Ukraine đòi lại Crimea: Tướng Ukraine khuyên từ bỏ hy vọng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc Ukraine giành lại Crimea từ tay Nga dưới thời của Tổng thống Vladimir Zelensky được các nhà phân tích và giới chính khách đánh giá là không khả thi.

Vừa qua, trong bài phát biểu đầu năm mới với người dân Ukraine, đương kim Tổng thống nước này là ông Vladimir Zelensky đã đề cập đến vấn đề giành lại Crimea. Ông cho rằng, Ukraine không thể đợi thế giới giải quyết các vấn đề của chính mình, mà Kiev đã đưa vấn đề đòi lại bán đảo từ tay Nga, trở lại chương trình nghị sự quốc tế.

Nhà lãnh đạo Kiev cũng gọi cuộc chiến tranh ở miền đông Ukraine là “nỗi đau của đất nước” và việc chấm dứt nó là mục tiêu chính trong năm tới.

Được biết, chính quyền của ông Vladimir Putin đã sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Liên bang sau kết quả của cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào tháng 3 năm 2014. Có 96,77% cư dân bán đảo và 95,6% cử tri của thành phố Sevastopol bỏ phiếu ủng hộ việc tách khỏi Ukraine và sáp nhập với Nga.

Việc Ukraine giành lại Crimea được đánh giá là khó xảy ra
Việc Ukraine giành lại Crimea được đánh giá là khó xảy ra

Cho đến nay, Kiev vẫn coi bán đảo này là lãnh thổ của mình bị Nga chiếm đóng trái phép, còn Moscow tuyên bố thủ tục trưng cầu dân ý được thực hiện theo đúng luật pháp quốc tế. Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần tuyên bố rằng vấn đề về chủ quyền của Crimea đã “khép lại vĩnh viễn”.

Vào ngày 4-1-2022 vừa qua, đại biểu Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đại diện khu vực Crimea là Mikhail Sheremet cho biết, trong trường hợp Kiev tấn công vào Crimea và Donbass thì quân đội Ukraine sẽ phải đối mặt với số phận hẩm hiu, còn tổng thống nước này sẽ phải đối mặt với tòa án quốc tế.

Không những thế, chính giới cựu tướng lĩnh Ukraine cũng đã lên tiếng khuyên Tổng thống Vladimir Zelensky nên thực tế và từ bỏ ý định đòi lại bán đảo Crimea từ tay Nga. Đây là ý kiến của ông Anatoly Gritsenko, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine dưới thời của 3 thủ tướng liên tiếp là Yulia Tymoshenko, Yuri Yekhanurov và Viktor Yanukovich.

“Đã đến lúc chúng ta phải thừa nhận rằng không thể đòi lại Crimea trong những thập niên tới. Ông Zelensky phải tự nhận thức rằng không thể đưa Crimea trở về trong nhiệm kỳ của mình và không nên tự lừa dối bản thân nữa" - cựu bộ trưởng phát biểu trên kênh truyền hình Ukraine 24.

Ông Gritsenko nhắc lại rằng, vào thời điểm ngay sau biến cố Maidan tháng 2/2014 trên Quảng trường Độc Lập ở thủ đô Kiev (lật đổ chính quyền hợp Hiến của ông Viktor Yanukovych), đã có gần 80% quân nhân nước này đóng ở Crimea đứng về phía người dân, ủng hộ bán đảo này tách ra khỏi Ukraine và tuyên thệ trung thành với nước Nga.

Vị cựu bộ trưởng còn nói thêm rằng, tình hình cuộc nội chiến ở miền đông đất nước cũng không khá gì hơn, khi ở Donbass đang ngự trị “tinh thần Nga”. Theo các cuộc thăm dò ý kiến thì có hơn 80% cư dân vùng này muốn sống ở Nga, chứ họ không muốn trở về với Ukraine.

Trước đây, có không ít quan chức hoặc chính khách nước ngoài cũng đã nêu quan điểm không mấy lạc quan về việc Ukraine đòi lại được Crimea và giành lại vùng Donbass.

Điển hình là vào cuối tháng 11/2021, ông Vytautas Landsbergis, cựu Chủ tịch Hội đồng Tối cao Litva, người đã lãnh đạo quốc gia Baltic vào thời điểm đất nước này tách ra khỏi Liên bang Xô viết, đã tuyên bố rằng, nếu một ngày nào đó nhà nước Nga tự tan rã như Liên Xô đã từng gặp phải trong quá khứ, thì Crimea mới trở lại với Ukraine được.

Trước đó, cũng đã có chính khách Ukraine khuyên cựu Tổng thống Petro Poroshenko rằng, cách duy nhất mà Kiev có thể làm là khiến đất nước giàu mạnh lên, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc; xã hội Dân chủ thực sự, quyền Tự do, Bình đẳng của nhân dân được tôn trọng.

Đến khi nền kinh tế-xã hội nước này phát triển lên một mức độ cao hơn, văn minh hơn, sánh ngang phương Tây; đời sống của nhân dân Ukraine sung túc, hạnh phúc hơn so với nhân dân Nga, tự khắc bán đảo Crimea và vùng Donbass sẽ bỏ Nga và lực lượng ly khai để trở về với “đất mẹ”.