Vị thế của Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong chuyến thăm Mỹ thứ hai

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 3-3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đến Washington để hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden, chỉ 1 năm sau bài phát biểu của ông Scholz với tuyên bố sẽ thay đổi căn bản các chính sách quốc phòng và an ninh của Đức. Nhưng giới phân tích cho rằng, nước Đức đang không đáp ứng được kỳ vọng mà ông Scholz đặt ra.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Nhà Trắng hôm 3-3-2023

Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Nhà Trắng hôm 3-3-2023

Ông Joe Biden và Olaf Scholz đã có cuộc gặp riêng tại Phòng Bầu dục kéo dài một giờ. Trong đó, hai lãnh đạo tập trung thảo luận về tầm quan trọng của việc tiếp tục đoàn kết với Ukraine và nỗ lực để cung cấp hỗ trợ cho Kiev. Ngoài cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Đức Olaf Scholz không tham gia cuộc họp nào khác trong chuyến thăm kéo dài 1 ngày. Đây là chuyến thăm Mỹ thứ hai của ông Scholz kể từ khi nhậm chức vào tháng 12-2021.

Còn nhớ, cách đây 1 năm, chỉ 3 ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine, Thủ tướng Đức tuyên bố cuộc xung đột lớn nhất của châu Âu kể từ Thế chiến 2 đánh dấu một “Zeitenwende” (bước ngoặt lịch sử). Ông Scholz báo hiệu một sự xoay trục trong chính sách đối ngoại và an ninh của Đức, cam kết không chỉ đáp ứng mà còn vượt qua mục tiêu chi tiêu quốc phòng 2% của NATO, đồng thời tạo ra một quỹ đặc biệt trị giá 100 tỷ euro để cải tổ quân đội Đức sau nhiều thập kỷ thiếu đầu tư. Bài phát biểu của Thủ tướng Scholz lúc bấy giờ là một cơn địa chấn kể từ khi ông bắt đầu tham gia chính trị vào những năm 1980 với tư cách là một nhà hoạt động trong giới sinh viên chống lại “đế quốc hiếu chiến NATO”. Đó là giai đoạn trước khi ông thăng tiến trong hàng ngũ của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), một tổ chức có lịch sử lâu đời quan hệ chặt chẽ với Matxcơva. “Đó chắc chắn là một thời khắc quan trọng đối với nền chính trị Đức - có lẽ đặc biệt là đối với SPD và các cử tri của họ” - ông Rachel Tausendfreund, thành viên cấp cao tại văn phòng Berlin thuộc Quỹ Marshall (Đức) nói. Ông Rachel Tausendfreund đồng thời lưu ý rằng, Berlin chợt nhận ra NATO (trong đó có nước Đức) có thể thấy mình có nguy cơ bị tấn công.

Thực tế, Đức trở thành nhà tài trợ quân sự lớn thứ tư sau Mỹ, Anh và Ba Lan. Nhưng các nhà phê bình nói rằng “Zeitenwende” chưa đi đủ xa. Trái ngược với cam kết của nhà lãnh đạo về mức chi tiêu “hơn 2%”, tạp chí quốc phòng Janes cho rằng chi tiêu quốc phòng của Đức trong năm 2023 vào khoảng 1,4% GDP. “Họ đã giới hạn chi tiêu ở mức 1,4% GDP và kéo dài đến năm 2025, vì vậy sẽ khó sớm đạt được mục tiêu 2% đó” - ông Dan Hamilton, cựu Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ (hiện là thành viên cao cấp tại Trường Nghiên cứu quốc tế cao cấp của Đại học Johns Hopkins và là thành viên cao cấp tại Viện Brookings) nhận xét. Đối với quỹ đặc biệt trị giá 100 tỷ euro, ông Vladimir Pistorius - Bộ trưởng Quốc phòng Đức thừa nhận, cần phải có nhiều tiền hơn để quân đội Đức có thể hoàn thiện. Ông Hamilton cho biết: “Hầu hết mọi người đều nói rằng cần có 300 tỷ euro nếu họ sự nghiêm túc trong việc cải thiện năng lực của quân đội”.

Việc ứng phó với khủng hoảng năng lượng trong nước cùng những ì ạch cho cải thiện quốc phòng an ninh đã khiến Thủ tướng Đức Olaf thăm Washington với tư cách là nhà lãnh đạo của một quốc gia đang bị suy giảm vị thế đồng minh của Mỹ so với các đồng minh châu Âu. “Ví dụ, tầm quan trọng của Đức đã bị Ba Lan vượt qua khi quốc gia này trở nên quan trọng hơn nhiều đối với Mỹ trong cuộc xung đột ở Ukraine. Trong khi đó, Vương quốc Anh đã khôi phục vị thế của mình sau Brexit nhờ phản ứng đối với tình hình Ukraine và bản thân Ukraine tất nhiên sẽ là điểm thu hút nhất. Đức đã là một đối tác lâu đời của Mỹ kể từ Chiến tranh Lạnh, nhưng điều đó không có nghĩa là Đức là đối tác quan trọng hoặc hữu ích nhất cho các lợi ích của Mỹ ở châu Âu” - ông Dan Hamilton nói.