Trả lời phỏng vấn hãng Tin tức quốc tế Rossiya Segodnya, chuyên gia hàng không Ba Lan, Roman Peczka cho biết: “Báo cáo sơ bộ cho thấy vũ khí quân dụng được sử dụng để bắn hạ máy bay. Tôi nghĩ rằng một bên thứ ba có dính líu đến vụ bắn rơi máy bay MH17, bởi vì rõ ràng là không phải do lỗi kỹ thuật hay lỗi của con người”.
Trong khi đó, chuyên gia chính trị Nhật Bản Ken Ishigooka cho rằng chiếc máy bay MH17 có khả năng do một tên lửa bắn trúng dù cho việc xác định vị trí bắn tên lửa gặp nhiều khó khăn.

Theo chuyên gia hàng không Serbia, Petar Voinovich, chiếc máy bay MH17 có thể rơi do bất kỳ một loại tên lửa có độ chính xác cao nào bắn hạ, không nhất thiết là từ hệ thống tên lửa Buk. Ông Voinovich cũng cho rằng việc bắn hạ bằng hệ thống tên lửa Buk có thể do lực lượng Kiev hoặc lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine thực hiện.
Trong bản báo cáo sơ bộ được DSB công bố trên website của mình hôm 9-9 cho biết chiếc máy bay MH17 đã nổ tung giữa không trung sau khi bị tấn công bởi “một số vật thể đâm vào chiếc máy bay ở tốc độ cao”.
Báo cáo cũng cho biết chiếc máy bay MH17 vẫn bay trong tình trạng bình thường cho đến 13:20:03 (giờ GMT), ngày định mệnh. Các thông tin liên lạc giữa các thành viên phi hành đoàn được ghi lại trên máy ghi âm buồng lái không có dấu hiệu của bất kỳ lỗi kỹ thuật hay tình trạng khẩn cấp nào.
Cuộc điều tra được tiến hành theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Mục tiêu duy nhất là đánh giá, điều tra và đưa ra quyết định về nguyên nhân thực sự của tai nạn này để những sự việc tương tự sẽ không xảy ra trong tương lai. Và DSB không có quyền đổ lỗi hay quy trách nhiệm cho bất cứ bên nào, bản báo cáo cho biết
Chiếc máy bay MH17 của Malaysia Airlines đã nổ tung trên bầu trời miền Đông Ukraine khi đang trên đường từ Amsterdam đến Kuala Lumpur hôm 17/7 cướp đi sinh mạng của 298 người trên khoang.