Vì sao cano cao tốc chở khách du lịch trên biển phải là mui kín?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định,  cấu hình của cabin tàu cao tốc chở khách bắt buộc phải kín, nếu không sẽ gây mất an toàn cho phương tiện và hành khách trong quá trình vận hành.

Liên quan đến vụ tai nạn thảm khốc, chìm cano du lịch trên biển Cửa Đại, Quảng Nam làm 17 người chết vào chiều 26/2 vừa qua, nhiều người cho rằng, loại cano du lịch mui kín như vậy khi bị lật dễ làm chết người. Nhiều chủ tàu du lịch tại Hội An cho rằng, trước đây chở khách bằng cano hở mui, nhưng cơ quan chức năng yêu cầu phải đóng kín.

Về vấn đề này, đại diện Cục Đăng kiểm, Bộ GTVT cho hay, ngoài tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm, hiện trên toàn quốc có nhiều tuyến vận tải khách ven biển bằng tàu cao tốc và đều có cấu hình dạng mui kín, lối thoát hiểm ở phía hai đầu phương tiện.

Cấu hình của cabin tàu cao tốc chở khách bắt buộc phải kín, nếu không sẽ gây mất an toàn cho phương tiện và hành khách trong quá trình vận hành. Đây là cấu hình tuân thủ theo quy định của Bộ Luật quốc tế về an toàn tàu cao tốc của Tổ chức Hàng hải quốc tế và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện thủy.

Cục Đăng kiểm Việt Nam là thành viên Hiệp hội Đăng kiểm tàu thủy châu Á (ACS), tiêu chuẩn an toàn phương tiện của Việt Nam tương đương với các tiêu chuẩn của Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ. Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã ký thỏa thuận hợp tác song phương với 10 tổ chức đăng kiểm tàu thủy lớn nhất thế giới thuộc Hiệp hội các tổ chức đăng kiểm tàu thủy quốc tế (IACS).

Theo ông Nguyễn Vũ Hải, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, nếu tàu không có mui kín, khi tàu chạy có gió, sóng đánh lên khoang hành khách. Trong khi khoang hành khách thấp hơn boong tàu nên nước sẽ đọng lại trong khoang dẫn đến bị mất ổn định phương tiện, gây mất an toàn cho chính phương tiện.

Chiếc cano chở khách du lịch bị lật rồi chìm ở biển Cửa Đại là loại mui kín

Chiếc cano chở khách du lịch bị lật rồi chìm ở biển Cửa Đại là loại mui kín

Ngoài ra, khi phương tiện không kín, sóng gió đánh lên khoang hành khách gây nguy hiểm đến tính mạng khách. Khách trên tàu không chỉ có người trưởng thành, khỏe mạnh bình thường mà còn có cả trẻ em, phụ nữ mang thai, người già, người khuyết tật.

Cũng ông Hải thông tin, trước năm 2018, các tàu cao tốc tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm là loại tàu sông cấp SI và địa phương đề nghị Bộ GTVT hướng dẫn để nâng cấp thành cấp SB (pha sông biển) như hiện nay để nâng cao tính an toàn.

Về một số ý kiến cho rằng, thiết kế tàu cao tốc chở khách mui kín, lối thoát hiểm chỉ có hai đầu khiến chật chội và khó thoát hiểm; trong khi khách phải mặc áo phao, khi nước tràn vào, áo phao khiến người mặc nổi lên, càng khó thoát được ông Hải cho rằng, quy chuẩn kỹ thuật phương tiện chỉ yêu cầu phương tiện trang bị đủ phao, áo phao và để ở chỗ hành khách dễ lấy nhất, chứ không bắt buộc phải mặc.

“Khi quốc tế xây dựng Bộ Luật an toàn về tàu cao tốc đã dựa trên đánh giá tất cả các rủi ro để từ đó đề ra phương án thiết kể. Kể cả rủi ro xảy ra trong khai thác, cứu nạn cũng được nhận dạng, thiết kế. Do đó, khi sửa đổi, bổ sung cần có sự đánh giá, rà soát và phải tuân theo chuẩn quốc tế về tàu cao tốc. Hơn nữa, về cứu nạn tàu cũng vậy, chúng ta không thể nói cảm tính là nếu mui hở thì hành khách sẽ thoát. Vì nếu mui hở, vận hành tàu bình thường đã tiềm ẩn rủi ro gây mất an toàn cho tàu và hành khách”- ông Hải cho hay.

Song, ông Hải cũng thông tin, Bộ trưởng Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm tăng cường kiểm tra chất lượng phương tiện, đặc biệt chú trọng phương tiện chở khách từ bờ ra đảo, phương tiện thủy phục vụ các lễ hội, tàu cao tốc.

Do vậy, Cục Đăng kiểm sẽ tiếp tục nghiên cứu quy định mới của Tổ chức Hàng hải quốc tế và các quốc gia, tổ chức đăng kiểm tiên tiến để đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nhằm tăng cường tính an toàn kỹ thuật của phương tiện.