Tuyển nữ Việt Nam: Tan giấc mơ đổi đời nhờ World Cup

ANTĐ - Mức lương ít ỏi chỉ đủ cho các nữ tuyển thủ có cuộc sống tằn tiện. Nếu muốn có khoản dành ra lo cho tương lai, họ chỉ biết trông chờ vào tiền thưởng sau những chiến tích tại đấu trường khu vực, châu lục.

Đa số các cầu thủ của ĐT nữ Việt Nam đều xuất thân từ nghèo khó. Số tuyển thủ thuộc biên chế những đội bóng khá giả như TP.HCM, Hà Nội Tràng An 1, Than Khoáng sản Việt Nam trong tốp hưởng lương cao nhất đội tuyển, song mỗi tháng cũng chỉ  6-7 triệu đồng. Trong khi cầu thủ các đội tỉnh lẻ lương vỏn vẹn 4 triệu đồng/tháng. 

“Đi đá bóng tưởng oai nhưng thu nhập của bọn em chỉ ngang một công nhân ở quê” – đó là câu cảm quen thuộc của nhiều nữ tuyển thủ khi chia sẻ về thu nhập nghề.

Nhọc nhằn mưu sinh

Thu nhập ít ỏi, nhiều nữ tuyển thủ buộc phải tìm tới những nghề tay trái để mong có thêm thu nhập nuôi sống bản thân và phần nào phụ giúp gia đình.

Sinh ra trong một gia đình gốc Khmer nghèo ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, nhiều năm qua, Chương Thị Kiều trở thành trụ cột gia đình. Với tố chất bẩm sinh, cô gái sinh 1995 mau chóng thăng tiến và được gọi vào ĐTQG năm 2011. Trớ trêu thay khi chỉ một năm sau đó, Kiều bị chấn thương đứt dây chằng chéo trước, vỡ sụn, buộc phải phẫu thuật và nghỉ thi đấu dài hạn sau ca phẫu thuật. 

Gác lại sự nghiệp dở dang, cô gái gốc Khmer phải vừa dưỡng thương, vừa tự bươn trải. Nào là làm móng tay, làm tóc, thêu tranh… Kiều đều từng thử sức để trụ lại giữa TPHCM chi tiêu đắt đỏ và tằn tiện để hàng tháng có tiền gửi về phụ giúp bố mẹ ở quê. “Gia đình em nghèo, có 3 anh chị em, 2 anh chị lớn đã lập gia đình. Ngoài mấy sào ruộng ra, bố mẹ chị vốn lớn tuổi không thể làm gì thêm. Em chỉ mong giúp đỡ được nhiều hơn cho gia đình, chứ bây giờ chưa có dự định gì lớn lao đâu”, Kiều tâm sự. 

Đa số các nữ tuyển thủ đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Họ phải tự bươn trải bằng nhiều nghề khác nhau bên cạnh khoảng thời gian chơi bóng

Ở một hoàn cảnh éo le khác, tuyển thủ Nguyễn Thị Hòa đang vật lộn với cuộc sống khó khăn khi mẹ cô phải cắt bỏ hai chân vì tai nạn, còn bố là thương binh 4/4, mất sức lao động, đang phải chiến đấu với chứng bệnh teo cơ chân do di chứng. Tranh thủ những khi không tập trung đá bóng, Hòa lại phụ giúp gia đình trông xe, bán than kiếm thêm thu nhập.

Nhiều đồng đội của Kiều và Hòa cũng phải tự kiếm cho mình một nghề tay trái, chăm chỉ lao động mong có chút vốn liếng và cái nghề trong tay để “nhỡ sau này giải nghệ, không theo được nghiệp bóng đá thì còn cái mà mưu sinh” – lời tuyển thủ Nguyễn Thị Nga. Bản thân Nga từng giải nghệ năm 2009 vì chấn thương và sinh con, nhưng sau đó 2 năm cô lại ra sân trở lại. Với Nga và nhiều đồng đội khác, chơi bóng ngoài niềm đam mê còn là nguồn thu nhập nuôi sống bản thân vào phụ giúp gia đình.

Tan mộng đổi đời

Bao năm qua, những khoản thưởng tiền tỷ thường thấy ở đội tuyển nam luôn xa vời với các nữ tuyển thủ. Họ đã quen với mức thưởng tượng trưng.

Thế nhưng tấm vé World Cup có thể sẽ khác. Bởi với chiến công lịch sử này, họ sẽ trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông, dư luận và cả những doanh nghiệp mong muốn được song hành cùng đội bóng đại diện Việt Nam dự giải đấu lớn nhất thế giới.

“Với cầu thủ nữ như chúng tôi, phải tằn tiện lắm mới đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Chỉ trông vào những khoản thưởng may ra mới có chút ít để dành ra”, tuyển thủ kỳ cựu Nguyễn Thị Minh Nguyệt chia sẻ.

Nước mắt tiếc nuối của Nguyễn Thị Muôn (13), Chương Thị Kiều (3) và Lê Thị Thương (16)

Dù không nói ra, nhưng tất cả các nữ tuyển thủ đều hy vọng World Cup sẽ mang đến cơ hội đổi đời. Đáng tiếc, trận thua 1-2 trước Thái Lan tối qua (21-5) đã nhấn chìm tất cả mọi giấc mơ.

Những giọt nước mắt đã lăn trên gò má các nữ tuyển thủ sau tiếng còi kết thúc trận đấu. 20.000 khán giả trên sân Thống Nhất buồn chết lặng. Và hàng chục triệu người hâm mộ cả nước cũng tiếc nuối cho các cô gái vàng.

Mất World Cup, nhưng không mất sự lạc quan

Không có thu nhập cao ngất như các đồng nghiệp nam và phải tự bươn trải để mưu sinh nên các nữ tuyển thủ đều rất quý trọng đồng tiền mình làm ra. Hầu hết đều chi tiêu tiết kiệm để lo cho gia đình và tương lai. Còn nhớ tháng 5-2013, sau chiến tích toàn thắng vòng loại, đoạt vé dự VCK châu Á 2014, toàn đội lặng lẽ trở về trong sự “hờ hững” của VFF. 

Cánh phóng viên không khỏi chạnh lòng xúc động khi chứng kiến cảnh các cô gái tụm lại quanh quán nước vỉa hè trước cổng liên đoàn, uống cốc nước mía hay ly trà đá, cắn hạt hướng dương… ăn mừng chiến thắng châu lục, rồi ngay sau đó khệ nệ hành lý tự bắt xe về quê sau đợt tập trung.

“Chúng em quen rồi. Uống trà đá ăn mừng thì có sao đâu anh. Miễn là mọi người thấy mãn nguyện vì công sức của mình, của toàn đội đã gặt hái được thành tích như ý. Năm sau được dự giải đấu cao nhất châu lục. Thế là vui rồi” – một nữ tuyển thủ lạc quan chia sẻ với phóng viên. 

Với tinh thần lạc quan như vậy, suốt bao năm nay, những “cô gái Vàng” cứ âm thầm hy sinh để lập chiến công giúp bóng đá Việt Nam nhiều dịp nở mặt với các nước láng giềng.

Tin chắc rằng, với sự lạc quan và tinh thần kiên cường chảy trong huyết quản, các cô gái sẽ mau chóng đứng dậy sau thất bại, tiếp tục cống hiến, mang vinh quang về cho Tổ quốc.