, công ty này có một số thợ biết sửa chữa xe nạp điện nên những người kinh doanh trong khu vực chợ hoa (Quảng An) thường mang xe đến công ty để sửa, hoặc bán lại. Mỗi xe có giá từ 3-10,5 triệu đồng. Công an quận Tây Hồ cho biết, toàn bộ số xe trên chưa xác định được nguồn gốc, được mua trôi nổi trên thị trường, không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Cũng theo đại diện Công an quận Tây Hồ, ngay sau khi kiểm tra, phát hiện vụ việc, lực lượng công an đã lập biên bản và đình chỉ hoạt động số xe nạp điện 3 bánh. Tuy nhiên, Đại tá Nguyễn Bá Hùng, Trưởng Công an quận Tây Hồ cho biết, rất khó để xử lý số xe nạp điện 3 bánh trên vì đến thời điểm hiện tại chưa có quy định, văn bản, hướng dẫn nào về xử lý loại phương tiện này. Song, công an quận Tây Hồ đã có công văn đề nghị Đội QLTT số 11- Chi cục QLTT Hà Nội vào cuộc. Đáng nói là, Đội QLTT số 11 cũng từ chối tham gia với lý do, chưa đủ căn cứ để thu giữ và xử phạt đối với số xe hai, ba bánh tự chế nói trên.
Lỗ hổng khó bịt
Trao đổi với An ninh Thủ đô về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nhìn nhận, đúng là cho đến nay, luật pháp mới có những quy định và chế tài về hành vi sử dụng, lưu thông xe 3, 4 bánh tự chế, nhưng lại chưa có chế tài để xử phạt, xử lý người sản xuất ra loại phương tiện này. Còn ông Đỗ Hữu Đức, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) cho rằng, ngành giao thông chỉ chịu trách nhiệm về chất lượng của các loại phương tiện khi đã xuất xưởng và đưa vào lưu thông, quá trình sản xuất tại xưởng thì lại thuộc bộ, ngành khác.
Tại NQ 32/2007/NQ-CP năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ, từ 1-1-2008, đình chỉ lưu hành ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu xử lý bán phế liệu, sung công quỹ. Ngoài ra, NQ 32 cũng yêu cầu, đình chỉ hoạt động các cơ sở lắp ráp, tự chế các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và đường thủy nội địa trái phép, nếu cố tình vi phạm có thể tịch thu trang thiết bị trực tiếp sản xuất của cơ sở đó. Tuy nhiên, đến nay, những quy định này chưa được thể hiện bằng các chế tài cụ thể. Ngoài ra, có thể, khi đưa ra quy định, NQ 32 chưa phân rõ trách nhiệm thuộc về bộ, ngành nào phải xử lý, để đến nay, ngành nào cũng thấy không thuộc về thẩm quyền xử lý của mình.
Rõ ràng, đây là một lỗ hổng luật pháp để các đối tượng lợi dụng, đưa vào lưu thông những loại xe không đạt tiêu chuẩn, những loại xe đã bị cấm. Song, cũng đã đến lúc các bộ, ngành chức năng cần xem xét để bịt lỗ hổng chết người này, bởi, sẽ ra sao khi không chỉ 1, mà có thêm hàng trăm cơ sở lắp ráp, tự chế các loại xe tương tự, thì phố phường sẽ lại náo loạn vì xe ba bánh tự chế!
Hà Tĩnh: Xe tự chế gây tai nạn chết người
7h ngày 23-9, tại đường liên thôn thuộc xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe công nông tự chế do Nguyễn Tiến Hạnh (SN 1975), ở xã Kỳ Đồng, điều khiển với xe môtô BKS: 38H3-8143 do Nguyễn Thị Hà (SN 1971), trú cùng xã với Hạnh, điều khiển. Hậu quả, chị Hà tử vong. Các cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ nguyên nhân.