Vượt qua thách thức
(ANTĐ) - Tuyên bố “một bình minh mới” mở ra với những thay đổi lớn lao khi nhậm chức song tân Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama lại chọn cho Nội các của mình những khuôn mặt “cũ” giàu kinh nghiệm. Xem ra Thủ tướng Hatoyama khó có sự lựa chọn nào khác khi mà Nội các do ông đứng đầu phải đối mặt với những thách thức lớn.
Các nghị sĩ tại hạ viện vỗ tay hoan nghênh khi ông Hatoyama được bầu làm tân Thủ tướng |
Chiến thắng áp đảo trước đảng Dân chủ tự do (LDP) cuối tháng 8 vừa qua dù có ngoạn mục tới đâu thì đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) của tân Thủ tướng Hatoyama khó có thể tận hưởng “tuần trăng mật” ngọt ngào. Chính phủ liên minh ba đảng DPJ, đảng Dân chủ Xã hội (SDP) và đảng Quốc dân mới (PNP) do ông Hatoyama đứng đầu sẽ phải gồng mình gánh vác di sản nặng nề do Chính phủ tiền nhiệm để lại.
Di sản nặng nề nhất cũng là thách thức lớn nhất đối với Chính phủ liên minh của Thủ tướng Hatoyama là làm sao sớm vực dậy nền kinh tế nước Nhật đang chao đảo vì khủng hoảng. Dù có dấu hiệu phục hồi vài tháng gần đây nhưng sự phục hồi này chưa vững chắc.
Một trong những cản trở lớn cho sự phục hồi của Nhật Bản là tỷ lệ thất nghiệp còn rất cao sau khi lên tới mức kỷ lục 5,7% vào tháng 7 vừa qua. Thủ tướng Hatoyama cho biết kế hoạch thúc đẩy kinh tế của Chính phủ do ông đứng đầu là tập trung vào chính sách cho người tiêu dùng chứ không phải các tập đoàn khổng lồ như Chính phủ của LDP.
Cam kết phá bỏ quyền lực của hệ thống quan liêu cũ duy trì từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai tới nay vốn góp phần quan trọng vào chiến thắng của DPJ trước LDP song giờ đây lại trở thành thách thức không nhỏ với ông Hatoyama. Ai cũng thấy sự cần thiết phải thay đổi hệ thống từng mang tới thành công trong quá khứ nhưng thay đổi ra sao, như thế nào và đâu là mô hình mới cho sự phát triển sắp tới của nước Nhật không phải là bài toán dễ.
Duy trì sự đoàn kết trong liên minh cầm quyền ba đảng chắc chắn khiến tân Thủ tướng Hatoyama phải rất chú ý, quan tâm. Nhằm duy trì sự kiểm soát lưỡng viện Quốc hội Nhật Bản, DPJ phải thành lập Chính phủ liên minh với hai đảng SDP và PND bất chấp những khác biệt cơ bản về quan điểm giữa ba đảng trong nhiều vấn đề quan trọng.
Quá trình vận động tranh cử vừa qua cho thấy những khác biệt quan điểm rất lớn giữa ba đảng thuộc tân Chính phủ liên minh trong các vấn đề như tư nhân hóa ngành bưu điện, thuế tiêu dùng... Trong những khác biệt quan điểm của ba đảng có cả vấn đề chính sách đối ngoại.
Đứng trước hàng loạt thách thức lớn như vậy mà DPJ lại được xem là chưa có kinh nghiệm lãnh đạo đất nước và đó là quan ngại của không ít cử tri đã chọn mặt gửi vàng vào DPJ. Có lẽ thấu hiểu những băn khoăn, lo lắng này mà tân Thủ tướng Hatoyama đã lựa chọn vào Nội các những nhà lãnh đạo được cho là giàu kinh nghiệm nhất của ba đảng trong liên minh cầm quyền.
Ông Jeffrey Kingston - Giám đốc Viện Nghiên cứu châu á thuộc Đại học Temple ở Nhật Bản nhận xét: Tân Thủ tướng Hatoyama đã lựa chọn những người tài năng và kinh nghiệm nhất cho các vị trí chủ chốt trong Nội các mới.
Việt Nam chúc mừng tân Thủ tướng Nhật Bản Yuki Hatoyama Ngày 16-9-2009, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc ông Yuki Hatoyama vừa được bầu làm Thủ tướng Nội các Nhật Bản, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nói: “Chính phủ và nhân dân Việt Nam nhiệt liệt chúc mừng Ngài Yuki Hatoyama vừa được bầu làm Thủ tướng Nội các Nhật Bản và hy vọng rằng dưới sự lãnh đạo của Ngài Thủ tướng, Nhật Bản sẽ tiếp tục phát triển thịnh vượng. Chúng tôi tin tưởng rằng, trong thời gian tới, quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu á giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ tiếp tục được củng cố và phát triển trên mọi lĩnh vực, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới’’. (Theo TTXVN) |
Hoàng Hà