Việt Nam quyết tâm gỡ “thẻ vàng” IUU của Ủy ban châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việt Nam đã và đang nỗ lực triển khai các biện pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm gỡ “thẻ vàng” về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) mà Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra nhằm cảnh báo với thủy sản Việt Nam cách đây hơn 5 năm.

Nhiều nỗ lực suốt 5 năm qua

Kể từ khi Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam vào ngày 23-10-2017, đến nay đã hơn 5 năm để Việt Nam triển khai tháo gỡ, đồng thời cũng là thời điểm để chuẩn bị cho buổi thanh tra lần thứ tư của phái đoàn EC với Việt Nam, dự kiến diễn ra vào tháng 6-2023. Do đó, đây khoảng thời gian các bộ, ngành và địa phương ven biển... đang rất khẩn trương triển khai các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt với quyết tâm gỡ được “thẻ vàng” chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Việt Nam đã hành động quyết liệt nhằm gỡ thẻ vàng IUU đối với thủy sản xuất khẩu sang châu Âu

Việt Nam đã hành động quyết liệt nhằm gỡ thẻ vàng IUU đối với thủy sản xuất khẩu sang châu Âu

Nhìn lại thời gian hơn 5 năm qua có thể thấy rất rõ Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực để tháo gỡ “thẻ vàng” IUU thông qua triển khai những khuyến nghị của EC, nhất là những yêu cầu của quốc tế. Chúng ta đã từng bước hoàn thiện khung pháp lý, trong đó quan trọng nhất là ban hành Luật Thủy sản năm 2017 cùng với một loạt Nghị định, Thông tư liên quan. Công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên đội tàu cá ngày càng được tích cực đẩy mạnh và đạt tỷ lệ cao, cùng với đó là sự chuyển biến về cơ sở vật chất, truy xuất nguồn gốc thủy sản.

Dù vậy, vẫn còn nhiều vướng mắc dẫn đến EC vẫn chưa thể gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam. Trong 3 lần thanh tra đã qua, phái đoàn EC khẳng định Việt Nam đã đi đúng hướng và có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn chưa đạt yêu cầu để gỡ “thẻ vàng”, thậm chí có những lúc nguy cơ bị rút “thẻ đỏ”.

Có một số nội dung quan trọng mà phái đoàn EC nêu trong quá trình thanh tra. Trong đó, việc quản lý và giám sát đội tàu cá là vấn đề rất lớn. Mặc dù tỷ lệ tàu cá được cấp phép hiện nay đã lên tới 86,7%, tăng 20% so với tháng 9-2022; số tàu cá có chiều dài trên 15m đã lắp thiết bị giám sát hành trình VMS đạt tỷ lệ 96,35%… nhưng số còn lại là những đối tượng có nguy cơ cao. Hiện tượng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn. Nếu không quản lý được đội tàu cá và tàu còn vi phạm thì khó có thể gỡ được “thẻ vàng” IUU.

Cùng với đó là vấn đề truy xuất nguồn gốc, quản lý sản phẩm nhập khẩu và đánh bắt thủy sản trên biển… và hạ tầng nghề cá vẫn là vấn đề lớn. Với tổng sản lượng khai thác khoảng 3,95 triệu tấn mỗi năm, trong đó riêng năm 2021 là khoảng 3,72 triệu tấn. Hiện chúng ta mới quản lý được khoảng 1,92 triệu tấn và hạ tầng nghề cá còn yếu là một trong những nguyên nhân khiến chưa gỡ được “thẻ vàng” IUU.

Qua các lần thanh tra, phái đoàn kiểm tra của EC đã có một số nhận xét và khuyến nghị quan trọng cho từng nhóm vấn đề liên quan đến khai thác IUU tại Việt Nam. Theo đó, về khung pháp lý, EC cho rằng Việt Nam cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu quốc tế về chống khai thác IUU. Tuy nhiên, để tiếp tục siết chặt công tác quản lý, bảo đảm thực hiện các quy định chống khai thác IUU hiệu lực, cần đưa vào quy định đối với tàu nhập khẩu bảo đảm nguồn gốc không vi phạm IUU; cần quy định xử phạt đối với hành vi tàu cá đi ra ngoài ranh giới vùng biển…

Hành động quyết liệt gỡ “thẻ vàng” IUU

Thực tế, việc không tháo gỡ được “thẻ vàng” IUU của EC sẽ gây rất nhiều hệ lụy cho thủy sản xuất khẩu của nước ta. Trước đây, khi xuất khẩu sang châu Âu chỉ mất 1-3 ngày, giờ phải mất đến 2-3 tuần. Việc chưa gỡ bỏ được thẻ vàng còn ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân, ngành thủy sản, đồng thời ảnh hưởng đến vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Sắp tới, Đoàn thanh tra của EC sẽ sang làm việc với Việt Nam lần thứ 4 và là cơ hội để Việt Nam gỡ “thẻ vàng”, song nếu tình hình không cải thiện thì Việt Nam khó gỡ “thẻ vàng” IUU, thậm chí có nguy cơ bị lên “thẻ đỏ”. Với “thẻ vàng” IUU, thủy hải sản của nước ta xuất khẩu sang thị trường các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) bị kiểm soát 100%, thay vì kiểm tra xác suất, làm doanh nghiệp tăng chi phí và thời gian. Trường hợp bị rút thẻ đỏ, ngành thủy sản có thể mất gần 500 triệu USD mỗi năm từ thị trường EU.

“Thẻ đỏ” IUU khiến thủy sản khai thác chịu thiệt hại trực tiếp, đồng thời tác động gián tiếp đến thủy sản nuôi trồng, giảm uy tín và chịu áp lực kiểm soát hải quan và quan trọng hơn là không tận dụng được thuế quan ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Nếu lệnh cấm nếu kéo dài trong 2-3 năm có thể gây gián đoạn xuất khẩu, ngành khai thác và chế biến thủy sản khai thác có thể giảm ít nhất 30% so với công suất hiện tại. EU còn là một thị trường có tiêu chuẩn cao, nếu mất đi thị trường này cũng đồng nghĩa mất đi động lực nâng cấp chuỗi giá trị ngành và thiệt hại có thể còn nhân lên thêm rất nhiều khi các thị trường quan trọng khác như Mỹ, Nhật Bản cũng có thể áp dụng theo quy định IUU của EC.

Chính vì thế, bằng mọi quyết tâm, nỗ lực chúng ta phải triển khai hết sức quyết liệt các biện pháp để gỡ được “thẻ vàng” IUU khi Đoàn thanh tra thứ tư của EC tới Việt Nam, dự kiến vào tháng 6 tới. Vào đầu tháng 12-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với 28 tỉnh, thành phố ven biển về chống khai thác IUU, được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ và trực tuyến tới hơn 600 điểm cầu tại các xã, phường, thị trấn, huyện, thị, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động để thực hiện các khuyến nghị của EC trong việc gỡ “thẻ vàng” IUU. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, phải nhận thức rằng việc chống IUU không phải chỉ là hình thức, đối phó, mà vì lợi ích của quốc gia, lợi ích của người dân, giữ hình ảnh đất nước, thực hiện các cam kết quốc tế, khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, trong đó có bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với các địa phương rà soát tổng thể về các biện pháp kỹ thuật, công nghệ để chống IUU, điều chỉnh các quy định phù hợp với tình hình; rà soát lại lực lượng lao động khai thác thủy hải sản, phân loại đối tượng, tạo sinh kế, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân, giảm lực lượng khai thác hải sản. Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động 180 ngày thực hiện các khuyến nghị của EC trong việc gỡ “thẻ vàng” IUU. Trong đó, kế hoạch phải nêu rõ, cụ thể trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành, tỉnh, thành phố, huyện, xã và từng người dân; kế hoạch phải lượng hóa để mọi cơ quan, người dễ hiểu, dễ làm, dễ giám sát, dễ kiểm tra, dễ đánh giá. Bên cạnh đó, xây dựng chiến lược lâu dài trong việc chống IUU với việc đánh giá tình hình khai thác, nuôi trồng; xây dựng các quy hoạch; tạo sinh kế, chuyển đổi nghề nghiệp bền vững cho người dân...

Có thể thấy rõ, chúng ta đã quyết tâm cao và hành động quyết liệt để gỡ “thẻ vàng” IUU trong thời gian sớm nhất.