Xe buýt có làn ưu tiên

ANTĐ - Mặc dù Quy hoạch giao thông Hà Nội đã đưa ra phương án ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), song làm thế nào để người dân ưu tiên sử dụng xe buýt, để loại hình vận tải này đáp ứng được yêu cầu đi lại là bài toán khó. 

Có làn đường riêng, thời gian di chuyển bằng xe buýt rút ngắn hơn

200 tỷ đồng làm thí điểm

Xe buýt Hà Nội hiện chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong các phương tiện cơ giới (10%) còn phần lớn là xe máy và ô tô cá nhân. Những phương tiện này là tác nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông. Bởi vậy, nhóm nghiên cứu Dự án cải thiện VTHKCC (UBND TP Hà Nội phối hợp với JICA) đặt ra, cần phải tăng cường chất lượng dịch vụ và quy mô cho xe buýt để khuyến khích sử dụng phương tiện này. Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Triều, Phó Tổng giám đốc Transerco Hà Nội cho biết, do sự phát triển của phương tiện cá nhân cùng với cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp, nên vận tốc của xe buýt ngày càng chậm, ngày càng kéo dài thời gian chạy trên đường, khó đáp ứng đúng yêu cầu của người sử dụng. Ông Triều lấy ví dụ, một quãng đường dài 5km, nếu thời gian trước đi xe buýt hết 15-20 phút thì nay kéo dài tới 30-40 phút. 

Xuất phát từ thực tiễn trên, Dự án cải thiện VTHKCC sẽ triển khai phương pháp làn ưu tiên xe buýt, lấy đoạn từ Ga Hà Nội đến Cầu Giẽ làm thí điểm. Ông Nguyễn Đức Toàn, Phó trưởng phòng Quản lý giao thông đô thị, Sở GTVT cho biết, thông qua tuyến thí điểm, người tham gia giao thông trên địa bàn TP sẽ được làm quen với giải pháp tổ chức giao thông mới, giải pháp ưu tiên xe buýt như làn đường ưu tiên, đèn tín hiệu ưu tiên; nâng cao chất lượng dịch vụ của xe buýt trên tuyến thí điểm, khuyến khích người dân tham gia giao thông sử dụng dịch vụ.  Các chuyên gia của Dự án cũng đưa ra một số điểm gửi xe trên tuyến để người dân có thể gửi lại phương tiện, đi xe buýt vào nội đô làm việc và ngược lại.

Phương án được các chuyên gia lựa chọn để làm thí điểm là làn ưu tiên xe buýt trùng với làn ô tô , nhà chờ ở giữa dải phân cách. Tuy nhiên, nhóm Dự án cho rằng, chỉ nên làm thí điểm từ hầm Kim Liên tới Vĩnh Quỳnh. Đoạn tuyến này có chiều dài 8,3km, mặt cắt đường khá rộng, từ 30-35m. Giải pháp đưa ra, trên phần đường dành cho xe ô tô thuộc đường Giải Phóng tổ chức phân lại làn, dành 1 làn rộng 3,5m sát dải phân cách cho xe buýt. Ô tô vẫn được chạy trên làn xe buýt nhưng phải ưu tiên cho xe buýt đi trước. Làn sát làn xe máy còn lại dành cho ô tô. Làn đường dành cho xe máy và xe thô sơ giữ nguyên như hiện tại. Ông Toàn cho hay, chi phí cho phương án này khoảng 200 tỷ đồng. 

Không học máy móc theo các nước

Ông Đỗ Minh Dũng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty tư vấn GTVT (Tedi- Bộ GTVT)  phân tích, mặc dù trên thế giới đã có nhiều nước áp dụng phương pháp ưu tiên làn xe buýt, song cần phải đánh giá khó khăn, thuận lợi và đặc biệt là sự khác biệt  giữa giao thông Hà Nội và các nước. “Phải đánh giá được nhu cầu đi lại trong tương lai. Dự án sẽ đáp ứng trong giai đoạn nào, bao nhiêu năm… Từ đó đặt vấn đề có cần nâng cấp theo phương án này không?”, ông Toàn đặt câu hỏi.

Bên cạnh đó, đoạn từ Kim Liên tới Ngọc Hồi còn nhiều tuyến phụ trợ khác đan xen, sự kết nối giữa các tuyến buýt bình thường và buýt ưu tiên như thế nào?. Rồi phương án sử dụng nguyên hiện trạng có hợp lý, vì QL1A đoạn từ Kim Liên tới Ngọc Hồi một bên là đường sắt quốc gia, một bên là nhà dân sinh sống san sát, nếu thực hiện phương pháp ưu tiên làn xe buýt thì phải mở rộng mặt cắt ngang, như vậy có thực hiện được không? Một loạt các biện pháp mang tính đồng bộ cũng được ông Toàn đặt ra như thẻ thông minh của tuyến buýt này có dùng được cho các tuyến khác, đặc biệt, yếu tố giá vé rất quan trọng. “Nếu chất lượng cao mà kèm theo giá vé cũng cao thì vẫn khó thu hút được người dân sử dụng loại hình dịch vụ vận tải này”, ông Toàn nói. Đồng tình với quan điểm này, ông Matsuoka, Chuyên gia Quy hoạch giao thông đô thị của JICA, mặc dù buýt nhanh có tính hiệu quả cao, linh hoạt nhưng cũng không thể áp dụng toàn bộ kinh nghiệm tổ chức giao thông của các nước vào Hà Nội. Bởi vậy, phải cân nhắc kỹ lưỡng các giải pháp trước khi đưa vào ứng dụng trong thực tế. 

Bên cạnh đó, không ít chuyên gia cũng tỏ ra băn khoăn về hiệu quả của tuyến thí điểm phương pháp ưu tiên làn xe buýt này. “QL1A đoạn từ Kim Liên đến Cầu Giẽ rất nhiều xe máy ra vào nội thành. Trong đó, phần lớn là người dân chở hàng hóa như rau củ quả, thịt… vào tiêu thụ. Trong khi, các loại hàng hóa cồng kềnh lại không được đưa lên xe buýt, vậy khó có thể khuyến khích người dân lựa chọn”, một chuyên gia phân tích. Hơn nữa, tuyến QL1A đoạn đưa vào thí điểm có người dân sinh sống san sát hai bên đường, nếu xe buýt chạy với tốc độ cao có thể tạo ra sự nguy hiểm khi dân cư sang đường…

Xe buýt nhanh là phương tiện vận tải có hiệu quả cao, linh hoạt. Xe buýt tiêu chuẩn từ 60-75 hành khách. Nhiều cửa hơn, thời gian dừng đỗ ngắn hơn…