Việt Nam tích cực đóng góp vào nỗ lực thúc đẩy y tế toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và đang ngày càng đảm nhiệm nhiều hơn những công việc chung của toàn thế giới, Việt Nam đã chủ động, tích cực đóng góp vào nỗ lực thúc đẩy y tế toàn cầu và sẽ có những đóng góp nhiều hơn nữa vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc sẵn sàng phòng chống và ứng phó với dịch bệnh.

Đóng góp quan trọng của Việt Nam về y tế

Đại hội đồng Liên hợp quốc trong phiên họp ngày 24-2 tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) đã nhất trí thông qua 2 Nghị quyết về phương thức tổ chức Phiên họp cấp cao về sẵn sàng phòng chống và ứng phó với dịch bệnh và Phiên họp cấp cao về phòng chống bệnh lao, dự kiến sẽ được tổ chức trong Tuần lễ cấp cao khóa 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9-2023.

Các y, bác sĩ Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc khám chữa bệnh cho người dân ở Nam Sudan

Các y, bác sĩ Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc khám chữa bệnh cho người dân ở Nam Sudan

Việt Nam trên cương vị nước chủ trì xây dựng Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh năm 2020 và là nước nòng cốt đưa ra Nghị quyết về tổ chức Phiên họp cấp cao của Đại hội đồng về sẵn sàng phòng chống và ứng phó với dịch bệnh năm 2022, từ đầu năm đến nay đã chủ động phối hợp với các nước nòng cốt khác dẫn dắt tiến trình thương lượng để Đại hội đồng đồng thuận thông qua 2 nghị quyết ngày 24-2.

Trong quá trình thương lượng thông qua, Việt Nam đã nhấn mạnh và bảo vệ thành công các nội dung quan trọng của các nghị quyết, như cần phải đảm bảo tính liên kết và tương hỗ giữa các tiến trình lớn về y tế được thảo luận trên các diễn đàn đa phương liên quan. Đồng thời, thu hẹp khoảng cách về tài chính; đề cao sự cần thiết phải tăng cường phòng chống các dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai thông qua chia sẻ các bài học và kinh nghiệm từ cuộc chiến chống đại dịch Covid-19; nêu bật tầm quan trọng của việc đảm bảo tiếp cận kịp thời, công bằng và không bị cản trở đối với vaccine, chẩn đoán, điều trị cũng như tăng cường hệ thống y tế và khả năng chống chịu để đạt được phổ cập bảo hiểm y tế cho tất cả người dân…

Có thể nói, việc chủ trì và thuyết phục Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua 2 Nghị quyết ngày 24-2 là một trong những đóng góp nổi bật, quan trọng của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh thế giới vẫn chưa thoát khỏi đại dịch Covid-19 cũng như như bị nhiều bệnh dịch nguy hiểm khác đe dọa cuộc sống con người. Điều này cũng thể hiện sự tham gia ngày càng chủ động, tích cực và sâu rộng của Việt Nam tại các diễn đàn Liên hợp quốc đối với các vấn đề toàn cầu, được cộng đồng quốc tế quan tâm cao như y tế.

Trước đó, với sự chủ động và trách nhiệm của một thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã đề xuất, chủ trì soạn thảo 2 Nghị quyết khác nhằm tăng cường phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe và tính mạng con người được Đại hội đồng nhất trí thông qua. Đó là Nghị quyết năm 2020 về thành lập “Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh” (ngày 27-12 hàng năm) và Nghị quyết vào năm 2022 vừa qua về tổ chức Phiên họp cấp cao của Đại hội đồng về sẵn sàng phòng chống và ứng phó với dịch bệnh.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây tổn thất nặng, Nghị quyết năm 2020 kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh hàng năm nhằm tăng cường nhận thức về phòng chống bệnh dịch, từ đó, có sự chuẩn bị và phối hợp tốt hơn về vấn đề này ở tất cả các cấp. Còn Phiên họp cấp cao của Đại hội đồng giúp huy động quyết tâm chính trị của cộng đồng quốc tế, hỗ trợ các tiến trình tăng cường sẵn sàng phòng chống và ứng phó với dịch bệnh đang được thảo luận trong khuôn khổ các khóa họp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva, Thụy Sỹ.

Tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế về y tế

Bên cạnh việc hoàn thiện các chính sách pháp luật, cơ chế cũng như ưu tiên dành nguồn lực, nhân lực nhằm bảo vệ, chăm sóc ngày càng tốt hơn sức khỏe nhân dân theo phương châm “sức khỏe của nhân dân trên hết, trước hết”, Việt Nam những năm qua đã không ngừng tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế. Đến nay, chúng ta đã thiết lập quan hệ, hợp tác với khoảng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 20 các tổ chức quốc tế và hơn 200 các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các ngân hàng quốc tế, các quỹ tài chính toàn cầu, các trường đại học, viện nghiên cứu và các trung tâm khoa học lớn trên thế giới.

Việt Nam tích cực tham gia các diễn đàn hợp tác đa phương như trong khuôn khổ ASEAN, Hợp tác Á-Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị bộ trưởng Tổ chức Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeywađi - Chao Phaya - Mê Kông (ACMECS, WHO, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Quỹ Liên hợp quốc về phòng chống AIDS (UNAIDS)... Chúng ta đã ký kết được nhiều Hiệp định và Bản Ghi nhớ Hợp tác về Y tế cấp Chính phủ, cấp bộ, cả song phương lẫn đa phương với các đối tác chiến lược trong khu vực và trên thế giới, với các tổ chức quốc tế lớn trên thế giới. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để ngành y tế Việt Nam mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực y tế.

Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã tham gia tích cực vào công tác ngoại giao y tế toàn cầu. Là một quốc gia thành viên có trách nhiệm với các vấn đề quốc tế, Việt Nam đã hết lòng chia sẻ, chung tay ủng hộ các quốc gia và cộng đồng quốc tế trong phòng chống dịch Covid-19. Trong đại dịch này, Việt Nam đã trực tiếp hoặc tham gia trao tặng cho hơn 22 quốc gia hàng triệu khẩu trang, hàng nghìn máy thở, trang bị bảo hộ cá nhân, bộ xét nghiệm Covid-19… Với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã đề xuất thành lập Kho vật tư y tế ASEAN và hiện đang tham gia tích cực vào quá trình thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó khẩn cấp với các vấn đề y tế công cộng và các bệnh mới nổi.

Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 8-2021, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã khai trương Văn phòng khu vực Đông Nam Á mới của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) tại Việt Nam. Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ Xavier Becerra khi đó nêu rõ, thông qua văn phòng này, Mỹ làm việc chặt chẽ với các đối tác khu vực nhằm chia sẻ các chiến lược và tăng cường khả năng phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa bệnh truyền nhiễm hiện nay và trong tương lai. Thành tựu này là kết quả của nhiều năm hợp tác cấp cao giữa các chính phủ của chúng ta.

Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế, Việt Nam đến nay đã cử 4 bệnh viện dã chiến tới để khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân ở các khu vực có xung đột, tranh chấp.Với tinh thần “lương y như từ mẫu” các y, bác sĩ trong lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam đã khám, chữa bệnh cho hàng nghìn người dân ở các vùng còn rất khó khăn, xung đột.

Sự tham gia ngày càng chủ động, tích cực và hiệu quả của Việt Nam trong lĩnh y tế trên thế giới được ghi nhận, đánh giá cao như là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.