Xây dựng khung pháp lý cho tiền ảo: Cần thành lập tổ công tác liên ngành

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ Tài chính cho rằng tiền ảo, tài sản ảo là lĩnh vực mới và nhạy cảm, do đó, cần thiết thành lập Tổ công tác liên ngành để xây dựng khung pháp lý cho lĩnh vực này.

Chia sẻ về việc xây dựng khung pháp lý cho tiền ảo, tài sản ảo, ông Hoàng Văn Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết cơ quan này đang định hướng sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất thành lập Tổ công tác liên ngành để xây dựng đề án này.

Theo ông Hoàng Văn Thu, Bộ Tài chính được Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu lĩnh vực tiền ảo và UBCKNN là đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu xây dựng quy chế về tiền ảo, tài sản ảo.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, UBCKNN đã lấy ý kiến của các bộ, ngành, đặc biệt là ý kiến của Bộ Tư pháp.

“Đến thời điểm này, Bộ Tài chính đã nhận được ý kiến của các bộ, ngành, nhưng về cơ bản các ý kiến đều chưa làm rõ được phương pháp nghiên cứu, cơ chế tiếp cận để xây dựng khung pháp luật về tiền ảo” – ông Thu thông tin.

Việt Nam chưa có khung pháp lý cho tiền ảo

Việt Nam chưa có khung pháp lý cho tiền ảo

Nguyên nhân, theo đại diện UBCKNN, do đây là lĩnh vực mới tại Việt Nam, đồng thời cũng là lĩnh vực tương đối nhạy cảm so với các hoạt động quản lý kinh tế - xã hội khác, đặc biệt là các hoạt động phòng chống tội phạm, đòi hỏi phương pháp nghiên cứu phải hết sức thận trọng.

Do đó, sau khi lấy ý kiến của các bộ, ngành, Bộ Tài chính cho rằng cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả lấy ý kiến của các bộ, ngành và cách triển khai tiếp theo.

“Trong phạm vi nghiên cứu của Bộ Tài chính, chúng tôi rất khó xây dựng được khung pháp luật đảm bảo tròn trịa các góc cạnh của vấn đề, vì thế chúng tôi đang định hướng báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất thành lập Tổ công tác liên ngành để xây dựng đề án này”, ông Hoàng Văn Thu cho biết.

Cũng theo ông Thu, hiện nay, ngay cả việc xác định phạm vi, nội hàm của tiền ảo, tài sản ảo cũng chưa có khái niệm chính thức, do đó cần có tổ công tác liên ngành đề nghiên cứu tiếp cận các thông lệ quốc tế, các kinh nghiệm của các nước trên thế giới để áp dụng vào thực tế của Việt Nam một cách phù hợp.

Hiện đơn vị đang liên hệ, trao đổi với một sàn giao dịch tiền ảo lớn trên thế giới hiện đang có hơn 200 danh mục tiền ảo, tài sản ảo…

Đồng thời cho biết, để định hướng xây dựng sàn giao dịch này cho thị trường Việt Nam thì không chỉ có sàn giao dịch chứng khoán là đủ mà đòi hỏi phải tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành để có cách thức phù hợp với đặc điểm kinh tế của từng loại tài sản ảo… Muốn vậy cần có kết quả nghiên cứu của Tổ công tác liên ngành.

Cũng liên quan vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, tiền ảo, tài sản ảo không phải vấn đề mới nhưng là vấn đề khó, có nhiều rủi ro đòi hỏi chúng ta phải có đánh giá toàn diện.

Nhiều nước trên thế giới đã công nhận tiền ảo, tài sản ảo và đã cho giao dịch, nhưng đây là vấn đề khó và phức tạp, vì hiện nay hệ thống pháp luật của chúng ta chưa công nhận đó là tài sản.

“Muốn được giao dịch thì phải là tài sản, từ đó mới lập sàn giao dịch, tổ chức giao dịch, đưa ra các quy định pháp lý… Do vậy, chúng ta còn nhiều bước nghiên cứu kỹ lưỡng, đối với loại hình tài sản này” – Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều trường hợp tham gia vào hoạt động này dẫn đến rủi ro. Cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ Tài chính, UBCKNN đã cảnh báo nhiều lần, cũng như đã trao đổi cụ thể với các cơ quan bảo vệ pháp luật.

“Cùng với việc kiến nghị thành lập Tổ công tác liên ngành, Bộ Tài chính sẽ tích cực, chủ động hơn nữa, có những đánh giá đối với loại hình tài sản này để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền để có khung pháp lý chặt chẽ, đầy đủ, tổ chức quản lý chặt chẽ để quản lý hiệu quả an toàn, bền vững”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.