VCCI đề nghị làm rõ tiêu chuẩn thành viên ban kiểm soát, kiểm toán viên nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị Ngân hàng Nhà nước làm rõ tiêu chuẩn đối với thành viên ban kiểm soát, kiểm toán viên nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước đang đề xuất sửa đổi nhiều quy định liên quan đến tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước đang đề xuất sửa đổi nhiều quy định liên quan đến tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

VCCI góp ý cho dự thảo này với 5 nội dung, trong đó đáng chú ý là tiêu chuẩn đối với thành viên ban kiểm soát, kiểm toán viên nội bộ của các tổ chức này.

VCCI cho biết, điểm a khoản 3 Điều 32 Dự thảo quy định: kiểm toán viên thực hiện kiểm toán công nghệ thông tin phải đáp ứng yêu cầu “có bằng đại học trở lên về ngành công nghệ thông tin hoặc chuyên ngành phù hợp hoặc có chứng chỉ công nghệ thông tin quốc tế được chấp nhận rộng rãi”.

“Chứng chỉ công nghệ thông tin quốc tế được chấp nhận rộng rãi” là khái niệm chưa rõ, có thể gây khó khăn trong quá trình thực hiện; như thế nào được xem là “chấp nhận rộng rãi”? VCCI đề nghị ban soạn thảo quy định theo hướng rõ ràng, cụ thể hơn.

Bên cạnh đó, theo VCCI, dự thảo bổ sung quy định giám sát của quản lý cấp cao vào hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Trong khi đó, tổ chức tín dụng phi ngân hàng có hoạt động đơn giản hơn ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (không nhận tiền gửi của cá nhân, không được cung ứng các phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán như ngân hàng thương mại), vì vậy nguy cơ rủi ro của tổ chức tài chính phi ngân hàng là thấp hơn các tổ chức tín dụng ngân hàng.

“Mức độ ảnh hưởng của hoạt động của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng đối với các lợi ích công cũng thấp hơn so với ngân hàng thương mại. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng thường có quy mô nhỏ, mô hình gọn nhẹ. Vì vậy, việc dự thảo thiết kế hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng, trong đó có giám sát của quản lý cấp cao tương tự như giám sát cấp cao của ngân hàng thương mại, dường như là quá mức cần thiết và tạo ra chi phí tuân thủ khá lớn cho các tổ chức này”- VCCI nêu ý kiến.

Mặt khác, Thông tư 30/2015/TT-NHNN đã quy định về việc Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng phi ngân hàng phải thành lập Ủy ban quản lý rủi ro và Ủy ban nhân sự, trong đó quy định khá rõ về thành phần, quy chế làm việc, chức năng, nhiệm vụ của hai Ủy ban này.

Hai Ủy ban có chức năng, nhiệm vụ giúp cho Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên kiểm soát các nguy cơ, rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Hoạt động này cũng có tính chất là giám sát của quản lý cấp cao.

Vì vậy, VCCI cũng kiến nghị ban soạn thảo bỏ “giám sát của quản lý cấp cao”.

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 4 Luật tổ chức tín dụng 2010: "Tổ chức tín dụng phi ngân hàng là Loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này, trừ các hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng bao gồm công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác."

Điều 24 Thông tư 30/2015/TT-NHNN cũng quy định cơ cấu tổ chức quản lý của tổ chức tín dụng phi ngân hàng như sau:

Tổ chức tín dụng phi ngân hàng phải có cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành, kiểm toán nội bộ, quản lý rủi ro, hệ thống kiểm soát nội bộ phù hợp với loại hình hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

Cơ cấu tổ chức quản lý của tổ chức tín dụng phi ngân hàng cổ phần gồm: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc).

Cơ cấu tổ chức quản lý của tổ chức tín dụng phi ngân hàng trách nhiệm hữu hạn bao gồm: Hội đồng thành viên, Ban Kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc).