Xăng tăng giá, cước vận tải “leo thang”
(ANTĐ) - Kinh doanh vận tải-lĩnh vực chịu tác động nhiều nhất, trực tiếp nhất từ việc xăng, dầu tăng giá cũng là ngành dịch vụ “nhanh nhạy nhất” trong điều chỉnh giá cước. Do vậy, những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác, bên cạnh việc chịu tác động trực tiếp từ xăng, dầu tăng giá thì còn bị đội giá do chi phí vận chuyển.
Cước taxi đã “đội giá” theo xăng dầu |
Cước vận tải tăng trung bình 15%
Ngay sau khi có quyết định tăng giá xăng, dầu, gần như tất cả taxi của Công ty cổ phần CP đều đã ngừng hoạt động. Chỉ đến cuối giờ chiều 21-7, lãnh đạo CP có quyết định bù lỗ với mức từ 5.600đ đến 6.600đ/lít xăng, hoạt động của công ty này mới trở lại bình thường.
Ông Trương Phúc Dũng - Trưởng Trung tâm CP cho biết, với 400 đầu xe, số tiền bù lỗ của doanh nghiêp này lên tới khoảng 20 đến 30 triệu đồng mỗi ngày. Do vậy, chắc chắn công ty sẽ phải tăng cước. Tuy nhiên, thời điểm tăng sẽ được công ty tính toán thật kỹ, nhưng không phải trong tuần này.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam, cước vận tải nói chung cũng sẽ “đắt” thêm từ 7-15% tùy loại. Cụ thể, với xe chạy dầu, mức tăng cước có thể chỉ từ 7-10% do giá diesel tăng không quá mạnh. Nhưng với xe chạy xăng, giá cước phải tăng tới 15% mới đảm bảo chi phí. |
Tuy nhiên, sự “thận trọng” như CP chỉ là số ít bởi tính đến ngày 22-7, phần lớn các hãng taxi đều đã áp dụng biểu giá cước mới. Cụ thể như taxi Tân Hoàng Minh, giá cước mới là 9.500đ/km với xe 7 chỗ và 9.000đ/km với xe 4 chỗ (áp dụng cho 20km đầu), tăng 1.000đ/km; Taxi Ba Sao, mức tăng là 1.500đ/km và giá mới là 8.500đ/km (áp dụng từ km số 2 đến km số 20). 1.000-1.500đ/km là mức tăng phổ biến trong đợt này.
Mức tăng giá cước taxi trung bình từ 15-18% là hợp lý, đó là khẳng định của ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội. Theo tính toán của ông Bình, giá xăng tăng, trung bình mỗi tháng, một đầu xe taxi sẽ phải chi phí thêm khoảng 1 triệu đồng.
Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm hàng loạt ngân hàng điều chỉnh lãi suất cho vay và với mức lãi suất mới (21%/năm), mỗi đầu xe cũng phải mất thêm từ 700.000-900.000đ/tháng. Do vậy, để bù đắp chi phí này, các doanh nghiệp buộc phải tăng giá.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam, cước vận tải nói chung cũng sẽ “đắt” thêm từ 7-15% tùy loại. Cụ thể, với xe chạy dầu, mức tăng cước có thể chỉ từ 7-10% do giá diesel tăng không quá mạnh. Nhưng với xe chạy xăng, giá cước phải tăng tới 15% mới đảm bảo chi phí.
Để tiết giảm tối đa đầu vào, Hiệp hội Kinh doanh vận tải đề nghị các doanh nghiệp tăng cường liên kết để giảm thiểu tình trạng vận tải hàng hóa một chiều. “Tỷ lệ vận chuyển một chiều hiện nay vẫn cao, chiếm khoảng 40%. Do vậy, nếu vận tải 2 chiều được đẩy mạnh, tỷ lệ đạt 85%, chi phí sẽ giảm đáng kể” - ông Hùng nói.
Càng sản xuất càng lo lỗ!
Đó là lo ngại của rất nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Ông Trần Văn Hiếu - Giám đốc Công ty CP Xi măng Việt Trung cho biết: “Công ty chúng tôi phải tiết giảm tối đa những chi phí thường xuyên như xăng xe, điện thoại, điện chiếu sáng... nhưng không tránh khỏi tình trạng càng làm càng... lỗ”.
Ông Vương Thái Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty XNK Xăng dầu Petrolimex cho biết, với mức giá mới được điều chỉnh này, doanh nghiệp vẫn lỗ. Cụ thể, với giá dầu, trước khi điều chỉnh, doanh nghiệp đang bị “âm” khoảng 6.000đ/lít. Từ 21-7, giá dầu diesel, dầu mazút chỉ tăng lần lượt là 2.000đ và 3.500đ/lít, như vậy, doanh nghiệp vẫn chịu lỗ trung bình khoảng hơn 3.000đ/lít dầu. Với mặt hàng xăng, theo mức giá thế giới gần 130 USD/thùng (xăng R92 tại thị trường Singapore) thì kinh doanh xăng tạm hòa vốn. Tuy nhiên, do Petrolimex thực hiện dự trữ theo chỉ đạo nhằm đảm bảo cung-cầu (lượng dự trữ đủ đáp ứng khoảng 1 tháng lưu thông) nên phần lớn lượng xăng tiêu thụ hiện nay được nhập trước đó hàng tháng, ở mức giá trên 140 USD/thùng, do vậy thực chất thì kinh doanh xăng cũng vẫn lỗ. |
Ông Hiếu phân tích, giá dầu tăng tác động đến mọi khâu sản xuất của doanh nghiệp này như khai thác đá, sản xuất vỏ bao, xúc đất; rồi vận chuyển nội bộ máy xúc, máy phát cho đến tiêu hao dầu mỡ... Tính trung bình, chi phí sản xuất đầu vào mỗi tấn xi măng sẽ tăng thêm khoảng 30.000đ. Nếu cộng cả chi phí vận tải tăng thì mỗi tấn xi măng đến chân công trình sẽ đội giá thêm 35.000đ.
Trong khi đó, thị trường xi măng hiện nay cung đã vượt cầu khiến cho hầu hết các doanh nghiệp đều phải bán dưới giá thành. Do vậy, khả năng tăng giá bán là khó thực hiện. Hiện mỗi tháng doanh nghiệp này đang phải chịu lỗ khoảng 200 đến 240 triệu đồng.
Ông Phí Ngọc Chung - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trung Thành cũng chia sẻ, chưa bao giờ, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn như thời điểm hiện nay. Chi phí đầu vào tất cả các nguyên liệu đều tăng, tính từ tháng 4 đến nay, nhiều mặt hàng đã tăng giá tới 50% như nguyên liệu nước mắm, sản phẩm phụ gia nhập khẩu.
Ngay sau khi giá xăng, dầu tăng, hàng loạt các nhà cung cấp sản phẩm đều đã có thông báo tăng thêm 15% phí vận chuyển. “Trong khi đó, chúng tôi không thể tăng mạnh giá sản phẩm bán ra được. Tính chung, chúng tôi đang phải bù đắp tối thiểu là 10% chi phí cho sản phẩm của mình. Có thể nói, doanh thu càng cao thì phần bù đắp chi phí càng lớn” - ông Chung than thở.
Bảo Nguyên