- Các CĐV phải chi bao nhiêu cho chuyến đi xem EURO 2016
- Tứ kết EURO 2016, 2h ngày 1-7, Ba Lan - Bồ Đào Nha: Tử thần giấu mặt
- Tiết lộ danh sách ứng viên dẫn dắt đội tuyển Anh
Marseille là một thành phố thiên đường của nước Pháp, với khu cảng Vieux Port sầm uất cùng màu xanh mướt mắt của biển Địa Trung Hải. Nhưng những ngày cuối tuần vừa qua, những du khách đến với Marseille không còn bận tâm đến việc ghé thăm nhà thờ Notre Dame de la Garde đẹp huyền diệu hay tòa lâu đài Palais Longchamps cổ kính nữa, tâm điểm với họ chính là sân vận động Stade Velodrome, nơi diễn ra trận tứ kết EURO 2016 giữa Bồ Đào Nha và Ba Lan.
Không có ý định mua vé vào sân xem trận đấu này, tôi chỉ dạo qua một vòng quanh sân Velodrome khoảng 5 giờ đồng hồ trước khi trận đấu bắt đầu, cố để hít hà cái không khí bóng đá ở nơi đây. Nhưng ở mọi ngả đường, luôn có rất nhiều người cầm tấm bảng với dòng chữ: “I need ticket” (Tôi cần vé) ngồi la liệt. Với một trận đấu quan trọng và thu hút các CĐV từ Ba Lan và Bồ Đào Nha như thế, sức chứa gần 70.000 chỗ ngồi của sân Velodrome có lẽ là quá ít so với nhu cầu của các CĐV.
Có lẽ chính bởi điều này, nên nhiều người có vé trong tay đã “lột xác” trở thành dân phe vé, để mong kiếm lời với những khoản tiền khổng lồ. “You need ticket?” (Bạn có cần vé không?), một người đàn ông nói tiếng Anh tiến lại gần hỏi tôi. Anh này có lẽ là người bản địa, vì cái giọng tiếng Anh lơ lớ của người Pháp không lẫn vào đâu được. Tôi vờ như mình cũng đang cần một cặp, cốt là để hỏi giá như thế nào.
Và rất may mắn là tôi đã không bị sốc khi nghe anh chàng cỡ ngoài 30 tuổi kia “hét” giá cho cặp vé xem trận tứ kết giữa Ba Lan và Bồ Đào Nha vào tai mình: 450 euro (gần 12 triệu đồng) trong khi vé có mệnh giá chỉ 40 euro theo niêm yết của FIFA. Tức là gấp hơn 11 lần giá gốc. Tôi cười mỉm và tìm lý do để “chuồn”, trước khi một đám “cò vé” khác như đang đánh hơi được con mồi và kéo tới.
Đi được một quãng, tôi được chứng kiến 2 CĐV người Ba Lan, trong một bộ trang phục trắng toát đúng với phong cách của “Đại bàng trắng”, cũng phải cắn răng để mua một cặp vé có mệnh giá chỉ 25 euro/vé, nhưng phải mất tới 350 euro/vé để có thể được vào sân. Việc mua bán được thực hiện khá nhanh chóng bởi dù sao, đây cũng là một hành động phi pháp.
Liên lạc với một số người bạn của tôi ở các thành phố khác, mới biết hóa ra, ở EURO hay bất kỳ giải đấu lớn nào khác như World Cup, dù lực lượng chức năng đã ra sức ngăn chặn, nhưng thị trường vé “chợ đen” vẫn luôn rất sôi động và nhộn nhịp. Bất chấp việc FIFA lên tiếng cảnh báo về việc có thể bỏ tù những người cố tình “phe vé”, vì việc bán vé không qua kênh phân phối chính thức của UEFA là bất hợp pháp, thì những người này vẫn phớt lờ, vì với họ, khoản lãi hậu hĩnh kia có sức hút quá mãnh liệt.
Cung cần thì ắt có cầu đáp, chỉ cần gặp được đúng người và thuận mua vừa bán, mọi chuyện sẽ diễn ra suôn sẻ và nhanh chóng, trước khi cảnh sát kịp để ý. Cũng như ở Việt Nam, tại Pháp cũng có một số trang web hay fanpage trên mạng xã hội chuyên dùng cho việc mua bán, trao đổi vé. Chỉ cần một cái iPad hay Smartphone và ngã giá chuẩn, bạn sẽ có người mang vé đến tận nơi chỉ sau ít phút.
Trước khi trận đấu giữa Ba Lan và Bồ Đào Nha bắt đầu khoảng 2 tiếng, không khí mua bán đã bớt nhộn nhịp hẳn vì sự xuất hiện của các nhân viên an ninh dày đặc hơn. Những tay “phe vé” lúc này cũng đã trà trộn vào đám đông CĐV. Những kẻ bán được nhiều thì cười thầm vì trúng quả lớn.
Còn nếu có sót lại, cũng sẵn sàng thì thầm vào tai những CĐV chân chính, nhằm bán tống bán tháo trước khi trận đấu bắt đầu. Tôi thì chọn cho mình cách mua một ít đồ uống không cồn và tiến vào khu Fanzone để thưởng thức trận đấu. Ở đây cũng có rất đông những CĐV của hai đội. Với họ, thưởng thức bóng đá đích thực không có nghĩa là phải bỏ một khoản tiền lớn đến vô lý như vậy để vào sân, vì ở khu Fanzone, đôi khi còn vui và thú vị hơn rất nhiều.