Xăng tăng thêm hơn 400 đồng/lít

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Giá xăng dầu trong nước tiếp tục tăng lần thứ ba liên tiếp kể từ chiều nay (1-11) theo công bố của Liên Bộ Công Thương- Tài chính.
Giá xăng dầu tăng lần thứ ba liên tiếp

Giá xăng dầu tăng lần thứ ba liên tiếp

Từ 15h hôm nay (1-11), giá xăng E5 tăng 377 đồng/lít, giá bán là 21.873 đồng/lít. Giá xăng RON95 tăng 412 đồng/lít, giá bán là 22.756 đồng/lít.

Giá dầu diesel tăng 287đồng/lít, giá bán là 25.070 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 120 đồng, giá bán là 23.780 đồng/lít; Dầu mazut tăng 183 đồng/lít, giá mới tối đa 14.082 đồng/kg.

Tại kỳ điều hành này, liên bộ ngừng chi Quỹ bình ổn giá, đồng thời trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng E5 ở mức 200 đồng/lít, xăng RON95 là 300 đồng/lít, dầu madut 500 đồng/kg, không trích lập với dầu diesel và dầu hỏa.

Đây là lần tăng giá xăng dầu thứ ba liên tiếp kể từ hồi tháng 10.

Trước đó, tại kỳ điều hành ngày 21-10, xăng E5 tăng 200 đồng/lít, giá bán là 21.490 đồng/lít. Giá xăng RON95 tăng 340 đồng/lít, giá bán là 22.340 đồng/lít. Giá dầu diesel tăng 600 đồng/lít, giá bán là 24.780 đồng/lít.

Giá dầu diesel tăng 600 đồng/lít, lên 24.780 đồng/lít; dầu hỏa tăng 840 đồng/lít, lên 23.6600 đồng/lít; riêng dầu mazut giảm 200 đồng/kg, xuống 13.890 đồng/kg.

Xăng dầu tăng giá song những ngày qua, tình trạng cây xăng tự ý đóng cửa, “hết xăng còn dầu”, hạn chế lượng hàng bán ra hoặc tiết giảm thời gian bán hàng tái diễn, không chỉ ở các tỉnh phía Nam mà cả tại Hà Nội.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, kế hoạch sản xuất xăng dầu của 2 nhà máy lọc dầu trong nước gồm: Nghi Sơn và Bình Sơn quý IV dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3 (chiếm 80% tổng nhu cầu).

“Về cơ bản lượng sản xuất trên theo kế hoạch đã đưa ra để cân đối cung cầu từ đầu năm 2022 và đã được phân giao thực hiện cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước để bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Hiện nay, 2 nhà máy đều đang vận hành ở công suất tối đa. Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn dự kiến sẽ vận hành ở mức công suất 105% trong các tháng cuối năm 2022 để cung ứng xăng dầu cho thị trường”- Bộ Công Thương cho biết.

Dù vậy, do thị trường xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố địa chính trị khác nhau như: xung đột giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại, sản lượng khai thác dầu của OPEC, bất ổn chính trị tại Libya, thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Iran chưa có tiến triển… nên giá xăng dầu tiếp tục diễn biến phức tạp. Bộ Công Thương sẽ cùng các Bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ để đảm bảo nguồn cung xăng dầu.