Vụ rò rỉ tài liệu mật chấn động Lầu Năm Góc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vụ rò rỉ tài liệu mật được đánh giá nghiêm trọng nhất trong hàng chục năm qua không chỉ làm chấn động Lầu Năm Góc mà còn có thể gây nguy hiểm cho điệp viên cũng như nguy cơ làm tổn hại một số mối quan hệ đồng minh thân cận, quan hệ đối ngoại quan trọng của Mỹ.
Vụ rò rỉ tài liệu mật khiến Ukraine không khỏi lo lắng và phải thay đổi nhiều kế hoạch tác chiến

Vụ rò rỉ tài liệu mật khiến Ukraine không khỏi lo lắng và phải thay đổi nhiều kế hoạch tác chiến

Vụ rò rỉ tài liệu mật nghiêm trọng nhất hàng chục năm qua

Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chris Meagher ngày 10-4 lên tiếng thừa nhận rằng, vụ rò rỉ các tài liệu quân sự mật của Mỹ đang gây xôn xao dư luận không chỉ tại nước Mỹ có thể tạo ra những nguy cơ “rất nghiêm trọng” đối với an ninh quốc gia của nước này. Lời thừa nhận này được đưa ra sau khi hàng chục bức ảnh về các tài liệu nhạy cảm của Lầu Năm Góc đã bị phát tán trên các nền tảng mạng xã hội như Twitter, Telegram, Discord và nhiều trang mạng xuyên biên giới khác. Đây được coi là một trong những vụ rò rỉ tài liệu mật nghiêm trọng nhất kể từ vụ hơn 700.000 tài liệu, video và điện tín ngoại giao bị phát tán thông qua website WikiLeaks hồi năm 2013.

Vụ rò rỉ tài liệu mật thực ra bắt đầu từ khi hàng chục bức ảnh chụp tài liệu đóng dấu “Mật” và “Tối mật” của Lầu Năm Góc được chia sẻ trên ứng dụng trò chuyện trực tuyến Discord và 4Chan từ cuối tháng 2 và đầu tháng 3-2023. Tuy nhiên, sự việc chỉ được Bộ Quốc phòng Mỹ và dư luận nước Mỹ cũng như thế giới chú ý sau khi tờ New York Times (Thời báo New York, Mỹ) đưa tin đầu tiên vào ngày 7-4. Tài liệu mật bị rò rỉ là các bản cập nhật thông tin, tình hình hàng ngày của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ trong khoảng thời gian từ ngày 23-2 đến 1-3, đề cập nhiều chủ đề được đề liên quan đến xung đột ở Ukraine, Trung Quốc, Trung Đông, châu Phi… cho tới kế hoạch tấn công, tác chiến của Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Việc lộ mật được xác định từ Lầu Năm Góc chứ không phải các đồng minh của Mỹ.

Một trong những tài liệu mật bị rò rỉ của Lầu Năm Góc đã nêu chi tiết về việc lực lượng phòng không của Ukraine có thể không bảo vệ được tiền tuyến từ cuối tháng 5 tới do “khả năng cung cấp tên lửa phòng không tầm trung sẽ bị giảm hoàn toàn vào ngày 23-5”. Theo tài liệu mật, các tên lửa phòng không của Ukraine sẽ cạn kiệt nhanh chóng như: tên lửa của hệ thống SA-11 sẽ cạn kiệt vào ngày 13-4, của hệ thống NASAM do Mỹ sản xuất sẽ hết vào ngày 15-4 và của hệ thống SA-8 vào tháng 5 tới. Một tài liệu khác dường như cho thấy rằng việc, phòng không Ukraine chỉ tập trung vào máy bay chiến đấu, trực thăng của Nga mà bỏ qua các mối đe dọa nhỏ hơn, như máy bay không người lái (UAV), là một trong những thiếu sót lớn.

Một tài liệu mật đánh giá về tình trạng giao tranh ở Bakhmut, một thành phố thuộc vùng Donetsk ở phía Đông Ukraine đã bị bao vây trong 7 tháng qua. Cùng với việc phác thảo các lực lượng Ukraine “bị bao vây bởi các lực lượng Nga ở Bakhmut” như thế nào, còn đề cập đến những đánh giá “nghiệt ngã” của các lãnh đạo hàng đầu Ukraine trong cuộc chiến ở “chảo lửa” này, trong đó Giám đốc Tình báo quân đội Ukraine Kyrylo Budanov nhận định tình hình rất “bi thảm”; cố vấn của Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Roman Mashovets thừa nhận tinh thần chiến đấu của các lực lượng Ukraine ở Bakhmut “rất thấp”.

Với các đồng minh, các tài liệu mật rò rỉ có thông tin về các cuộc thảo luận nội bộ của giới chức Hàn Quốc với nội dung là việc Mỹ gây áp lực thuyết phục Hàn Quốc gửi vũ khí cho Ukraine, điều trái với chính sách mà Seoul theo đuổi, trong đó Seoul đồng ý bán đạn pháo để Mỹ bổ sung vào kho vũ khí của nước này nhưng lại lo ngại Mỹ có thể gửi chúng tới Ukraine. Liên quan đến Israel, tài liệu cho thấy, Mỹ cố thuyết phục Israel gửi vũ khí sát thương đến Ukraine, nhưng chính sách của Tel Aviv cho đến lúc này chỉ dừng ở mức hỗ trợ nhân đạo, đồng thời hỗ trợ Ukraine phát triển hệ thống cảnh báo tên lửa của Nga. Tài liệu mật của Lầu Năm Góc còn cho thấy, Mỹ đã xâm nhập sâu vào cơ quan tình báo và an ninh của Nga đến mức nào khi hé lộ một phần nỗ lực của Nga khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Đặc biệt, các tài liệu mật gồm những cảnh báo theo thời gian thực mỗi ngày được gửi cho cơ quan tình báo Mỹ với thông tin về thời điểm Nga tấn công ở Ukraine, thậm chí cả địa điểm mục tiêu… điều được cho là giúp Mỹ có thể “cung cấp thông tin kịp thời để Ukraine phòng thủ”.

Nguy cơ rất nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ

Việc các tài liệu mật bị rò rỉ sau khi đăng tải trên tờ báo lớn của Mỹ và ngay sau đó tất cả hãng thông tấn, tờ báo lớn trên thế giới đã gây ra những cú sốc, chấn động, trước hết là với Lầu Năm Góc, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng như các đồng minh liên quan của Washington. Kênh truyền hình CNN dẫn các nguồn tin cho biết, Bộ Chỉ huy quân sự Ukraine đã buộc phải điều chỉnh một số kế hoạch quân sự do sự cố rò rỉ các tài liệu tình báo mật của Mỹ. Giới chức Ukraine không ngạc nhiên với thực tế là Mỹ đang theo dõi họ, tuy nhiên lại khá lo ngại về vụ rò rỉ tài liệu mật này.

Vụ rò rỉ các tài liệu mật của Mỹ chứa thông tin thu thập được từ việc nghe lén các đồng minh như Hàn Quốc đã đặt Seoul vào tình thế khó xử, nhất là vào thời điểm chỉ khoảng 2 tuần trước khi Tổng thống Yoon Suk Yeol có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Washington. Những tài liệu của Lầu Năm Góc bị rò rỉ được chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội tiết lộ rằng, các cơ quan tình báo Mỹ đã nghe lén các cuộc trò chuyện tại Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc vào đầu tháng 3 liên quan đến việc có cung cấp vũ khí hỗ trợ cho Ukraine hay không. Một quan chức phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết, Seoul sẽ “thảo luận” với Washington về vụ tài liệu mật của quân đội Mỹ liên quan đến nước này bị rò rỉ.

Quan hệ giữa Mỹ và Israel cũng sẽ bị ảnh hưởng nhất định khi tài liệu rò rỉ đã đề cập tới việc Nhà nước Do Thái có thể sẽ xem xét việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukaraine “dưới sức ép của Mỹ hoặc nếu quan hệ giữa Israel với Nga xấu đi trông thấy”. Trong khi đó, Tel Aviv hiện cố gắng giữ cân bằng, tránh khiêu khích Nga, bởi Nga đang duy trì sự hiện diện quân sự tại Syria - nơi Israel thường xuyên tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của Iran và lực lượng thân Iran.

Tờ “The New York Times” cho biết, vụ rò rỉ tài liệu mật quân sự của Lầu Năm Góc về các bí mật an ninh quốc gia đã khiến chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hoàn toàn bất ngờ. Giới chức Mỹ cho rằng, với số lượng tài liệu bị rò rỉ (hơn 100 tài liệu) và tính chất nhạy cảm của thông tin, sự việc này có thể gây hậu quả rất lớn. Một quan chức cấp cao trong giới tình báo gọi vụ rò rỉ là “cơn ác mộng của Five Eyes - một liên minh gồm Mỹ, Anh, Australia, New Zealand và Canada - được thành lập sau Chiến tranh Thế giới thứ hai nhằm chia sẻ thông tin tình báo”.

Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng Australia Angus Campbell cho rằng, vụ rò rỉ thông tin tình báo của Mỹ là một sự cố “nghiêm trọng” và nói rằng, Washing đang làm việc với các đối tác để tìm hiểu hậu quả. Theo ông Angus Campbell, vấn đề duy trì an ninh thông tin là rất quan trọng đối với sự phát triển năng lực quốc gia cũng như niềm tin và sự tin tưởng giữa các đồng minh và đối tác. Vì thế, ngay sau khi vụ rò rỉ tài liệu mật được tờ báo lớn của Mỹ đăng tải ngày 7-4, Bộ Tư pháp Mỹ lập tức mở cuộc điều tra vụ việc được đánh giá là “nguy cơ rất nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia”. Cuộc điều tra nhằm sáng tỏ các vấn đề liên quan tới nguồn gốc, tính xác thực của các tài liệu này, ai là người đứng đằng sau, nhằm mục đích gì… Đồng thời, Chính phủ Mỹ cũng đang nỗ lực để gỡ bỏ những thông tin này trên các mạng xã hội xuyên biên giới.