Vì sứ mệnh nhân đạo quốc tế cao cả

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tiếp theo Đoàn cứu nạn, cứu hộ của Công an nhân dân Việt Nam, Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất cũng đã khẩn trương bắt tay vào hoạt động tìm kiếm các nạn nhân cũng như khắc phục hậu quả của một trong những thảm họa động đất tồi tệ nhất tại quốc gia này với tinh thần, truyền thống đã thành nghĩa cử, đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta: “Thương người như thể thương thân”.

Nghĩa cử tốt đẹp “thương người như thể thương thân” của lực lượng vũ trang Việt Nam

Đoàn công tác cứu hộ, cứu nạn động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ của Quân đội nhân dân Việt Nam xuất phát từ Hà Nội vào tối 12-2 đã tới thành phố Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ) vào chiều 13-2 theo giờ địa phương. Ngay sau khi tới nơi, đoàn đã khẩn trương phối hợp với lực lượng cứu nạn quốc tế khác thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn dưới đống đổ nát, các tòa nhà bị sập cũng như hỗ trợ y tế cho các nạn nhân động đất.

Những cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân Việt Nam bất chấp điều kiện khắc nghiệt khẩn trương tìm kiếm người bị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ

Những cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân Việt Nam bất chấp điều kiện khắc nghiệt khẩn trương tìm kiếm người bị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ

Lực lượng tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa của Quân đội nhân dân Việt Nam gồm 76 người với các thành phần: Đội Quân y (Tổng cục Hậu cần) 30 người; Đội Cứu sập (Binh chủng Công binh) 30 người; Đội Chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) 9 người là huấn luyện viên và chỉ huy cùng 6 chó nghiệp vụ; Bộ phận chỉ huy và cơ quan quân số 7 người, trong đó có các cán bộ của Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Cục Đối ngoại...

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn, người trực tiếp chỉ huy công tác cứu hộ, cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, đoàn mang theo hơn 42 tấn trang thiết bị chuyên dụng và vật chất hậu cần đảm bảo phục vụ cho đoàn đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ, tự lo trong thời gian 1 tháng. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân ta mang theo các trang thiết bị chuyên dùng như bộ dò tìm tổng hợp, sử dụng phát hiện nạn nhân ở trên cạn cũng như ở dưới nước; Camera mắt rắn đưa vào vị trí mà nạn nhân nằm trong những ngách nhỏ, hẹp sâu. Lực lượng cũng được trang bị thiết bị có thể phát hiện cảm biến được nhịp tim cũng như chuyển động của nạn nhân ở khoảng cách 18m; bộ kích mềm, kích hơi sử dụng để kê kích những tấm cấu kiện bê-tông để có thể đưa nạn nhân ra ngoài. Các thuỷ lực dùng để kích cấu kiện bê-tông với trọng tải 15 tấn.

Không chỉ mang theo những trang thiết bị chuyên dùng hiện đại, Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam sang hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất còn với tâm thế của những người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần xuất phát từ nghĩa cử tốt đẹp và đã trở thành đạo lý của dân tộc ta “Thương người như thế thương thân”. Không khỏi xúc động trước trường hợp của Thượng úy Công binh Kiều Đức Toàn, người đã tạm gác hạnh phúc riêng tư, hoãn đám cưới dự định diễn ra sau đây 2 tuần để cùng đồng đội sang Thổ Nhĩ Kỳ để cứu giúp những người gặp nạn, khắc phục hậu quả động đất. Dù có phần hụt hẫng vì việc chuẩn bị cho chuyện trọng đại hạnh phúc trăm năm của đời người đã hoàn tất nhưng người vợ sắp cưới cùng gia đình chị đều ủng hộ chàng sĩ quan trẻ lên đường làm nhiệm vụ nhân đạo cứu người.

Tình yêu thương, sự quan tâm, chia sẻ từ hậu phương là nguồn động viên, cổ vũ để Thượng úy Kiều Đức Toàn và các đồng đội của anh thêm vững vàng thực hiện nhiệm vụ quốc tế. “Khi nào hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi sẽ chọn một ngày thật đẹp để tổ chức lễ thành hôn trang trọng, lịch sự nhất. Yến à, cảm ơn em đã là hậu phương vững chắc để anh có thêm động lực để đi công tác xa. Anh sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Anh yêu em rất nhiều” - Thượng úy Kiều Đức Toàn nhắn gửi người vợ trẻ sắp cưới trên đường ra sân bay bay sang “tâm chấn” động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Với hành trang vững chắc ấy cùng lá cờ Tổ quốc trong tim, những người lính “Bộ đội cụ Hồ” đã lên đường tới nơi đang cần họ. Những khó khăn và thách thức đang ở phía trước, nhưng quan trọng hơn hết những người lính “Bộ đội cụ Hồ” đã chuẩn bị sẵn sàng tâm thế và một hành trang vững vàng trước khi lên đường vì sứ mệnh nhân đạo quốc tế cao cả.

Tinh thần nhân văn, đạo lý nhân đạo tốt đẹp

Khi lực lượng tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa của Quân đội nhân dân Việt Nam bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ, Đoàn cứu hộ, cứu nạn của Công an Nhân dân Việt Nam đã không quản ngại điều kiện thời tiết khắc nghiệt tiến hành tìm kiếm nạn nhân động đất ngay lúc đặt chân tới nơi cách đó 2 ngày (ngày 11-2-2023). Với trang thiết bị chuyên dụng hiện đại như camera dò tìm, phát hiện bằng hình ảnh, âm thanh để phát hiện sự sống Đội cứu hộ, cứu nạn của Công an nhân dân đã cùng với Đội cứu hộ của Pakistan tìm thấy và cứu sống một thiếu niên 14 tuổi nằm sâu dưới đống đổ nát.

Bất chấp tiết trời băng giá dưới 0 độ C, bất chấp những hiểm nguy của các dư chấn, Đội cứu hộ, cứu nạn của Công an nhân dân đã làm việc xuyên đêm với mong mỏi khẩn trương nhất, nhanh chóng nhất để tìm kiếm các nạn nhân còn may mắn sống sót sau thảm họa động đất kinh hoàng. Họ đã nỗ lực cao nhất, chạy đua với thời gian nhằm tìm kiếm mọi sự sống dù nhỏ nhoi, mong manh nhất dưới tầng tầng lớp lớp đổ nát. Hơn lúc nào hết, cứu giúp sinh mạng con người là một trong những ưu tiên cao nhất hiện nay tại Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia vừa chịu một trong những thảm họa động đất gây thiệt hại tồi tệ nhất.

Việc những người chiến sĩ Công an nhân dân và Quân đội nhân dân khẩn trương sang Thổ Nhĩ Kỳ cứu người, khắc phục thảm họa động đất là lần đầu tiên những cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang Việt Nam tới làm nhiệm vụ quốc tế tại khu vực xảy ra thảm họa ở rất xa lãnh thổ Việt Nam. Điều này thể hiện hiện tinh thần nhân văn, đạo lý nhân đạo tốt đẹp và tinh thần khẩn trương, kịp thời của Quân đội và Công an nhân dân Việt Nam.

Thực hiện nhiệm vụ nhân đạo quốc tế tại Thổ Nhĩ Kỳ lần này cũng thể hiện chính sách đối ngoại ưu việt, trách nhiệm cao trước cộng đồng quốc tế của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam; đồng thời khẳng định uy tín, tinh thần trách nhiệm, năng lực của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân Việt Nam trong hội nhập, hợp tác quốc tế.

Tại lễ tiễn Đoàn cán bộ, chiến sĩ tham gia cứu hộ, cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, nhấn mạnh, xuất phát từ quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ nói chung, giữa Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan thực thi pháp luật của Thổ Nhĩ Kỳ nói riêng, Bộ Công an Việt Nam cử đoàn công tác sang Thổ Nhĩ Kỳ với mục đích hỗ trợ cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ tìm kiếm nạn nhân và cung cấp hỗ trợ nhân đạo, giúp người dân Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả và sớm ổn định đời sống sau thảm họa động đất.

Việc tham gia của đội cứu nạn, cứu hộ của Công an nhân dân Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đóng góp, chia sẻ một phần sức lực của Việt Nam đối với nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, hoạt động này thể hiện cam kết chính trị của Đảng và Nhà nước với vai trò là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề khó khăn, thách thức và duy trì môi trường hòa bình, ổn định vì hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Trước khi Đoàn cán bộ, chiến sĩ Quân đội và Công an nhân dân Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ làm nhiệm vụ nhân đạo quốc tế, những chiến sĩ Quân đội và Công an nước ta cũng đã tham gia các sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở châu Phi. Có thể thấy, là quốc gia từng chịu những năm tháng dài chiến tranh chống xâm lược cũng như các thảm họa thiên tai, Việt Nam luôn đồng cảm, sẻ chia với nhân dân các nước trên khắp thế giới trong những lúc hoạn nạn, khó khăn. Chính vì thế, ngay sau khi xảy ra thảm họa động đất ở Thỗ Nhĩ Kỳ và Syria, những người chiến sĩ Quân đội và Công an lại khẩn trương lên đường tới nơi cần họ trong sứ mệnh nhân đạo quốc tế với tinh thần, đạo lý “Thương người như thể thương thân” tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Bộ Công an trao 2 tấn hàng y tế hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ

Đoàn công tác Bộ Công an chiều 12-2-2023 đã trao 2 tấn đồ viện trợ y tế tặng chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ thông qua Cơ quan ứng phó thảm họa và tình huống khẩn cấp (AFAD) tại thành phố Adiyaman nhằm hỗ trợ nước bạn trong thời điểm cực kỳ khó khăn sau trận động đất kinh hoàng xảy ra vào ngày 6-2.

Đoàn công tác Bộ Công an Việt Nam bàn giao thiết bị y tế hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ

Đoàn công tác Bộ Công an Việt Nam bàn giao thiết bị y tế hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ

Ngay trong chiều cùng ngày, Đoàn công tác đã phối hợp với AFAD vận chuyển số hàng hóa về các khu vực được chỉ định trong đó có bệnh viện lớn nhất của Adiyaman để phục vụ công tác cấp cứu và điều trị, số còn lại sẽ được chuyển ra các trại y tế lưu động. Số hàng hóa này bao gồm các loại thuốc cấp cứu, cơ số thuốc thiết yếu, vật tư y tế, lều trại dùng trong dã chiến; các phương tiện, hóa chất phòng, chống dịch và thiết bị y tế sử dựng trong tình huống cấp cứu thảm họa. Nhận được sự viện trợ rất kịp thời của Đoàn công tác Bộ Công an tham gia cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Isamail Sahin - Phó Giám đốc Cơ quan ứng phó thảm họa và tình huống khẩn cấp (AFAD) tại thành phố Adiyaman đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Chính phủ, Bộ Công an và nhân dân Việt Nam về sự giúp đỡ này.

Được biết, địa phương mà Đoàn công tác Bộ Công an đang thực hiện nhiệm vụ là một trong ba vùng bị thiệt hại nhiều nhất trong thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Sau 3 ngày làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ, Đoàn công tác Bộ Công an đã phối hợp cứu sống 1 người, đưa 2 thi thể ra ngoài, hỗ trợ y tế cho phía bạn.

P.V

Đội cứu hộ Công an Việt Nam phối hợp đưa thi thể nạn nhân bị vùi lấp trong đống đổ nát ra ngoài

Sau nhiều giờ nỗ lực, Đội cứu nạn, cứu hộ thuộc Đoàn công tác Bộ Công an Việt Nam đã phối hợp với lực lượng cứu nạn, cứu hộ Quân đội Pakistan đã đưa thi thể của 2 nạn nhân bị vùi lấp trong đống đổ nát ra ngoài tại một tòa nhà thuộc thành phố Adıyaman, Thổ Nhĩ Kỳ và bàn giao cho lực lượng y tế.

Lực lượng cứu nạn, cứu hộ hai nước Việt Nam và Pakistan triển khai phương án đưa thi thể nạn nhân ra ngoài

Lực lượng cứu nạn, cứu hộ hai nước Việt Nam và Pakistan triển khai phương án đưa thi thể nạn nhân ra ngoài

Cụ thể, lực lượng cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an Việt Nam sử dụng camera chuyên dụng luồn sâu vào các khe nhỏ trong đống đổ nát dò tìm phát hiện ra thi thể của 2 nạn nhân. Tuy nhiên, việc đưa các thi thể ra ngoài gặp nhiều khó khăn do khối lượng bê tông hàng trăm tấn đè lên các nạn nhân. Hai đoàn đã phối hợp cắt phá, chia nhỏ mảng bê tông diện tích hơn 30m2 để tiếp cận người bị nạn. Lúc này, thiết bị thủy lực của Đội cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an Việt Nam đã phát huy hiệu quả rõ rệt giúp tạo lối tiếp cận và tiến rất gần vị trí của các nạn nhân. Sau nhiều giờ nỗ lực, thi thể nạn nhân đầu tiên được đưa ra vào khoảng 18h15 (giờ địa phương) ngày 12-2, thi thể nạn nhân thứ hai được đưa ra vào khoảng 19h30 cùng ngày.

P.V

Đoàn cứu nạn, cứu hộ của Bộ Công an Việt Nam thay đổi địa điểm tìm kiếm

Chiều 13-2, đại diện lực lượng tìm kiếm cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, do Đoàn cứu nạn, cứu hộ của Bộ Công an Việt Nam có những thiết bị và hoạt động chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả nên được chỉ định thay đổi địa điểm cứu hộ, di chuyển đến nơi tìm kiếm phức tạp hơn, nhằm ưu tiên tìm kiếm người còn sống.

Địa điểm tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ (CNCH) mới của Công an Việt Nam tại số 2801 đường Yeni Sanayi, Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay sau khi có mặt, lực lượng cứu nạn, cứu hộ Công an Việt Nam đã triển khai thiết bị rò băng radar để tìm kiếm sự sống dưới đống đổ nát.

Trước đó, Đoàn cứu nạn, cứu hộ Công an Việt Nam đã tổ chức cứu nạn, cứu hộ tại một tòa nhà đổ sập ở thành phố Adıyaman, Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện trường cũ sẽ do lực lượng địa phương chịu trách nhiệm tìm thi thể người bị nạn. Địa điểm mới cách nơi Đoàn cứu hộ Việt Nam vừa thực hiện nhiệm vụ khoảng 3,5km.

Được biết, địa phương Đội cứu nạn, cứu hộ Công an Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ là một trong ba vùng bị thiệt hại nhiều nhất trong thảm họa động đất này tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 6-2. Tại đây, trong những ngày làm nhiệm vụ, lực lượng tìm kiếm cứu nạn Công an Việt Nam đã phối hợp cứu thành công 2 người đưa đến nơi an toàn và bàn giao nhiều thi thể bị nạn cho lực lượng y tế Thổ Nhĩ Kỳ.

T.N.K