Uy tín thấp, đường sắt Trung Quốc khó với giấc mơ "siêu cường"

ANTD.VN - Việc cả hai “ông lớn” trong lĩnh vực xây dựng đường sắt ở Trung Quốc đều bị xử phạt vì khuất tất trong hoạt động cho thấy giấc mơ trở thành “siêu cường đường sắt” của Bắc Kinh không hề dễ dàng.

Uy tín thấp, đường sắt Trung Quốc khó với giấc mơ "siêu cường" ảnh 1Vụ tai nạn tàu cao tốc tại thành phố Ôn Châu đã giáng đòn mạnh vào uy tín của ngành đường sắt Trung Quốc

Theo mạng Caixin, Cục Đường sắt quốc gia Trung Quốc (NRA) đã xử phạt hai tập đoàn xây dựng đường sắt quốc doanh lớn nhất của nước này là Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc (CRRC) và Công ty TNHH Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CRG) vì hành vi ký kết các dự án thầu phụ một cách bất hợp pháp và sử dụng các loại vật liệu kém chất lượng. 

Đây là lần thứ hai trong năm 2017, NRA ban hành quyết định xử phạt đối với hai “ông lớn” này. Kết quả điều tra của NRA cho thấy một chi nhánh của CRRC và một chi nhánh của CRG ký kết các dự án thầu phụ một cách bất hợp pháp trong quá trình xây dựng các tuyến đường sắt ở thành phố Quảng Châu vào tháng 6-2017. NRA cũng phát hiện thấy một chi nhánh khác của CRRC đã sử dụng các loại vật liệu không đạt tiêu chuẩn khi xây dựng đường hầm ở thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc.

Trung Quốc ngày nay nổi tiếng với hệ thống đường sắt hiện đại, nhanh và dài nhất thế giới. Hệ thống đường sắt của Trung Quốc hoạt động thuộc loại “bận rộn” nhất thế giới, chiếm 24% hoạt động giao thông đường sắt toàn cầu trong khi chỉ chiếm 6% tổng chiều dài đường ray của thế giới. Không những thế Bắc Kinh còn đang nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu công nghệ đường sắt đến nhiều nước trên thế giới với chiến lược nổi tiếng “ngoại giao đường sắt”.

Thành quả này được xem là điều kì diệu với đất nước đông dân nhất thế giới. Mặc dù vậy, công nghệ đường sắt của Trung Quốc, nhất là đường sắt cao tốc, dường như có vấn đề. Gần đây, làn sóng phản ứng với các dự án có sử dụng vật liệu Trung Quốc diễn ra nhiều trên thế giới với lo ngại chất lượng không đảm bảo và chi phí không hề rẻ, thậm chí còn đắt và không hiệu quả. 

Nhiều thương vụ trị giá hàng trăm triệu, hàng tỷ USD trong lĩnh vực mà Trung Quốc đầy kỳ vọng này đã đổ bể do lỗi của các nhà thầu Trung Quốc. Chẳng hạn tháng 7-2016, Singapore đã quyết định chuyển trả Trung Quốc 26 đoàn tàu điện bị lỗi, trong số lô hàng 35 đoàn tàu với trị giá 600 triệu USD. Nguyên nhân được Singapore ban đầu xác định là do nguyên liệu để làm hợp kim đúc thân tàu không sạch. Nó gây ra vết nứt sau một thời gian ngắn sử dụng. Bên cạnh đó, một số tàu còn liên tục bị vỡ cửa sổ, nổ pin nguồn cấp điện…

Trước đó vào tháng 6-2015, chưa đầy 9 tháng sau khi công bố bản hợp đồng trị giá nhiều tỷ USD với Trung Quốc, Công ty XpressWest của Mỹ đã thông báo hủy bỏ thỏa thuận liên doanh xây dựng đường sắt cao tốc Las Vegas - Los Angeles với Công ty Đường sắt Trung Quốc (CRI) với lý do lo ngại về chất lượng tàu cao tốc do Trung Quốc sản xuất và những khó khăn liên quan đến thời hạn hoàn thành công trình...

Đúng là giá rẻ là một lợi thế lớn của Trung Quốc. Nhưng bí quyết công nghệ và đặc biệt là niềm tin trong làm ăn mới là điều quan trọng. Trên thực tế, độ bền, tuổi thọ đường ray Trung Quốc còn thấp, trong khi việc ồ ạt xây dựng đường tàu, nâng cấp toa tàu cũng chưa thể quyết định ưu thế của nhà thầu Trung Quốc trên thế giới. Việc cả hai “ông lớn” trong lĩnh vực xây dựng đường sắt ở Trung Quốc cùng bị phạt do chất lượng sản phẩm cũng như khuất tất trong làm ăn càng cho thấy rõ những điểm yếu chí tử của ngành đường sắt Trung Quốc.

Cho nên giấc mơ của Trung Quốc trở thành “siêu cường đường sắt” vẫn chỉ là giấc mơ. Tạo ra uy tín, hiệu quả, sự tin cậy với các nước khác cũng như làm thế nào để lại dấu ấn trên thế giới vẫn còn là con đường dài phía trước của ngành đường sắt Trung Quốc.