Vinh dự và trách nhiệm Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việt Nam sắp bắt đầu những ngày bận rộn trên cương vị Chủ tịch điều hành mọi hoạt động của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 4-2021. Đây là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề của chúng ta - một thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Đại sứ Đặng Đình Quý - Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc chủ trì một phiên họp của Hội đồng Bảo an vào tháng 1-2020

Đại sứ Đặng Đình Quý - Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc chủ trì một phiên họp của Hội đồng Bảo an vào tháng 1-2020

Tháng 4 bận rộn tại Hội đồng Bảo an

Theo thứ tự luân phiên alphabet tên tiếng Anh, từ 1-4-2021, Việt Nam chính thức tiếp tục đảm trách chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực giai đoạn 2020-2021. Đây là lần thứ hai, Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong nhiệm kỳ hiện nay, sau khi đã đảm nhiệm một cách thành công chức trách này hồi tháng 1-2020, tức là tháng đầu tiên giữ cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021.

Chương trình hoạt động trong tháng 4-2021 của Hội đồng Bảo an là tháng khá bận rộn với khoảng 30 cuộc họp chính thức cấp Đại sứ, xử lý hơn 12 vấn đề trong chương trình nghị sự ở tất cả các khu vực từ châu Phi, Trung Đông đến châu Âu, châu Mỹ cũng như nhiều vấn đề, chủ đề khác. Với cương vị Chủ tịch, Việt Nam sẽ điều hành tất cả các hoạt động của Hội đồng, đại diện cho Hội đồng Bảo an trong quan hệ với các thành viên Liên hợp quốc, trong quan hệ với báo chí, các tổ chức phi chính phủ và các đối tác khác của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Với tất cả trách nhiệm của mình, Việt Nam xác định hết sức nỗ lực để tham gia chủ động, tích cực trong cương vị Ủy viên không thường trực nói chung, chức trách Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 4 tới nói riêng. Việt Nam sẽ nỗ lực để đảm bảo khách quan, minh bạch, linh hoạt trong xử lý các khác biệt có thể có giữa các nước thành viên để bảo đảm sao cho Hội đồng Bảo an có tiếng nói thống nhất, đoàn kết, đồng thuận trong xử lý các thách thức chung hiện nay.

Cùng với đó, trong vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam dự kiến thúc đẩy một số vấn đề ưu tiên cụ thể. Chủ đề đầu tiên là tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực để thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột. Đây cũng là sự tiếp nối nỗ lực xuyên suốt của Việt Nam từ đầu nhiệm kỳ vào tháng 1-2020. Việt Nam sẽ chủ trì một phiên họp cấp Bộ trưởng vào ngày 19-4, với sự tham gia của Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng như lãnh đạo của 3 tổ chức hàng đầu khu vực gồm ASEAN, Liên minh châu Âu (EU) và Liên minh châu Phi (AU).

Là một quốc gia từng trải qua những năm dài chiến tranh, Việt Nam đưa ra vấn đề khắc phục hậu quả bom mìn, duy trì hòa bình bền vững, tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn. Từ thực tế có những tác động sâu sắc tới phát triển kinh tế-xã hội cũng như bảo đảm an ninh, an toàn của người dân Việt Nam, chúng ta kỳ vọng chủ đề này sẽ thu hút sự quan tâm của Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế với vấn đề khắc phục hậu quả bom mìn ở các quốc gia trên thế giới, trong đó có những nước xung đột đã chấm dứt nhiều thập kỷ qua như ở Việt Nam.

Chủ đề ưu tiên thứ ba là thúc đẩy bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang. Việt Nam sẽ tổ chức một phiên họp cấp Bộ trưởng vào ngày 27-4 với sự tham dự của Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách về các vấn đề nhân đạo và lãnh đạo tổ chức Ủy ban Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.

Đã sẵn sàng cho trọng trách lớn

Việt Nam đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, nhạy cảm. Trong đó, đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành khắp nơi trên toàn cầu buộc Hội đồng Bảo an phải chuyển từ hoạt động trực tiếp sang hoạt động gián tuyến.

Đó cũng là những thách thức mà chúng ta từng đối mặt cách đây hơn 1 năm khi bắt đầu nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực, đồng thời đảm nhiệm luôn trọng trách Chủ tịch Hội đồng Bảo an (từ 1-1-2020). Tuy nhiên, với nỗ lực và trách nhiệm, Việt Nam đã có một tháng Chủ tịch cũng như 1 năm làm Ủy biên không thường trực Hội đồng Bảo an được ghi nhận, đánh giá là “rất thành công”.

Trưởng phái đoàn thường trực Indonesia - một quốc gia Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đại sứ Dian Triansyah Djani khẳng định: “Việt Nam đã rất thành công tại Hội đồng Bảo an trong năm 2020”. Trong năm đầu tiên đảm nhiệm trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (năm 2020), Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến trên lĩnh vực ít được bàn đến như hoạt động nhân đạo, hoạt động giữ gìn hòa bình, chống biến đổi khí hậu, hoạt động phòng chống tội phạm trên không gian mạng… mà nổi bật nhất là Việt Nam đã chủ trì đề xuất Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết lấy ngày 27-12 hàng năm làm “Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh”.

Những thành công ấy có thể là áp lực, song quan trọng hơn là động lực để chúng ta nỗ lực hơn nữa trong việc đảm trách cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an vào tháng 4. Cùng với những thách thức lâu nay đặt ra với cộng đồng quốc tế, tổ chức Liên hợp quốc… có những vấn đề mới nổi đòi hỏi Hội đồng Bảo an - cơ quan chính trị quan trọng nhất và hoạt động thường xuyên của Liên hợp quốc, chịu trách nhiệm chính về việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế - phải vào cuộc, xem xét, giải quyết.

Để đảm nhiệm trọng trách vinh dự Chủ tịch Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng với nỗ lực cao của một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Với sự chuẩn bị chu đáo đó, có thể nói rằng chúng ta đã sẵn sàng cho tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc như khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong thông điệp nhân dịp Việt Nam trúng cử Hội đồng Bảo an: “Việt Nam sẽ đảm nhiệm thành công trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, xứng đáng là đối tác tin cậy vì hoà bình bền vững”.