UOB: Lạm phát có thể khiến NHNN thận trọng trong thay đổi lãi suất chính sách

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo UOB, tỷ lệ lạm phát tăng nhanh gần đây có thể khiến Ngân hàng Nhà nước thận trọng hơn nữa trong bất kỳ thay đổi nào về lãi suất chính sách, thay vào đó sẽ chuyển trọng tâm sang các biện pháp phi lãi suất.

Áp lực lạm phát vẫn cao

GDP thực tế của Việt Nam tăng 5,66% so với cùng kỳ trong quý 1 năm 2024, tiếp theo mức tăng 6,72% so với cùng kỳ trong quý 4/2023 và vượt xa mức tăng 3,41% trong quý 1/2023. Đây là kết quả quý 1 tốt nhất từ năm 2020 đến năm 2023.

Các chuyên gia UOB đánh giá triển vọng cho năm 2024 vẫn tích cực mặc dù các rủi ro vẫn còn hiện hữu, bao gồm xung đột giữa Nga và Ukraine cũng như giữa Israel và Hamas có thể làm gián đoạn hoạt động thương mại và thị trường năng lượng/hàng hóa toàn cầu.

Tuy nhiên, sự phục hồi nhu cầu ngành bán dẫn, tăng trưởng ổn định ở Trung Quốc và khu vực cũng như việc các ngân hàng trung ương lớn có thể nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay sẽ hỗ trợ cho triển vọng này. Do đó, UOB giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam là 6,0% cho năm 2024 so với mục tiêu tăng trưởng từ Chính Phủ là 6,0-6,5%.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam trong quý đầu tiên tăng 3,77% so với cùng kỳ, từ mức 3,54% trong quý 4/2023, đánh dấu quý thứ tư liên tiếp lạm phát toàn phần tăng tốc.

Ngược lại, CPI lõi (không tính đến giá thực phẩm và năng lượng) đã chậm lại trong quý thứ tư liên tiếp, xuống 2,81% so với cùng kỳ trong quý 1 năm 2024 từ mức 3,19% trong quý 4 năm 2023.

Đáng chú ý, tỷ lệ lạm phát trong quý 1/2024 được thúc đẩy bởi mức tăng CPI chung trong tháng 2 và tháng 3, tăng gần 4% so với cùng kỳ trong hai tháng đó, so với tốc độ trung bình là 3,3% vào năm 2023.

Khả năng Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành là thấp

Khả năng Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành là thấp

Những nguyên nhân chính trong quý là chi phí nhà ở và vật liệu xây dựng tăng cao (5,4% so với cùng kỳ), giáo dục (9,0%) và chi phí y tế (6,5% so với cùng kỳ). Nếu giá năng lượng tiếp tục ở mức cao, điều đó có thể tạo thêm áp lực tăng giá chung.

Một yếu tố khác có thể tác động đến lạm phát là kế hoạch tăng lương tối thiểu 6% kể từ tháng 7/2024

Thêm công cụ để NHNN quản lý thanh khoản hệ thống

Về chính sách tiền tệ, UOB cho rằng, với tốc độ hoạt động kinh tế đang được cải thiện và triển vọng tăng trưởng tốt hơn vào năm 2024, khả năng cắt giảm lãi suất điều hành tiếp theo vẫn ở mức thấp nhưng không nên loại trừ hoàn toàn.

Tỷ lệ lạm phát tăng nhanh gần đây có thể khiến NHNN thận trọng hơn nữa trong bất kỳ thay đổi nào về lãi suất chính sách. Vì vậy, UOB cho rằng NHNN sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,50%.

Thay vì tiếp tục hạ lãi suất với các hạn chế trong tính toán mức chặn dưới, Chính phủ đã chuyển trọng tâm sang các biện pháp phi lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.

Tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng vốn khá mờ nhạt vào đầu năm nay, với tổng tăng trưởng tín dụng đạt 0,26% tính đến ngày 25/3, theo Tổng cục Thống kê, tụt lại so với tốc độ 1,99% cùng kỳ năm trước.

Nhu cầu tín dụng thấp là do nhiều nguyên nhân và có thể phải cần một thời gian để trở lại trạng thái bình thường. Một yếu tố là do số lượng doanh nghiệp thoái vốn trong năm 2023.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong nửa đầu năm 2023 (dữ liệu mới nhất có được), số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh lên tới 60.200, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, có thêm 31.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 8.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng lần lượt 28,9% và 2,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trung bình mỗi tháng trong nửa đầu năm 2023, có 16.700 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Đồng thời, sự suy thoái của thị trường bất động sản đã khiến số doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản sụt giảm 7,7%, trong khi số doanh nghiệp mới thành lập trong lĩnh vực này giảm 45% vào năm 2023.

Tuy nhiên, sẽ có thêm công cụ để NHNN triển khai quản lý thanh khoản của hệ thống. Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi gần đây, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, tạo khuôn khổ cho các khoản vay đặc biệt từ NHNN, bao gồm các khoản vay không lãi suất và các khoản vay không cần tài sản thế chấp, từ đó có thể hướng tới các mục tiêu chính sách cụ thể cho phép hỗ trợ các lĩnh vực quan trọng và để triển khai hoạt động thanh khoản khẩn cấp khi cần thiết, chẳng hạn như các trường hợp rút tiền hàng loạt tại ngân hàng.

Điều này phản ánh cam kết và các công cụ mạnh mẽ của Chính Phủ trong việc hỗ trợ các lĩnh vực quan trọng và ứng phó với các tình huống khẩn cấp.