Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Là một quốc gia đa dân tộc và đa tôn giáo với đời sống tín ngưỡng tôn giáo phong phú, Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo và không theo tôn giáo của người dân; bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng; bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật.

Hoạt động tôn giáo sôi nổi, đa dạng và phong phú

Phát biểu ngày 9-4 trong buổi tiếp Tổng Giám mục, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican Paul Richard Gallagher đang có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 9 đến 14-4, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán thực hiện chính sách tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân; nhấn mạnh tầm quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó tôn giáo là một trong những nguồn lực góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu rõ, Nhà nước Việt Nam luôn dành sự quan tâm và tạo thuận lợi cho các tôn giáo, trong đó có Công giáo, hoạt động và phát triển theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; đánh giá cao và bày tỏ mong muốn cộng đồng Công giáo Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực cho sự phát triển và thịnh vượng của đất nước và Giáo hội Công giáo theo tinh thần “kính Chúa, yêu nước”, “đồng hành cùng dân tộc”, “giáo dân tốt là công dân tốt”…

Tổng Giám mục Vatican Paul Richard Gallagher là Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh đầu tiên thăm Việt Nam sau khi hai bên thiết lập cơ chế đối thoại thường xuyên của Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican năm 2009 và Tòa thánh Vatican công bố Đại diện thường trú đầu tiên tại Việt Nam hồi tháng 12-2023. Điều đó cho thấy quan hệ Việt Nam - Tòa thánh Vatican đạt được nhiều bước tiến tích cực thời gian qua, đồng thời cũng là sự ghi nhận chính sách tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân; quan tâm và tạo thuận lợi cho Công giáo nói riêng, các tôn giáo chung hoạt động và phát triển theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tiếp Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tiếp Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican

Với sự nỗ lực của Việt Nam, trong việc hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo mà tình hình, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng phong phú, đa dạng, số lượng chức sắc, tín đồ, cơ sở thờ tự ngày càng tăng. Ai cũng thấy rõ, Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, đa tôn giáo. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, nước ta hiện có khoảng 95% dân số có đời sống tín ngưỡng và tôn giáo. Tính đến nay, cả nước có khoảng 45.000 cơ sở tín ngưỡng, trong đó có hơn 2.900 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới.

Trong lĩnh vực tôn giáo, Việt Nam có khoảng hơn 26,5 triệu tín đồ (chiếm 27% dân số), 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận hoặc cấp chứng nhận đăng ký hoạt động. Cả nước hiện có hơn 57,4 nghìn chức sắc, trên 147 nghìn chức việc, hơn 29,6 nghìn cơ sở thờ tự. Số lượng tín đồ theo các tôn giáo hiện nay: Phật giáo 15,1 triệu; Công giáo 7,1 triệu; Cao đài 1,1 triệu; Tin lành 1 triệu; Hồi giáo 80 nghìn; Phật giáo Hòa hảo 1,3 triệu, còn lại là các tôn giáo khác như Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, Tứ ân Hiếu nghĩa, Bà La môn, Bửu Sơn Kỳ Hương, Minh sư đạo, Minh lý đạo…

Trong 16 năm, từ 2001-2017, số tín đồ của các tổ chức tôn giáo được công nhận tại Việt Nam tăng lên 6% trong dân số. Số lượng tín đồ các tôn giáo đều tăng lên, trong đó tăng nhanh nhất là tín đồ đạo Tin lành, từ 670.000 người năm 2004 đã tăng lên tới trên 1,2 triệu tín đồ năm 2015, tức là tăng gấp gần 2 lần trong 10 năm. Những thập kỷ gần đây, Việt Nam không có xung đột tôn giáo, các tôn giáo chung sống hòa hợp, đồng hành cùng dân tộc. Nhiều chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo rất tích cực tham gia các phong trào xã hội, từ thiện xóa đói giảm nghèo, đóng góp thiết thực vào sự phát triển đất nước.

Trên khắp mọi miền của đất nước, đặc biệt là tại các thành phố, các trung tâm tôn giáo lớn như Hà Nội, Huế, TP.HCM, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Tây Ninh, Cần Thơ… mọi sinh hoạt tôn giáo diễn ra khá sôi nổi, đa dạng và phong phú. Đặc biệt những ngày lễ trọng của các tôn giáo như lễ Phật đản, lễ Vu lan của Phật giáo; lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh của Công giáo và Tin lành; Lễ hội Yến Diêu Trì Cung của đạo Cao đài; lễ hội Katê của đồng bào Chăm, tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo… được tổ chức với quy mô lớn, thu hút đông đảo tín đồ tham dự. Nhiều ngày lễ trọng của tôn giáo đã trở thành ngày lễ chung của cộng đồng.

Các ngày lễ trọng, các lễ nghi, lễ hội tôn giáo được tổ chức ngày càng trang nghiêm, quy mô hơn trước và thu hút ngày càng đông đảo tín đồ tham dự. Nhiều sinh hoạt tôn giáo đã trở thành sinh hoạt văn hóa cộng đồng được đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia với tinh thần phấn khởi, yên tâm và tin tưởng. Các lễ hội như lễ Phật đản của Phật giáo, lễ Noel của Công giáo và đạo Tin Lành, lễ kỷ niệm ngày khai đạo của đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, tháng ăn chay Ramadan của Hồi giáo… được tổ chức trọng thể, trang nghiêm và đảm bảo an ninh trật tự.

Nhất quán tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Hoạt động tôn giáo phong phú, đa dạng tại Việt Nam khẳng định chính sách nhất quán tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân của Đảng và Nhà nước. Ngay từ những ngày đầu thành lập nước, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân đã luôn được ghi nhận và được thể hiện trong các hiến pháp qua các thời kỳ từ Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, 1980, 1992. Hiến pháp 2013 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Điều 24 của Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân ghi trong Hiến pháp đã được thể hiện cụ thể hơn trong nhiều văn bản luật pháp. Trong đó, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh 21/2004/PL-UBTVQH 11 “Quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo”; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2005/NĐ-CP, ngày 1-3-2005 “Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 162/2017/NĐ-CP “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo”; Chỉ thị 1940/CT-TTg ngày 31-12-2008 của Thủ tướng Chính phủ về nhà đất liên quan đến tôn giáo…

Trong 10 năm thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp hàng trăm ha đất để xây dựng cơ sở thờ tự như: TP.HCM đã giao 7.500m2 đất cho Tổng Liên hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) xây dựng Viện Thánh kinh thần học; tỉnh Đắk Lắk giao hơn 11.000m2 đất cho Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột; thành phố Đà Nẵng giao hơn 9.000m2 đất cho Tòa Giám mục Đà Nẵng; tỉnh Quảng trị giao thêm 15ha cho Giáo xứ La Vang… Chính quyền địa phương đã cấp phép xây dựng, sửa chữa, cải tạo cho 486 cơ sở thờ tự tôn giáo; cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho183 điểm nhóm; cấp quyết định xuất bản cho 140 xuất bản phẩm với 684.250 bản in.

Các hoạt động phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, thuyên chuyển chức sắc, chức việc; các hoạt động thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc; sửa đổi hiến chương, điều lệ; đăng ký chương trình hoạt động hàng năm... theo đúng quy định của pháp luật; chấp thuận cho 646 người được phong phẩm, suy cử làm chức sắc; 3.238 người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc; 424 chức việc các tôn giáo được thuyên chuyển theo đúng Hiến chương, điều lệ.

Có thể nói, chưa bao giờ các tôn giáo có điều kiện hoạt động thuận lợi như hiện nay, quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng, chức sắc, chức việc, tín đồ ngày càng đông, cơ sở thờ tự ngày càng khang trang, việc sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam được công khai theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo tăng cường giao lưu, học tập, trao đổi các đoàn với các tổ chức tôn giáo trên thế giới.

Các linh mục, chức sắc tôn giáo cần phát huy hơn nữa các hoạt động an sinh xã hội

Sáng 10-4, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tiếp Tổng Giám mục, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican Paul Richard Gallagher đang có chuyến thăm Việt Nam.

Đánh giá cao những tiến triển tích cực của quan hệ Việt Nam - Tòa thánh thời gian qua, thể hiện qua các chuyến thăm, tiếp xúc lãnh đạo cấp cao, nhất là việc hai bên đã nâng cấp quan hệ lên Đại diện thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục quan tâm, phối hợp với Hội đồng Giám mục Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để Đại diện thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam hoạt động và thực hiện các trọng trách tại Việt Nam. Đồng thời đề nghị các linh mục, chức sắc tôn giáo phát huy hơn nữa các hoạt động an sinh xã hội, giáo dục, y tế, trên nền tảng sẵn có của các giáo phận, giáo xứ. Chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam là xã hội hóa các lĩnh vực, nhất là giáo dục y tế, thông qua đó phát huy những giá trị tốt đẹp nhất của các tôn giáo, trong đó có Công giáo Việt Nam.

Tổng Giám mục, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican Paul Richard Gallagher bày tỏ vui mừng chứng kiến Giáo hội Công giáo Việt Nam phát triển, tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội; tin tưởng cộng đồng Công giáo Việt Nam sẽ có nhiều đóng góp hơn nữa trong công cuộc phát triển đất nước Việt Nam. Đồng thời, hy vọng, với sự hiện diện của Đại diện thường trú đầu tiên của Tòa thánh tại Việt Nam, mối quan hệ giữa Tòa thánh và Việt Nam tiếp tục đạt được những bước tiến quan trọng.

Thư Kỳ