Vết thương tâm lý sau 20 năm chiến tranh ở Iraq

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hai thập kỷ sau chiến tranh do Mỹ phát động, chấn thương tâm lý cũng như hậu quả của cuộc xung đột vẫn tồn tại với nhiều người Iraq. Với họ, nỗi ám ảnh chiến tranh đã trở thành một phần thường trực trong cuộc đời.
Người Iraq xếp hàng bên ngoài nhà tù Abu Ghraib gần Baghdad để chờ đợi tin tức người thân bị bắt giữ hôm 16-5-2004

Người Iraq xếp hàng bên ngoài nhà tù Abu Ghraib gần Baghdad để chờ đợi tin tức người thân bị bắt giữ hôm 16-5-2004

Cách đây 20 năm, ngày 20-3-2003, Tổng thống Mỹ George W. Bush tuyên bố bắt đầu cuộc chiến ở Iraq với lý do giải giáp nước này khỏi vũ khí hủy diệt hàng loạt. Suốt 8 năm, các căn cứ quân sự, trạm kiểm soát và binh lính của Mỹ rải rác trên khắp đất nước Iraq. Khi bị lính Mỹ giam giữ trong nhà tù khét tiếng Abu Ghraib ở Iraq năm 2003, Salah Nsaif mới 32 tuổi.

Salah khi đó đang làm phóng viên cho kênh tin tức Al Jazeera có trụ sở tại Qatar ở Diyala, Đông Bắc Iraq. Ông chưa bao giờ bị buộc tội, nhưng nhiền lần bị lột trần, bị bỏ đói, chế giễu và bị biệt giam. “Bạn biết đấy, ở Iraq, chúng tôi có văn hóa không nói chuyện với bác sĩ hay bác sĩ tâm thần. Tôi cần phải thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn sợ hãi và lo lắng. Vài năm đầu tiên, mọi thứ thật khó khăn. Với tôi, ngay cả vợ cũng trở thành một người xa lạ. Tôi không quan tâm đến bất cứ ai và tự cô lập mình. Suốt một thời gian dài chỉ gặp ác mộng”, ông Salah nói với CNN. Hai mươi năm sau, ông đã định cư ở Thụy Điển cùng vợ và 3 đứa con, nhưng nỗi kinh hoàng của cuộc chiến ở đó vẫn tiếp tục ám ảnh ông.

Khi chính phủ của Tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ, hơn 20.000 tù nhân chiến tranh Iraq đã bị quân đội Mỹ giam giữ. Khoảng 120.000 thường dân đã thiệt mạng trong chiến tranh, theo Iraq Body Count, một cơ sở dữ liệu trực tuyến dựa trên thông tin từ các bệnh viện và các tổ chức phi chính phủ để ghi lại thương vong từ chiến tranh Iraq. Khi Mỹ rút quân khỏi Iraq vào năm 2011, nhiều người Iraq nghĩ rằng đó là buổi bình minh của một kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên sẽ chữa lành những tàn dư khủng khiếp của chiến tranh. Nhưng vào cuối năm đó, nhóm chiến binh Hồi giáo cuồng tín đã tái xuất và tàn phá đất nước này, bạo lực tiếp tục kéo dài liên miên.

Abbas Al Duliami mới 5 tuổi khi binh sĩ Mỹ chiếm đóng Iraq. Cậu sống ở Baghdad trong vài năm cho đến khi gia đình trốn sang Syria vào năm 2007 để thoát khỏi cuộc tàn sát. Abbas cùng gia đình trở lại Baghdad vào năm 2011 với hy vọng khởi đầu lại, nhưng tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng đe dọa cuộc sống mới đó với nhiều biến động hơn, khiến họ phải chuyển đi lần nữa. Hiện sắp học xong đại học ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Abbas cho biết, cơn ác mộng chiến tranh vẫn tiếp tục ám ảnh anh. “Lớn lên trong những năm này thật khó khăn vì tôi là một đứa trẻ đã chứng kiến cảnh người ta bị bắt cóc hoặc bị giết trên đường phố trong nhiều năm”, anh nói.

Tương tự, Ghofran Mohammed, 28 tuổi, người Baghdad nhớ mãi cảnh bắt bớ khi Mỹ đưa quân vào Iraq. Cô chưa bao giờ kể về ác mộng chiến tranh với một chuyên gia sức khỏe tâm thần nhưng may mắn luôn được gia đình khuyến khích vượt qua chấn thương tâm lý. Alexandra Chen, một chuyên gia về chấn thương tâm lý ở Anh cho rằng, vết thương chiến tranh có thể di truyền qua nhiều thế hệ, hàng chục năm sau khi xung đột kết thúc. “Nếu sự cảnh giác cao độ của một người là yếu tố chính giúp họ sống sót sau giai đoạn đặc biệt đau thương của cuộc đời thì điều đó có thể bị chuyển hóa trong DNA và truyền cho con cháu”. Tuy nhiên, theo chuyên gia Alexandra Chen, giải pháp trị liệu cho những trường hợp như vậy đòi hỏi thời gian, và cách tốt nhất ngoài việc làm lành vết thương là không để chiến tranh xảy ra.