WHO duy trì cấp độ cảnh báo cao nhất với đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 30-1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiếp tục đánh giá đại dịch Covid-19 vẫn là tình trạng y tế khẩn cấp gây lo ngại trên toàn cầu (PHEIC).

Như vậy, WHO đã quyết định duy trì cảnh báo ở cấp độ cao nhất trên toàn cầu với đại dịch Covid-19 sau 3 năm ban hành, cho rằng đại dịch vẫn gây ra một cuộc khủng hoảng ở cấp độ quốc tế.

Trong thông báo mới, WHO nêu rõ, Tổng Giám đốc cơ quan này, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, nhất trí với ý kiến tham vấn của Ủy ban Khẩn cấp về Covid-19 và xác định rằng dịch bệnh tiếp tục gây ra một cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng đáng lo ngại trên toàn cầu.

Đại dịch Covid-19 được cho là vẫn có khả năng gây ra một cuộc khủng hoảng ở cấp độ quốc tế

Đại dịch Covid-19 được cho là vẫn có khả năng gây ra một cuộc khủng hoảng ở cấp độ quốc tế

Trước đó, ngày 27-1, Ủy ban trên đã nhóm họp để thảo luận về việc liệu tình hình dịch Covid-19 hiện nay còn tương ứng với mức báo động toàn cầu cao nhất hay không và đi đến thống nhất bày tỏ lo ngại về nguy cơ đại dịch tiếp diễn. Phát biểu khi bắt đầu cuộc họp, Tổng Giám đốc WHO Ghebreyesus cho rằng, giai đoạn khẩn cấp của đại dịch vẫn chưa kết thúc vì số ca tử vong vẫn gia tăng, đồng thời cảnh báo rằng khả năng ứng phó toàn cầu đối với cuộc khủng hoảng “vẫn còn hạn chế”.

Ông Tedros nói: “Khi bước vào năm thứ 4 của đại dịch, chắc chắn chúng ta đang ở vị thế tốt hơn nhiều so với một năm trước, khi “làn sóng” dịch bệnh (do biến thể Omicron gây ra) lên đến đỉnh điểm và WHO đã ghi nhận hơn 70.000 ca tử vong mỗi tuần”. Theo Tổng Giám đốc WHO, tỷ lệ tử vong hàng tuần đã giảm xuống dưới 10.000 ca vào tháng 10-2022 nhưng đã tăng trở lại kể từ đầu tháng 12-2022.

Tổng Giám đốc WHO cho biết các vaccine phòng bệnh, xét nghiệm và phương pháp điều trị đóng vai trò quan trọng trong việc cứu mạng sống của các bệnh nhân, ngăn ngừa bệnh trở nặng và giảm bớt áp lực cho các hệ thống y tế và nhân viên y tế. Tuy nhiên, ông cho rằng ứng phó toàn cầu với dịch bệnh vẫn còn lúng túng vì ở nhiều quốc gia, các công cụ mạnh mẽ, cứu mạng này vẫn chưa đến được với những người dân cần nhất - đặc biệt là người già và nhân viên y tế.

Ngoài ra, niềm tin của công chúng vào các công cụ phòng, chống Covid-19 này đang bị xói mòn bởi “một loạt” thông tin sai lệch và xuyên tạc, trong khi các hệ thống y tế vẫn đang phải vật lộn để đối phó với gánh nặng của Covid-19.

Ủy ban độc lập trên họp 3 tháng một lần để thảo luận về đại dịch và báo cáo với Tổng Giám đốc WHO, người sau đó sẽ quyết định liệu Covid-19 có còn là một tình trạng khẩn cấp toàn cầu hay không. Trên phạm vi thế giới, WHO đã được báo cáo về gần 665 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 6,7 triệu ca tử vong. Tuy nhiên, cơ quan y tế của Liên hợp quốc này luôn nhấn mạnh rằng con số thực sẽ còn cao hơn nhiều. Trong khi đó, hơn 13,1 tỷ liều vaccine phòng ngừa Covid-19 đã được sử dụng trên toàn cầu.