Xe đạp công cộng cho người dân thuê trên địa bàn Hà Nội được triển khai ra sao, giá thuê thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc triển khai xe đạp đô thị trên địa bàn TP Hà Nội sẽ diễn ra như thế nào, giá cho người dân thuê tính ra sao và trong trường hợp xe va chạm hỏng hóc hoặc bị mất cắp sẽ xử lý như thế nào?

Mức phí thuê tối thiểu là 5.000 đồng/30 phút

Ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trí Nam (Công ty Trí Nam- đơn vị thực hiện và xây dựng đề án xe đạp đô thị tại TP.HCM và Hà Nội) cho biết, với mục tiêu đa dạng hóa loại hình vận tải hành khách công cộng (VTKCC) trên địa bàn thành phố, thời gian qua Công ty Trí Nam đã được Sở GTVT và UBND thành phố Hà Nội cho phép nghiên cứu, lập dự án “Xe đạp đô thị”.

Hiện dự án đã được Sở GTVT Hà Nội hoàn thiện và chuẩn bị báo cáo UBND thành phố chi tiết.

Khác với các loại VTKCC khác - người dân thường phải chờ đợi và hành trình phải phụ thuộc điểm lên, xuống cố định; loại hình xe đạp công cộng lại giúp người dân chủ động được đi lại, đến điểm có xe đạp được bố trí là lấy xe đi ngay, không phải chờ đợi; trong quá trình đi xe đạp, người dân chủ động dừng, đỗ, đi vào các con phố nhỏ, ngõ nhỏ tùy thích.

Ông Đỗ Bá Dân

Ông Đỗ Bá Dân

-Lộ trình thực hiện dự án “Xe đạp đô thị” sẽ như thế nào nếu được thành phố Hà Nội thông qua?

- Ông Đỗ Bá Dân: Theo chủ trương đã được UBND TP Hà Nội và Sở GTVT chấp thuận, đề án “Xe đạp đô thị” tại Hà Nội sẽ triển khai theo hai giai đoạn. Do vậy, quy mô và mức đầu tư dự án cũng được phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn này.

Theo đó, dự án sẽ được triển khai theo hai giai đoạn, giai đoạn 1 (thực hiện trong 1 năm), dự kiến trong năm 2022. Ở giai đoạn này đơn vị thực hiện dự án sẽ đầu tư 1.000 xe đạp, trong đó có 500 xe đạp cơ và 500 xe đạp điện. Tổng mức đầu tư cho giai đoạn này khoảng 30 tỷ đồng.

Giai đoạn này sẽ triển khai tại 85 điểm trên địa bàn 6 quận gồm: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Ba Đình và Tây Hồ với khoảng 85 điểm bố trí xe, mỗi điểm từ 10-15 chiếc.

Các điểm bố trí xe được ưu tiên kết nối với các phương tiện VTKCC khác như xe buýt, metro hay những điểm tập trung đông người như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại… làm sao để thuận lợi nhất cho người dân lấy xe và trả xe.

Tại TP.HCM, loại hình "Xe đạp đô thị" được triển khai thí điểm từ 15/12/2021

Tại TP.HCM, loại hình "Xe đạp đô thị" được triển khai thí điểm từ 15/12/2021

Giai đoạn 2, dự kiến thực hiện từ năm 2023 đến 2024. Giai đoạn này, dự án thực hiện mở rộng vùng phục vụ: tập trung phát triển mở rộng vùng dịch vụ ra các quận trung tâm và lân cận trung tâm. Giai đoạn này Công ty sẽ đầu tư thêm 3.000 xe tại 350 điểm để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

-Giá thuê xe mà doanh nghiệp đề xuất ra sao, có khả thi đối với bản thân nhà đầu tư và tính sẵn sàng chi trả của người dân?

-Tổng mức đầu tư cho cả hai giai đoạn là hơn 130 tỷ đồng. Dự án được đầu tư theo hình thức xã hội hóa nên toàn bộ số kinh phí này doanh nghiệp sẽ bỏ ra. Sau khi triển khai xong các giai đoạn đầu tư, việc hoàn vốn dự án sẽ thông qua thu phí cho thuê xe đạp. Ngân sách thành phố không phải bỏ ra cho việc đầu tư xe đạp công cộng.

Mức phí thuê theo đơn vị đề xuất tối thiểu là 5.000 đồng/30 phút

Mức phí thuê theo đơn vị đề xuất tối thiểu là 5.000 đồng/30 phút

Mức phí đơn vị dự kiến người dân tiếp cận xe đạp công cộng là 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/giờ xe đạp cơ; giá phí cho thuê cả ngày là 50.000 đồng/ngày. Đối với xe đạp điện, sau khi doanh nghiệp có cụ thể mức đầu tư cho một xe được nhập về sẽ tính toán để đưa ra mức phí cụ thể.

Mức phí cho xe đạp cơ hiện cũng được áp dụng cho xe đạp công cộng tại TP.HCM đã được Công ty Trí Nam triển khai từ 15/12/2021. Sau 3 tháng triển khai, loại hình xe đạp công cộng tại TP.HCM cũng đang được người dân đón nhận nhiệt tình. Ước tính nếu như kỳ vọng (mức độ người dân TP Hà Nội đón nhận như TP.HCM) thì khoảng 4 năm, doanh nghiệp sẽ hoàn vốn.

Thuê xe, trả phí qua ứng dụng

-Người dân sẽ thuê “Xe đạp đô thị” như thế nào?

-Trên mỗi chiếc xe đạp đều có một mã QR code, người dân tải app của “Xe đạp đô thị- TNG” cài đặt vào điện thoại, đăng ký tài khoản, nạp tiền (tối thiểu 10.000 đồng). Khi người dân có nhu cầu thuê xe chỉ cần bật ứng dụng, quét mã QR trên xe đạp, khóa điện của xe sẽ tự động mở cho người dân sử dụng. Trên ứng dụng sẽ tích hợp nhiều thông tin hỗ trợ người sử dụng.

Đặc biệt, mỗi chiếc xe đạp đều được cài đặt GPS để định vị lộ trình di chuyển hoặc tìm xe khi thất lạc. Ngoài ra, người dân có thể trả xe bất kỳ điểm nào mà không nhất thiết phải về bến nhưng khi đó sẽ phải bỏ ra một khoản phí thu xe hộ nhất định.

Các xe đạp đều được thiết kế chuyên biệt, chống tháo lắp các thiết bị và có hệ thống cảnh báo rung, xâm nhập bất hợp pháp…

-Thời tiết tại Hà Nội khá khắc nghiệt đối với việc đi xe đạp, Công ty có tính toán đến yếu tố này khiến dự án không được như kỳ vọng?

-Bất kỳ loại hình VTKCC nào khi đưa vào vận hành cũng có khó khăn bước đầu, nhưng “Xe đạp đô thị” là loại hình VTKCC di chuyển quãng đường ngắn, thời gian ngắn lại cực kỳ chủ động nên tôi tin chắc rằng, người dân sẽ ủng hộ, sẽ thu hút được người sử dụng. Như tại TP.HCM, qua 3 tháng triển khai, đã có 110.000 người tải ứng dụng cài đặt để sử dụng dịch vụ "Xe đạp đô thị".