Việt Nam đóng góp tích cực vào hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Là thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, Việt Nam luôn tích cực đóng góp vào hoạt động của tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu này. Việc Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người do Việt Nam tham gia soạn thảo và đề xuất vừa được thông qua là bằng chứng mới nhất.
Gạo xuất khẩu của Việt Nam góp phần bảo đảm an ninh lương thực của thế giới

Gạo xuất khẩu của Việt Nam góp phần bảo đảm an ninh lương thực của thế giới

Phản ánh đúng vấn đề mà dư luận quốc tế quan tâm

Đây là một trong số 23 nghị quyết vừa được thông qua tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 50 của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ), diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ. Nghị quyết được Việt Nam, Bangladesh và Philippines giới thiệu hàng năm kể từ năm 2014 để Hội đồng nhân quyền xem xét, thông qua với trọng tâm mỗi năm tập trung vào từng chủ đề cụ thể như quyền trẻ em, quyền sức khỏe, quyền của người di cư, quyền phụ nữ… trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Báo cáo Phát triển con người của LHQ năm 2004 xác định: an ninh phi truyền thống bao hàm 7 lĩnh vực chính là kinh tế, lương thực, sức khỏe, môi trường, con người, cộng đồng và chính trị. Với cách nhìn nhận như vậy, vấn đề quyền con người và biến đổi khí hậu là hiện tượng mang tính toàn cầu và là một vấn đề an ninh phi truyền thống, ảnh hưởng lớn đến người dân và tất cả các quốc gia trên thế giới.

Trên thực tế, biến đổi khí hậu đang tác động trực tiếp đến vấn đề công bằng, bình đẳng, đói nghèo và nhân quyền, là mối đe dọa nghiêm trọng đến quyền sống, quyền được bảo vệ sức khỏe và quyền sinh tồn của con người. Mỗi năm, lũ lụt, hạn hán, bão tố ngày càng nghiêm trọng và khó dự báo đã cướp đi sự sống của hàng trăm nghìn người, đẩy hàng triệu người vào tình trạng mất nhà cửa và làm trầm trọng thêm các dịch bệnh đang hoành hành trên thế giới.

Nước biển ngày càng dâng cao do khí hậu nóng lên khiến hàng loạt thành phố trên khắp thế giới, từ Dakar (Senegal), Buenos Aires (Argentina), Rio de Janeiro (Brazil), đến Thượng Hải, Thiên Tân (Trung Quốc), Cairo (Ai Cập), Mumbai, (Ấn Độ), Jakarta (Indonesia), Tokyo (Nhật Bản)… có nguy cơ bị ngập úng, buộc con người phải di cư. Đặc biệt là với Maldives, quốc gia nằm ở vị trí thấp nhất trên Trái đất, với hơn 80% diện tích lãnh thổ chỉ cao trung bình khoảng 1,5m so với mực nước biển. Nếu mực nước biển vẫn tiếp tục dâng với tốc độ hiện nay, Maldives có khả năng sẽ chìm hoàn toàn dưới đại dương vào năm 2100.

Rõ ràng, biến đổi khí hậu đang tạo ra cùng lúc khủng hoảng về môi trường sống và về công bằng xã hội, trong đó những nhóm dễ bị tổn thương nhất bao gồm các cộng đồng ở nông thôn, dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em, người di cư, người khuyết tật... Đây là đối tượng gánh chịu những tác động tiêu cực nhất về quyền con người do biến đổi khí hậu gây ra. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có hiệp ước hay công ước nào của LHQ và các tổ chức quốc tế khác đề cập chi tiết đến quyền con người được bảo vệ đầy đủ trước sự biến đổi khí hậu.

Một vấn đề thời sự nổi lên là nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu mà một trong những nguyên nhân là tác động của biến đổi khí hậu. Cuộc khủng hoảng này đang khiến hàng triệu người rơi vào tình trạng không được đảm bảo về an ninh lương thực và đói nghèo, giá lương thực và năng lượng tăng cao đang đe dọa quá trình phục hồi từ đại dịch Covid-19, hủy hoại các tiến bộ đạt được trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, làm chậm các hành động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chính vì thế, Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người do Việt Nam tham gia soạn thảo và đề xuất tập trung vào lương thực và biến đổi khí hậu, đã phản ánh đúng vấn đề mà dư luận quốc tế quan tâm. Nhiều nước đã bảo trợ cho nghị quyết này, tạo thuận lợi để Hội đồng nhân quyền LHQ thông qua bằng đồng thuận.

Sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế

Sự tham gia tích cực trong nhóm nòng cốt xây dựng và giới thiệu Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người tại Hội đồng nhân quyền LHQ phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người cũng như trong ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời góp phần thực hiện chính sách đối ngoại chủ động, tích cực, có trách nhiệm với các vấn đề chung của cộng đồng quốc tế.

Tháng 11-2013, Đại hội đồng LHQ khóa 68 đã tiến hành bỏ phiếu kín bầu 14 thành viên mới của Hội đồng nhân quyền cho nhiệm kỳ 2014 - 2016. Việt Nam đã nhận được 184 phiếu ủng hộ (trên tổng số 193 nước bỏ phiếu), lần đầu trúng cử Hội đồng nhân quyền với sự ủng hộ gần như tuyệt đối, cao nhất trong số 14 nước trúng cử (trong đó có cả 4 nước Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an LHQ là Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp).

Được bầu vào Hội đồng nhân quyền là một thắng lợi quan trọng của đối ngoại Việt Nam, thể hiện uy tín và vị thế cao của đất nước trên trường quốc tế nói chung và trong khuôn khổ LHQ nói riêng. Việc Việt Nam trúng cử với số phiếu rất cao không chỉ là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu ta đã đạt được trong lĩnh vực đảm bảo quyền con người, mà còn bác bỏ một cách thuyết phục những luận điệu của các thế lực thù địch, nhất là các tổ chức phản động lưu vong nước ngoài xuyên tạc về tình hình Việt Nam, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quvền.

Với uy tín giành được, Việt Nam tiếp tục ứng cử làm thành viên Hội đồng nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 cùng nhiều cam kết, ưu tiên với thông điệp “Tôn trọng và Hiểu biết; Đối thoại và Hợp tác; Tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người”. Tham gia Hội đồng nhân quyền, chúng ta sẽ có điều kiện đề cao quan điểm, lập trường, chính sách, luật pháp, chia sẻ các kinh nghiệm thành công của Việt Nam trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp, tôn trọng và bảo đảm các quyền con người về kinh tế, xã hội, văn hóa và dân sự, chính trị, kết quả tích cực về xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội, thực hiện tốt các mục tiêu Thiên niên kỷ của LHQ…..

Trên thực tế, các nỗ lực bảo đảm nhân quyền của Việt Nam đã được thể hiện trong Báo cáo giữa kỳ tự nguyện về việc thực hiện các khuyến nghị theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) chu kỳ III mới đây được Việt Nam trình Hội đồng nhân quyền LHQ. Báo cáo đã mang đến một bức tranh đầy đủ về nhân quyền ở Việt Nam đã được cải thiện như thế nào cũng như chỉ ra những thách thức vẫn còn nằm ở đâu. Điển hình như trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, Việt Nam được coi là điểm sáng mà thế giới ghi nhận. Không chỉ bảo đảm cuộc sống cho người dân, Việt Nam còn tham gia tích cực vào bảo đảm an ninh lương thực của thế giới. Trung bình một năm, Việt Nam sản xuất khoảng 26 - 28 triệu tấn gạo, khối lượng gạo xuất khẩu khoảng 6 - 6,5 triệu tấn gạo/năm. Những năm gần đây, ngành gạo đã có những bước phát triển vượt bậc và đạt được nhiều kết quả. Hạt gạo Việt đã có mặt trên 150 nước và vùng lãnh thổ. Lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới.