Viện sỹ… lừa
(ANTĐ) - Ngày 12-6-2008, tòa án nhân dân khu Hải Điến, Bắc Kinh xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Quan Chế Quân đứng đầu. Khi biết thông tin này, nhiều giám đốc công ty, lãnh đạo, giảng viên các trường đại học mới ngã ngửa vì người công nhận danh hiệu “Viện sỹ” cho mình lại chỉ là một tên lừa đảo mới tốt nghiệp... phổ thông.
Trang web của “Viện khoa học quản lý Trung Quốc” |
Những cái tên hoành tráng
Từ năm 2002, Quan Chế Quân đã có “ý tưởng” về việc thành lập một “Viện khoa học quản lý Trung Quốc” ở đại lục.
Vì theo quy định của Bộ Công thương, đối với những cơ quan dân doanh, trong tên đăng ký không được dùng 2 chữ “Trung Quốc” nên Quan Chế Quân tìm cách đăng ký ở Hồng Kông.
Tuy vậy, pháp luật Hồng Kông cũng chỉ chấp nhận tên đăng ký là “Công ty TNHH Viện khoa học quản lý Trung Quốc”. Quan Chế Quân chịu trách nhiệm pháp nhân, giữ chức Chủ tịch HĐQT, cổ đông có duy nhất 1 người là… vợ anh ta.
Sau đó, Quan Chế Quân tiếp tục đăng ký 3 chi nhánh của công ty, gồm có: Viện khoa học quản lý Trung Quốc, Học viện quản lý Trung Quốc và Hiệp hội quản lý Trung Quốc. Việc làm này được tiến hành một cách dễ dàng vì không trái luật.
Đến năm 2003, Quan Chế Quân xin Bộ Công thương cấp phép thành lập văn phòng đại diện công ty ở Bắc Kinh. Tuy gọi là Văn phòng đại diện, nhưng cũng chỉ có một mình Chế Quân làm “từ A đến Z”. Văn phòng nằm ở khu Hải Điến, cũng chính là nơi ở của vợ chồng Chế Quân.
Công việc hàng ngày của Chế Quân là tra cứu mạng, tìm kiếm tư liệu về các học giả nổi tiếng, sau đó, gửi thư mời cho họ, nói rằng với những cống hiến lớn lao, họ có thể tham gia bình chọn “Viện sỹ Viện khoa học quản lý Trung Quốc”. Thậm chí, Quan Chế Quân còn trực tiếp gửi cho họ chứng chỉ Viện sỹ.
Vì hàng ngày đều nhận được nhiều thư từ không chính thống qua Email nên các học giả này cũng không mấy để ý, thành ra lại tạo cơ hội cho Quan Chế Quân thỏa sức làm bừa.
Những học giả này trở thành chiêu bài của Chế Quân. Không cần biết họ có đồng ý hay không, anh ta đưa tư liệu về họ lên trang web của mình, trong đó có những người như Phó Hiệu trưởng trường Đảng trung ương Lý Quân Như, học giả kinh tế nổi tiếng Mao Vũ Thức, giáo sư Đại học nhân dân Trung Quốc Ngô Hiểu Cầu… để tăng thêm “uy tín” cho “công ty lừa”.
“Viện sỹ” (Academician) là danh hiệu vinh dự nhất mà giới học thuật dành cho các nhà khoa học. Hiện ở Trung Quốc chỉ có 2 đơn vị có chức năng bình tuyển danh hiệu này là Viện khoa học Trung Quốc và Viện công trình Trung Quốc. Đối tượng được bình chọn phải là những nhà khoa học có cống hiến nhất định hoặc tài năng kiệt xuất trong một lĩnh vực nào đó. |
Bắt đầu “câu cá”
Những “con cá” bị Quan Chế Quân đưa vào tròng đều là giám đốc các công ty nhà nước lớn và vừa, chủ các doanh nghiệp tư nhân, thậm chí cả lãnh đạo, giảng viên các trường đại học. Thông tin về họ đều do Chế Quân tìm trên mạng, sau đó gửi thư mời tham gia bình chọn Viện sỹ đến cơ quan, đơn vị.
Trên trang web của mình, Quan Chế Quân quảng cáo: “Viện khoa học quản lý Trung Quốc” là cơ quan đứng thứ 3 ở đại lục có chức năng bình chọn danh hiệu “Viện sỹ” và đưa ra hàng loạt các tiêu chuẩn như: đối với Viện sỹ phổ thông thì phải có bằng thạc sỹ, là giảng viên chính cấp cao học hoặc tiến sỹ; đối với Viện sỹ suốt đời phải là nhà quản lý cao cấp hoặc chuyên gia, học giả nổi tiếng…
Tuy vậy trên thực tế, tiêu chuẩn duy nhất để “Viện khoa học quản lý Trung Quốc” của Quan Chế Quân công nhận danh hiệu Viện sỹ chỉ là… tiền, được ngụy trang dưới danh nghĩa phí bình xét.
Quan Chế Quân tự định mức: Viện sỹ phổ thông từ 30.000 đến 45.000 NDT, còn đối với Viện sỹ suốt đời tuy trong giấy tờ ghi không thu phí, nhưng có người đã bị Quan Chế Quân thu tới 150.000 NDT.
Trong số những người bị mắc lừa, đông nhất là những nhà doanh nghiệp, thậm chí nhiều quan chức cao cấp của các công ty nhà nước cũng không ngoại lệ.
Bên cạnh đó, một số lãnh đạo, học giả, giáo sư các trường đại học như Học viện Thương mại Thượng Hải, Đại học Công nghiệp Hợp Phì… cũng rơi vào bẫy của Chế Quân. Trong vòng 3 năm, số tiền Chế Quân lừa được đã lên tới trên 20 triệu NDT.
Chỉ tới khi báo chí đưa ra một loạt phóng sự điều tra về chân tướng của “Viện khoa học quản lý Trung Quốc”, hành vi lừa đảo của Quan Chế Quân mới bị đưa ra ánh sáng.
Bảo Trâm
(Theo Tân Hoa xã)