Việt Nam có tiềm năng lớn đầu tư năng lượng tái tạo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo ông Đỗ Tiến Sỹ - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Việt Nam thuộc danh sách các nước có tiềm năng lớn để đầu tư thêm các nguồn năng lượng tái tạo mới như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, điện sóng biển và khí sinh học Biogas…
Ông Đỗ Tiến Sỹ- Tổng giám đốc VOV phát biểu tại diễn đàn "Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam"

Ông Đỗ Tiến Sỹ- Tổng giám đốc VOV phát biểu tại diễn đàn "Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam"

Sáng 12-10, Báo Điện tử VOV - Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức diễn đàn "Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam".

Ông Đỗ Tiến Sỹ - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, cho biết, ngành năng lượng Việt Nam trong những năm gần đây phát triển mạnh trong tất cả các khâu: thăm dò, khai thác, sản xuất, truyền tải, phân phối và xuất nhập khẩu năng lượng, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, “quy mô và hiệu quả ngành năng lượng còn thấp, trạng thái an ninh năng lượng Việt Nam chưa được bảo đảm, hiện tượng “sa thải phụ tải điện” xảy ra thường xuyên vào kỳ cao điểm. Dự trữ dầu quốc gia chưa đủ khả năng bình ổn giá khi xảy ra khủng hoảng giá dầu trên thị trường quốc tế”- Tổng Giám đốc Đỗ Tiến Sỹ nói.

Do đó, Việt Nam cần chuyển dịch cơ cấu năng lượng. Năm 2023 được xem là mốc thời điểm quan trọng trong tiến trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng của Việt Nam, chuyển đổi xanh trong lĩnh vực năng lượng đang dần trở thành xu hướng chủ đạo, là một trong những ưu tiên và nhu cầu hàng đầu hiện nay.

Theo Tổng giám đốc VOV, Việt Nam thuộc danh sách các nước có tiềm năng lớn để đầu tư thêm các nguồn năng lượng tái tạo mới như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, điện sóng biển và khí sinh học Biogas, bên cạnh các nguồn năng lượng sẵn có gồm điện khí tự nhiên hóa lỏng, thủy điện và điện than.

TS Chử Đức Hoàng- thế giới còn từ 70-100 năm để sử dụng 3 loại năng lượng truyền thống. Trong đó, than đá tiêu thụ mỗi năm bình quân là 7.320 triệu tấn, trong khi dự trữ than đá ước tính là 891.500 triệu tấn;

Dầu mỏ mỗi năm 35 tỷ thùng, trong khi dự trữ dầu mỏ trên thế giới là 1.480 tỷ thùng; Khí đốt mỗi năm là 4.000 tỷ m3 trong khi dữ trữ khí đốt toàn cầu là 187.100 tỷ thùng.

Đáng chú ý, “việc phụ thuộc vào một số ít quốc gia sản xuất dầu mỏ, than đá và khí tự nhiên có thể tạo ra những rủi ro về an ninh năng lượng, nhất là khi xảy ra xung đột chính trị hoặc kinh tế”- TS Chử Đức Hoàng nói.

Do đó, cần phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, đổi mới công nghệ để tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, tránh cạn kiệt.

Ông Hoàng Việt Dũng (Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương) cũng nhấn mạnh, trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Từ thực trạng trên, ông Dũng cho rằng cần rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách cũng như hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.