Vì sao Tổng thống Putin không dự hội nghị thượng đỉnh hạt nhân?

ANTĐ -Sputnik ngày 31-3 dẫn lời ông Andrei Belitsky làm việc tại Trung tâm an toàn và bức xạ có trụ sở tại Moscow cho biết lý do về sự vắng mặt của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị thượng định hạt nhân lần 4 này.

Vì sao Tổng thống Putin không dự hội nghị thượng đỉnh hạt nhân? ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin

Khi được phóng viên hãng Sputnik hỏi về lý do Nga không tham gia Hội nghị thượng định hạt nhân lần này, ông Belitsky nói: “Như bạn biết đấy, việc tổng thống Putin không đến Washington lần này chắc chắn phải có lý do của nó. Hoa Kỳ là chủ nhà, đã không mời một số đồng minh của Nga tham dự, ví dụ như Iran - họ không phải là thành viên được mời và đã không được tham gia bất kỳ hội nghị thượng đỉnh an ninh nào, mặc dù thực tế là Tehran có vật liệu hạt nhân rõ ràng rất cần sự bảo vệ và an ninh".

Đã từng tham dự các cuộc họp thượng đỉnh trước đó, chính phủ Nga cảm thấy rằng, mục tiêu của các cuộc họp đó phần lớn được đáp ứng. Lần này, Moscow biết rất rõ mọi người sẽ làm gì ở Washington. Hội nghị dường như đã quyết định xong cách tiếp tục với vấn đề an ninh hạt nhân trong tương lai.

Các phương tiện truyền thông phương Tây mô tả hội nghị này là một sự kiện chính trị, trong đó quan tâm nhiều đến các hoạt động thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên, cũng như tham vọng vũ khí của nước này hơn là bất kỳ mối đe dọa thực sự nào.

"Thảo luận chính về hạt nhân Triều Tiên tại hội nghị lần này là không thực sự công bằng, vì hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân là chỉ bàn về giải quyết an ninh hạt nhân, có nghĩa là bảo vệ vật liệu hạt nhân để chúng không bị đánh cắp và đó là vấn đề trọng tâm. Sự hạn chế về số lượng, và sự hạn chế phổ biến vũ khí hạt nhân không liên quan đến an ninh hạt nhân. Đó là một vấn đề riêng biệt", ông Belitsky giải thích.

Một mối đe dọa lớn hơn chính là các nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Chúng đã chứng tỏ có được vật liệu hạt nhân.

IS có thể dễ dàng ăn cắp các vật liệu phóng xạ ở mọi nơi. Những vật liệu hạt nhân có thể cho phép bọn khủng bố biến một vụ nổ thông thường thành một thảm họa khiến cả khu vực bị nhiễm độc phóng xạ. Đây là vấn đề mà lẽ ra các nước luôn phải đề cao cảnh giác, bàn luận đến, thì họ lại thờ ơ, lơ là.

"Từ những gì chúng ta đang thấy, IS tiếp tục sẽ làm những việc chúng muốn rất đơn giản và hiệu quả. Khi bạn đưa khẩu súng AK-47 cho một nhóm người và chúng có thể bắn giết nhiều người trên các đường phố của Paris, điều đó cũng giống như việc vận chuyển vật liệu phóng xạ. Tại sao các bạn lại không quan tâm nhỉ?", Baklitsky kết luận.