Vai trò của cử tri trẻ trong cuộc tổng tuyển cử ở Indonesia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ngày 14-2, Indonesia, quốc gia với dân số lớn thứ tư thế giới (hơn 275 triệu người) tổ chức bầu cử để tìm ra lãnh đạo mới. Với đa số trong hơn 200 triệu cử tri dưới 40 tuổi, các ứng cử viên đều hy vọng nhận được sự ủng hộ của cử tri trẻ để giành chiến thắng.

Cuộc bầu cử ở quốc gia có dân số trẻ

Indonesia tổ chức bầu cử Tổng thống 5 năm một lần. Vì Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo đã trải qua 2 nhiệm kỳ nên năm 2024 sẽ đánh dấu nước này sẽ thay nguyên thủ sau 10 năm.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Đệ nhất phu nhân đi bỏ phiếu ở Jakarta
Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Đệ nhất phu nhân đi bỏ phiếu ở Jakarta

Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lần gần nhất ở quốc gia Đông Nam Á này vào năm 2019 là 82% tổng số cử tri. Theo Ủy ban Tổng tuyển cử Indonesia, năm nay, cử tri dưới 40 tuổi chiếm khoảng 56% tổng số người đủ điều kiện bỏ phiếu.

Cả ba ứng cử viên Tổng thống trong cuộc bầu cử này đều trên 50 tuổi. Trong đó, ông Ganjar Pranowo, cựu Thống đốc Trung Java 55 tuổi, và ông Anies Baswedan, cựu Thống đốc Jakarta, 54 tuổi. Cả hai đều đã chọn ra những ứng cử viên Phó Tổng thống có độ tuổi xấp xỉ hoặc lớn hơn.

Chỉ có Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto, 72 tuổi, chọn ứng cử viên Phó Tổng thống dưới 40 tuổi là ông Gibran Rakabuming Raka, 36 tuổi, cũng là con trai của Tổng thống đương nhiệm Widodo. Hiện ông Subianto đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò với tổng cử tri cũng như với các cử tri trẻ.

Theo ông Abigail Limuria, đồng sáng lập Bijak Memilih, một phong trào độc lập do thanh niên lãnh đạo cung cấp thông tin về các đảng phái chính trị tới cử tri, mối quan tâm chính của giới trẻ Indonesia là chất lượng cuộc sống, tham nhũng, liêm chính thể chế và môi trường.

Ông Yoes Kenawas, nghiên cứu sinh Tiến sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Northwestern, Mỹ, đang nghiên cứu về bầu cử ở Indonesia, cho biết: “Hai vấn đề cấp bách nhất đối với thanh niên Indonesia là việc làm và giáo dục. Trên thực tế, các cử tri trẻ đang phải vật lộn để tìm việc làm phù hợp với nguyện vọng của mình”.

Trong cuộc bầu cử lần này, hơn 50% cử tri Indonesia có độ tuổi từ 17 đến 40 và khoảng hơn 30% là cử tri trẻ, dưới 30 tuổi.
Trong cuộc bầu cử lần này, hơn 50% cử tri Indonesia có độ tuổi từ 17 đến 40 và khoảng hơn 30% là cử tri trẻ, dưới 30 tuổi.

Cùng với đó, tầng lớp thanh niên đang đòi hỏi người lãnh đạo không chỉ có “nhân cách tốt” mà còn cả “trình độ năng lực nhất định” để giải quyết vấn đề ô nhiễm và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Qua khảo sát 1.200 cử tri trong độ tuổi 17-39 vào năm 2022, họ quan tâm hàng đầu tới các vấn đề kinh tế, triển vọng việc làm, đặc biệt là khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục, phúc lợi xã hội.

“Chiến trường” truyền thông xã hội

Theo Báo cáo Kỹ thuật số We Are Social 2023, gần 80% người dân ở Indonesia kết nối với Internet và những người từ 16 đến 64 tuổi dành trung bình hơn 3 giờ mỗi ngày trên mạng xã hội. Người Indonesia cũng dành nhiều thời gian cho điện thoại di động hơn bất kỳ nhóm nào khác trên thế giới.

Điều này đã biến TikTok và Instagram trở thành hai nền tảng xã hội phổ biến nhất dành cho người dùng. Để giành được sự chú ý của cử tri trẻ trên mạng xã hội, mỗi ứng cử viên lại có chiến thuật riêng.

Cụ thể, ông Anies Baswedan, 54 tuổi đã phát trực tiếp trên TikTok để tương tác với các cử tri tiềm năng. Ông thường tái khẳng định quan điểm của mình về một số vấn đề như khả năng tiếp cận bình đẳng với giáo dục và tín dụng cũng như tính toàn diện trong hoạch định chính sách.

Với ông Ganjar Pranowo, 55 tuổi, đây là ứng cử viên đứng đầu về số người theo dõi TikTok. Ông đặt riêng chuyên mục “Thế hệ Z” trên trang web chiến dịch chính thức của mình, trong đó liệt kê các chương trình tập trung vào giới trẻ bao gồm truy cập Internet miễn phí và bình đẳng hoặc tất cả sinh viên và các doanh nghiệp nhỏ tiềm năng để có thể tham gia vào thị trường trực tuyến.

Hơn 204 triệu cử tri Indonesia tham gia bỏ phiếu

Sáng 14-2, tất cả 820.161 điểm bỏ phiếu ở Indonesia đã đồng loạt mở cửa để tiếp nhận các lá phiếu của hơn 204,8 triệu cử tri đăng ký đi bầu cử.

Các cơ quan chức năng của Indonesia đã bố trí tổng cộng 823.236 điểm bỏ phiếu, trong đó, 3.075 điểm ở nước ngoài đã hoàn thành công tác này từ trước ngày 14-2.

Cuộc bỏ phiếu bắt đầu lúc 7 giờ sáng và kết thúc lúc 13h cùng ngày. Phiếu bầu sẽ được kiểm tại điểm bỏ phiếu ngay trong ngày. Các công sở và trường học được nghỉ 1 ngày cho sự kiện quan trọng này.

Các cử tri sẽ lựa chọn 20.614 vị trí gồm Tổng thống, Phó Tổng thống, 152 ghế DPD (hội đồng đại diện khu vực), 580 ghế DPR (cơ quan lập pháp cấp quốc gia); 2.327 ghế cho DPR I cấp tỉnh và 17.510 ghế DPR II (cấp quận, huyện) tại 38 tỉnh và 514 huyện, thành phố trên toàn quốc.

Còn Bộ trưởng Prabowo Subianto, 72 tuổi, dù không có tài khoản TikTok cá nhân chính thức nhưng ông là người thu hút được sự chú ý nhiều nhất từ công chúng trên mạng xã hội sau cuộc tranh luận cuối cùng vào ngày 4-2.

Ông Subianto là ứng cử viên Tổng thống đầu tiên theo đuổi hoạt động hỗ trợ giới trẻ với các chiến dịch quảng bá thông qua video và các kênh truyền thông xã hội theo phong cách hoạt hình như Pixar. Các video về chính ông và các ứng cử viên khác được “trẻ hóa” theo phong cách hoạt hình đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm từ giới trẻ.

Kết quả của cuộc bầu cử ngày 14-2 sẽ phần nào phản ánh về mức độ hiệu quả của các chiến dịch truyền thông xã hội trong việc giải quyết những điều cử tri trẻ, thế hệ tương lai của Indonesia thực sự quan tâm.