VFF lên kế hoạch đầu tư mạnh vào bóng đá trẻ: Muộn còn hơn không

ANTĐ - Cơn khủng hoảng của bóng đá Việt Nam không biết sẽ kéo dài đến khi nào, nhưng VFF đang khẩn trương tìm cách “vá” lại những lỗ hổng bằng nhiều kế hoạch phát triển bóng đá trẻ cụ thể trong tương lai gần.

Đầu tư mạnh cho tuyến trẻ là một trong những giải pháp cho thể cứu bóng đá Việt Nam

Sau khi biết bao ông bầu đã bắt đầu cảm thấy chán nản với việc đầu tư tiền tấn vào bóng đá nhưng không mang lại hiệu quả như mong đợi, thì bóng đá Việt Nam mới phần nào “lộ rõ chân tướng” rằng nó chỉ được sinh ra và lớn lên bởi tiền. Nhiều nơi chạy theo thành tích nên dốc tiền vào hòng ăn xổi, nhưng chỉ một số ít là thành công, số còn lại thường “xôi hỏng bỏng không”. Cho đến thời điểm này, nhiều đội bóng mới nhận ra rằng chỉ có làm tốt công tác đào tạo trẻ cơ bản, thì mới xây được cái móng vững chắc cho tương lai. Đếm sơ qua trên cả nước, cũng chỉ có một vài trung tâm đào tạo trẻ lớn, có quy mô và uy tín. Nhưng ít nhất, như thế vẫn còn là đáng mừng trong bối cảnh hiện nay.

Cựu tiền đạo Đặng Phương Nam, một trong những người bám sát công tác đào tạo trẻ trong thời gian qua, cho rằng nguồn cầu thủ trẻ ở Việt Nam là rất tiềm năng. Sẽ là vô cùng lãng phí nếu như các địa phương bỏ ngỏ hoặc đầu tư nửa vời vào nguồn này.

Ở phía Bắc có Viettel, SLNA trong khi ở phía Nam có Học viện bóng đá trẻ của HAGL. Đây đều là những mô hình tiên tiến để các trung tâm, các địa phương khác có thể học tập. Trao đổi với phóng viên ANTĐ, TTK Liên đoàn bóng đá Việt Nam - Ngô Lê Bằng cho biết VFF chuẩn bị có những cuộc cách tân mạnh mẽ, mà đối tượng chính, chính là các cầu thủ mầm non. “Chúng tôi đã có những kế hoạch rất cụ thể cho bóng đá trẻ từ nay đến năm 2020. Việc phát triển tuyến trẻ là điều tất yếu của mỗi nền bóng đá. VFF sẽ đầu tư nhiều hơn vào công tác này trong thời gian tới. Tôi xin khẳng định những khó khăn về kinh tế sẽ không ảnh hưởng đến việc đào tạo trẻ này. VFF sẽ sử dụng đúng nguồn tiền trách nhiệm từ VPF, sự hỗ trợ của Nhà nước và từ FIFA để dùng sao cho hợp lý nhất”, ông Ngô Lê Bằng nói.

Cũng theo ông Bằng, việc đôn đốc, thúc giục các đội bóng đầu tư vào bóng đá trẻ không phải là chuyện một sớm một chiều. Vì nhiều CLB đang còn bỏ bê “mảnh đất” này. Giải pháp trước mắt của VFF là ở riêng các giải U17, U19 và U21… các CLB phải tham dự ít nhất 2/3, nếu không sẽ bị xử phạt theo chế tài. Bên cạnh đó, VFF đang chuẩn bị một dự án phát triển bóng đá trẻ tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ của riêng mình.

Các HLV, các nhà quản lý sẽ được đi học nhiều hơn nhằm nâng cao nghiệp vụ. Các cầu thủ trẻ, đặc biệt là lứa mầm non như U15 đổ xuống U11 sẽ được tập theo những giáo án hiện đại, khoa học hơn, cũng như việc tham gia nhiều giải đấu quốc tế nhằm có được sự trải nghiệm và cọ xát nhất định, giúp các em sớm trưởng thành hơn. Dù biết rằng vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhưng để cứu bóng đá Việt Nam khỏi cơn khủng hoảng như lúc này, thì nhất thiết phải làm lại từ đầu bằng cách đào tạo trẻ. Và suy cho cùng, điều đó có xảy ra muộn, vẫn còn hơn là không bao giờ. 

Dành nhiều “đất” hơn cho tài năng trẻ

Theo Phó Chủ tịch VFF, TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn, bắt đầu từ mùa giải 2013, Quy chế bóng đá chuyên nghiệp sẽ có sự điều chỉnh để tạo thêm cơ hội cho cầu thủ trẻ phát triển. Cụ thể, các CLB chỉ đăng ký 3 ngoại binh và để 2 cầu thủ ra sân. Trong khi ở giải hạng Nhất sẽ cấm sử dụng ngoại binh. Kế hoạch tăng cường các giải trẻ, đồng thời quy định số cầu thủ trẻ ra sân cũng sẽ được quy định rõ ràng. Từ V-League 2013, mỗi CLB phải đăng ký ít nhất 5 cầu thủ dưới 21 tuổi, trong đó hai người có mặt trên sân.