Vành đai 4: Tuyến xương sống chính của mạng lưới giao thông Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khi Vành đai 4 được đầu tư, hoàn thành, đưa vào khai thác, tình trạng dồn ứ giao thông cục bộ tại một số chốt kiểm soát cửa ngõ Thủ đô sẽ được giải quyết. 

Đầu tư theo hình thức PPP là hợp lý

Dự án đường Vành đai 4 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2011. Theo phương án mới nhất UBND TP Hà Nội trình Chính phủ, Vành đai 4 có tổng chiều dài khoảng 112,8km (gồm 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long).

Dự án qua 3 tỉnh, thành gồm: Hà Nội (58,2km); Hưng Yên (19,3km); Bắc Ninh (25,6km và tuyến nối 9,7km). Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 19.590 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị: 49.291 tỷ đồng. Dự kiến dự án sẽ kết hợp cả nguồn vốn ngân sách và vốn xã hội hóa theo hình thức BOT. Bao gồm: ngân sách Trung ương 28.173 tỷ đồng; ngân sách địa phương 28.193 tỷ đồng; vốn BOT 29.447 tỷ đồng.

Điểm đầu, điểm cuối tuyến Vành đai 4- Vùng Thủ đô

Điểm đầu, điểm cuối tuyến Vành đai 4- Vùng Thủ đô

Dự án sẽ có hệ thống đường song hành không liên tục chạy dọc hai bên; giai đoạn đầu chưa đầu tư các cầu vượt sông Hồng và sông Đuống. Dự án sẽ GPMB theo quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh từ 90 - 135m, với 6 làn xe cao tốc có các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và dự trữ cho đường sắt vành đai.

Phân kỳ đầu tư ban đầu sẽ xây dựng đường cao tốc với quy mô 4 làn xe, mặt cắt ngang 17m, tốc độ thiết kế 80km/giờ. Dọc tuyến có 8 nút giao liên thông hoàn chỉnh.

Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ được chia thành 7 dự án thành phần, tách riêng phần GPMB và phần xây dựng đường song hành triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công. Riêng dự án thành phần 3: Hệ thống đường cao tốc toàn tuyến và tuyến nối 9,7km sẽ đầu tư theo phương thức PPP (đối tác công - tư).

Nhiều chuyên gia cho rằng, lựa chọn hình thức đầu tư PPP là hợp lý để san sẻ gánh nặng ngân sách eo hẹp. Nhất là với dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô có tổng mức đầu tư lớn, phân kỳ đầu tư và chia thành các dự án thành phần để thu hút nguồn lực xã hội là cần thiết.

Phối cảnh một đoạn dưới thấp Vành đai 4- Vùng Thủ đô

Phối cảnh một đoạn dưới thấp Vành đai 4- Vùng Thủ đô

Lối thoát chiến lược, huyết mạch phát triển kinh tế xã hội

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông khung của Vùng Thủ đô, với Hà Nội là hạt nhân trung tâm, được thiết kế với bộ khung chính gồm 7 tuyến cao tốc: Hà Nội - Lào Cai; Hòa Lạc - Hòa Bình; Hà Nội - Thái Nguyên; Hà Nội - Hải Phòng; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Đại Lộ Thăng Long; Nội Bài - Bắc Ninh. 7 tuyến cao tốc này tạo nên 4 hành lang kinh tế rất quan trọng khu vực phía Bắc là: Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh; Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội; Hà Nội -Thái Nguyên, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của Hà Nội nói riêng và Vùng Thủ đô cũng như khu vực Bắc bộ nói chung.

Điều đặc biệt, cả 7 tuyến huyết mạch chính này đều được kết nối xuyên suốt bởi Vành đai 4. “Vành đai 4 mới là tuyến xương sống chính của mạng lưới giao thông vùng Thủ đô. Trong bối cảnh chưa được đầu tư xây dựng, toàn bộ áp lực đổ dồn lên Vành đai 3 - tuyến đường vốn chỉ là vành đai thuộc đô thị trung tâm, bất đắc dĩ phải gánh vác thay vai trò đặc biệt này” – lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội chia sẻ.

Hiện nay, cả 7 tuyến cao tốc kết nối 4 hành lang kinh tế Bắc bộ đều lấy Thủ đô làm tâm, hướng vào Vành đai 3 Hà Nội. Nhu cầu vận tải liên tỉnh từ các tỉnh phía Nam đi phía Bắc, phía Tây và ngược lại, quá cảnh Hà Nội chủ yếu đều thông qua tuyến này. Thực tế đó đã dẫn đến tình trạng quá tải với mật độ lưu lượng giao thông cao gấp khoảng 2,5 lần so với thiết kế của Vành đai 3, tất yếu hình thành những điểm nghẽn trong chuỗi lưu thông của cả Vùng Thủ đô.

Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định: “Có thể khẳng định, khi Vành đai 4 được đầu tư, hoàn thành, đưa vào khai thác, tình trạng dồn ứ giao thông cục bộ tại một số chốt kiểm soát cửa ngõ Thủ đô, cũng như nhu cầu vận tải trên cả 4 hành lang kinh tế khu vực phía Bắc quá cảnh Hà Nội sẽ được giải quyết triệt để”.

Ví dụ như hàng hóa, hành khách từ Lào Cai đi Quảng Ninh, Hải Phòng hay Bắc Giang, Thái Nguyên; Nghệ An, Hà Tĩnh... sẽ không còn phải xuyên tâm qua Hà Nội.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội nhận định, Vành đai 4 chính là lối thoát chiến lược trong những tình huống khó khăn đột biến, đồng thời là huyết mạch quan trọng tăng cường giao thương kết nối của cả vùng Bắc bộ. Càng sớm đầu tư xây dựng, hiệu quả của Vành đai 4 đối với Hà Nội và vùng Thủ đô cũng như khu vực kinh tế trọng điểm Bắc bộ càng cao.

Đối với mạng lưới giao thông nội bộ, kết nối chùm đô thị của Hà Nội, sự xuất hiện của Vành đai 4 sẽ tạo nên sự thay đổi căn bản, mạnh mẽ, là tiền đề để phát triển đồng đều, nhanh chóng cả khu trung tâm lẫn các vệ tinh xung quanh.

Thạc sĩ Phan Trường Thành cho rằng, Vành đai 4 vừa là lối thoát chiến lược cho tình trạng ùn tắc giao thông của Hà Nội, vừa là huyết mạch chính để phát triển kinh tế - xã hội, lại có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với an ninh, quốc phòng của Thủ đô và cả khu vực. Bởi vậy, việc đầu tư xây dựng Vành đai 4 là vô cùng cấp thiết.

Đối với Vùng Thủ đô nói chung và Hà Nội nói riêng, việc đầu tư hoàn thành dự án đường Vành đai 4 là hết sức cần thiết và cấp bách, là động lực thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt kinh tế - xã hội, định hình chuỗi siêu đô thị của cả nước.