Xăng dầu đồng loạt tăng giá mạnh
(ANTĐ) - 19.000đ/lít xăng RON 92. Đó là mức giá bán lẻ xăng mới được chính thức áp dụng từ 10h hôm qua (21-7) trên phạm vi cả nước. Cùng với đó, giá dầu diezel, dầu hỏa và dầu mazút cũng lần lượt có giá mới là 15.950đ/lít, 20.000đ/lít và 13.000đ/kg. Thông tin này đã được chính thức công bố tại cuộc họp báo do liên Bộ Tài chính-Công Thương tổ chức trước thời điểm tăng giá 1 giờ.
Ngân sách đã quá sức chịu đựng!
So với mức giá cũ, mỗi lít xăng đã tăng 4.500đ/lít-mức tăng cao nhất kể từ trước đến nay. Giá dầu hỏa cũng tăng tới 6.100đ/lít. Mức tăng của dầu mazút, dầu diezel thấp hơn, lần lượt là 3.500đ/lít và 2.000đ/kg.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, trước thời điểm xăng chính thức tăng giá, lực lượng QLTT phối hợp với các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm kê các cây xăng trên toàn quốc, nhất là khu vực sát biên giới để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng hoặc xuất lậu xăng dầu. Với mức giá mới này, mặt hàng xăng đã bước đầu tiệm cận với giá thế giới và phương án điều hành giá mặt hàng này trong thời gian tới là cho phép doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá bán để đảm bảo kinh doanh. Đối với mặt hàng dầu, hiện mới chỉ là điều chỉnh một bước để giảm bù lỗ của Nhà nước. Cụ thể, giá dầu hỏa vẫn thấp hơn giá thế giới hơn 1.000đ/lít; dầu mazút thấp hơn 1.500đ/lít và đặc biệt, với dầu diesel thì mức tăng 2.000đ/lít chỉ tương ứng với khoảng 30% mức chênh lệch so với giá thế giới, còn lại tới 70% ngân sách Nhà nước vẫn phải bù lỗ.
“Mức điều chỉnh cũng đã được tính toán kỹ nhằm hạn chế thấp nhất những tác động tới các lĩnh vực sản xuất”. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phân tích. Cụ thể, mức tăng của dầu hỏa, mazút có cao hơn diesel là bởi lượng tiêu thụ của 2 mặt hàng này chiếm tỷ lệ không nhiều trong tổng lượng tiêu thụ xăng dầu (lần lượt là 1,8 và 14% trong khi diesel chiếm tới 53%).
“Gánh nặng bù lỗ từ ngân sách đã quá sức chịu đựng của nền kinh tế”. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết về lý do phải điều chỉnh giá xăng, dầu. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, thị trường dầu lửa thế giới liên tục lập các mức kỷ lục về giá và có lúc đã vượt 145 USD/thùng. Bình quân từ đầu tháng 7 tới nay, giá dầu thô thế giới vào mức 139,7 USD/thùng, tăng gấp 2 lần cùng kỳ năm 2007.
Xô đựng nước cũng trở thành nơi dự trữ khi xăng tăng giá (ảnh chụp tại cây xăng Khâm Thiên, Hà Nội lúc 9h50 ngày 21-7) |
Phát biểu tại cuộc họp báo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, tổng nguồn thu nội địa của cả nước năm 2008 chỉ khoảng 200.000 tỷ đồng, nếu tiếp tục bù lỗ cho xăng dầu thì mức bù lỗ đã chiếm tới 38% thu nội địa, chưa kể còn rất nhiều mặt hàng Nhà nước vẫn đang phải bù lỗ, chẳng hạn như điện, than, xe buýt... “Mặt khác, việc bù lỗ sẽ bóp méo thị trường, làm gia tăng xuất lậu xăng dầu và làm giảm nguồn lực để chăm lo an sinh xã hội. Hơn thế, nếu doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không “gánh nổi” do lỗ quá lớn thì sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung, do vậy thị trường giá cả xăng dầu sẽ càng thêm mất ổn định” - Phó Thủ tướng nói.
Nhân dân cùng chia sẻ với Nhà nước
Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, để hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực, nhất là việc tăng giá dây chuyền theo giá xăng, dầu, Chính phủ đã yêu cầu các doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ nhằm tiết kiệm chi phí đầu vào để cố gắng kiềm chế việc tăng giá. Giá điện, nước sạch, than cho 4 “hộ” lớn (điện, xi măng, phân bón và giấy) vẫn tiếp tục được giữ ổn định đến hết năm 2008. Với những mặt hàng thiết yếu mà “bất khả kháng” thì phải đăng ký việc tăng giá với cơ quan có thẩm quyền. Cùng với đó, Chính phủ cũng đã chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống đầu cơ, tăng giá trục lợi...
Các chính sách an sinh xã hội cũng tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới như hỗ trợ tiền (tương đương 5 lít dầu hỏa) cho hộ nghèo ở vùng chưa có điện lưới; Nâng mức hỗ trợ cho ngư dân theo mặt bằng giá mới; Tiếp tục nghiên cứu ban hành các chính sách như: Bảo hiểm thất nghiệp, chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở...
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng khẳng định, kiềm chế lạm phát vẫn là mục tiêu hàng đầu trong các chính sách của Chính phủ, đồng thời đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng và an sinh xã hội. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, Chính phủ rất cần sự chung sức, đồng lòng và chia sẻ của các doanh nghiệp và đặc biệt là mọi người dân. Phó Thủ tướng nói: “Thực ra, tiềm năng tiết kiệm của các doanh nghiệp còn rất lớn. Về năng lượng, Việt Nam đang sử dụng nhiều hơn 20% năng lượng so với các nước trong khu vực để sản xuất ra một đơn vị GDP. Kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính châu á năm 1997 cho thấy, những quốc gia nào kêu gọi được sự chia sẻ của người dân, của doanh nghiệp thì quốc gia đó sẽ vượt qua khó khăn nhanh chóng”.
Xuân Thu
Hà Nội: Trước giờ tăng giá xăng dầu, giao thông ùn ứ vì cây xăng quá tải. Ngay từ đầu giờ sáng qua (21-7), lượng người dồn đến các cây xăng trên địa bàn Hà Nội để mua xăng rất đông. Đặc biệt, trước thời điểm tăng giá khoảng 1 giờ, tại hầu hết các cây xăng trên địa bàn thành phố đã trở nên quá tải khiến nhiều đoạn đường bị ùn ứ cục bộ.
Xung quanh khu vực nhiều cây xăng, xe xếp hàng dài để đợi đến lượt mua xăng khiến việc đi lại gặp khó khăn, giao thông tại khu vực này bị ùn ứ; các xe máy chen nhau trước các trụ bơm xăng. Dưới cái nắng 36 độ nhưng nhiều người vẫn cố xếp hàng. Nguyễn Khoa Nam Định: Xăng dầu tăng giá trước cả giờ G. Mặc dù đến 9h sáng qua (21-7), Liên bộ Tài chính - Công Thương - Thông tin và Truyền thông mới tổ chức họp báo công bố Quyết định số 57/2008/QĐ-BTC về việc điều chỉnh giá bán xăng và các loại dầu. Theo đó, từ 10h cùng ngày, giá các loại xăng dầu mới được điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, từ sáng sớm 21-7, tại thành phố Nam Định, một số điểm bán lẻ xăng dầu đã tự ý nâng giá hoặc “tạm nghỉ bán hàng”, còn người dân thì đổ xô đi mua xăng dự trữ. Chị Trần Thị Bình ở xã Mỹ Thắng, huyện Mỹ Lộc cho biết, lúc gần 8h sáng 21-7, chị đến đổ xăng xe máy (loại A92) ở Cửa hàng xăng dầu tại số 516 đường Trường Chinh, TP Nam Định đã phải trả tiền với giá 18.500đ/lít. Chị Nguyễn Thị Hường ở khu tập thể công an, TP Nam Định lại cho biết, khoảng 7h sáng 21-7 khi chị đến cửa hàng xăng dầu ở số 70 đường Hùng Vương, TP Nam Định để mua xăng thì đã thấy cửa hàng đóng cửa và treo biển thông báo “cửa hàng nghỉ 2 ngày 21 và 22-7 mong quý khách thông cảm”. Trong khoảng thời gian từ 8h30 đến 10h30 sáng 21-7, phần lớn các cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở TP Nam Định đều chưa điều chỉnh giá bán xăng dầu theo quy định mới. Các nhân viên bán hàng cho biết, họ chưa nhận được chỉ đạo của chủ cửa hàng hoặc cấp trên về việc này nên vẫn bán hàng bình thường. Tuy nhiên, vào thời điểm sau 9 giờ sáng 21-7, tự nhiên có nhiều người dân đem cả thùng phuy đi mua xăng, mật độ người dân, các phương tiện đi đổ xăng cũng tăng một cách bất thường. Trước đó, trong tháng 6-2008, một đại lý bán lẻ xăng dầu tại thị trấn Cổ Lễ (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) đã bị niêm phong do tự ý tăng giá xăng dầu. (Theo TTXVN) |