Vì sao các cầu thủ Việt Kiều luôn lạc lõng?

ANTD.VN - Bóng đá Việt Nam luôn chào đón các tài năng gốc Việt từ khắp nơi trên thế giới trở về quê hương cống hiến. Nhưng hễ cứ trở lại quê nhà, phần lớn trong số họ đều ngậm ngùi từ bỏ ý định gắn bó dài lâu.

Một Lee Nguyễn tài năng, một Tony Tuấn Anh bình thường đều không trụ được ở Việt Nam

Trong số họ, có những cầu thủ năng lực hạn chế như Ludovic Casset, Michel Lê, nhưng cũng có những người tài năng đã được chứng thực như Lee Nguyễn. Dẫu vậy, hầu hết đều có điểm chung là không thể trụ lại với môi trường khắc nghiệt trong nước. Trường hợp Tony Tuấn Anh ở đội tuyển U20 vừa qua là minh chứng sống động nhất. Dưới đây là những lý do chính khiến các cầu thủ Việt kiều luôn phải nhận “quả đắng” khi hồi hương.

Bị tung hô quá đà

HLV lão làng Lê Thụy Hải đã phải thốt lên đầy bức xúc khi chứng kiến nhiều trường hợp thất bại suốt những năm qua: “Nhiều cầu thủ Việt kiều có biết đá bóng đâu”. Ý ông Hải ở đây không phải là không biết đá bóng theo nghĩa đen, mà là trình độ, nhận thức và khả năng chuyên môn của nhiều cầu thủ Việt kiều chỉ ở mức nghiệp dư, chứ không phải chuyên nghiệp.

Quả thật, nhiều cầu thủ được giới thiệu là sản phẩm của lò này của Pháp, trưởng thành từ trung tâm kia của Czech, nhưng về nước mới cho thấy họ còn thua xa các lò địa phương. Năm 2004, Ludovic Casset về nước thử việc với cái tiếng là chơi cho CLB nổi tiếng Auxerre của Pháp.

Thế rồi, trong buổi tập, anh này liên tục làm sai động tác, đến khống chế bóng còn hỏng. Sau mới ngỡ, Casset chỉ là cầu thủ chơi cho một đội bóng nghiệp dư có cái tên gần giống như vậy. Những trường hợp của Toni Lê Hoàng, Michel Lê hay Tony Tuấn Anh mới đây cũng tương tự, sớm bộc lộ sự hạn chế và cho thấy họ đều không như… quảng cáo.

Gáng nặng ngôn ngữ và rào cản khí hậu

Các cầu thủ Việt kiều sinh ra và lớn lên ở nước ngoài nên vốn tiếng Việt đa phần hạn chế. Khi trở về, những hạn chế trong giao tiếp, chậm trong việc tiếp thu giáo án của HLV khiến họ không thể tiến bộ. Trong bóng đá, việc trao đổi thông tin là vô cùng quan trọng và đây chính là gánh nặng khiến nhiều cầu thủ Việt kiều không thể thành công.

Điều kiện thời tiết nhiệt đới ở Việt Nam cũng là trở ngại rất lớn đối với cầu thủ Việt kiều. Phần lớn họ tới từ châu Âu, nơi mùa đông có thể xuống tới -10 độ C. Sự khác biệt quá lớn khiến cho nền thể lực của họ bị ảnh hưởng nặng nề. Tony Tuấn Anh cũng như nhiều cầu thủ khác hầu như không thể theo kịp các buổi tập và xuống sức nhanh chóng. Cũng dễ hiểu bởi họ đang quen với môi trường 5-7 độ C, phải về Nha Trang với cái nóng 37-38 độ C và độ ẩm luôn rất cao nên rất khó thích nghi. 

Không thể hòa đồng

Lạc lõng luôn là từ sinh động nhất để tả về cầu thủ Việt kiều trong những buổi tập của các đội tuyển Việt Nam. Tiếng Việt không sõi dẫn tới việc ngại giao tiếp và không thể hòa đồng. Bên cạnh đó, cầu thủ Việt kiều luôn không nhận được cái nhìn thiện cảm của các cầu thủ trong nước. Bởi đơn giản, cầu thủ trong nước thường có “dây” với nhau, kết nối theo nhóm, còn cầu thủ Việt kiều thì luôn chỉ có một mình. Lee Nguyễn hồi còn chơi ở Bình Dương cũng từng gặp vấn đề “không ai chuyền bóng cho” trên sân, nên đã không thể trụ lại. 

Tất nhiên, cũng có vài trường hợp ngoại lệ như thủ môn của đội tuyển quốc gia là Đặng Văn Lâm, hay phần nào đó là tiền đạo Mạc Hồng Quân của Than Quảng Ninh. Họ vẫn tồn tại được trong môi trường vô cùng khắc nghiệt do biết cách co kéo thích nghi. Tuy nhiên, họ chỉ đóng tròn vai ở những vị trí của mình chứ chưa thực sự là những tài năng xuất sắc mà bóng đá Việt Nam tìm kiếm.

Chỉ có điều, những cầu thủ gốc Việt thực sự xuất chúng, nếu nhìn vào những tấm gương đi trước, chưa chắc đã dám đánh cược sự nghiệp của mình cho một chuyến hồi hương có thể khiến họ mất nhiều hơn là được.