Tự trọng là một tiêu chí

ANTĐ - Vài ngày trước hạn chốt danh sách ứng viên chủ chốt khóa VII vào hôm nay 10-4, “rượu tự trọng” một lần nữa lại được gửi đến VFF. Thật trùng hợp, ngay sau khi “rượu tự trọng” phát đi đã có ít nhất một ứng viên xin rút ứng cử Tổng thư ký lẫn Phó chủ tịch chuyên môn. 

Tự trọng là một tiêu chí ảnh 1
Những gương mặt cũ sẽ lại được VFF tin tưởng giao nhiệm vụ?

Đó là ông Dương Nghiệp Khôi, đương kim Phó Tổng thư ký VFF được cho là ứng viên sáng giá cho vị trí Tổng thư ký và Phó chủ tịch chuyên môn khóa tới. Ông Khôi lý giải việc rút lui của mình là vì “Ban chấp hành VFF đang rất cần có thêm những người trẻ tuổi, đầy nhiệt huyết, năng động để có thể đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển bóng đá Việt Nam”. Thế nhưng, rất ít người tin vào nguyên do tưởng chừng “rất chính đáng” này. Thật trùng hợp khi quyết định xin rút của ông Khôi chỉ được đưa ra vài ngày, sau khi Phó chủ tịch Hội CĐV Việt Nam Trần Song Hải gửi tâm thư tới báo chí, khẩn thiết mong “Những ai có lòng tự trọng chắc chắn sẽ hành động có trách nhiệm khi ngồi vào các vị trí quan trọng”. Trong tâm thư, ông Hải cho rằng VFF khóa mới phải là tập hợp của những con người dám chịu trách nhiệm và có lòng tự trọng. Hai trường hợp được ông Hải nêu đích danh trong bài viết, như điển hình cho sự cũ kỹ, kém hiệu quả trong bộ máy VFF. 

Một là cựu Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn. Sau thất bại ở SEA Games 2011, ông Tuấn là người tiếp theo tuyên bố từ nhiệm. Theo ông Hải, sự ra đi này chẳng phải vì lòng tự trọng của một vị trưởng đoàn khi ấy, mà chỉ để tạm thời xoa dịu dư luận. Và sau thời gian “nghỉ xả hơi” ở Tổng cục TDTT, giờ đây ông Tuấn lại xuất hiện trong danh sách ứng viên cho vị trí Tổng thư ký VFF khóa VII và dân làng bóng cho biết ông Tuấn sẽ “không có đối thủ”. Người thứ 2 được nhắc đến là ông Dương Nghiệp Khôi, người đã hai lần bị buộc phải rời vị trí Trưởng BTC V-League và hạng Nhất. Một lần vào năm 2008 khi xảy ra vụ loạn đả gây chết người ở sân Vinh, cộng với một mùa giải nhiều vấn đề, vậy nhưng khi tổng kết thì vẫn “thành công tốt đẹp”. Lần còn lại là năm 2011, sau những phát biểu nảy lửa của hai ông Nguyễn Đức Kiên và Lê Hùng Dũng tại hội nghị tổng kết. “Xin các ứng cử viên cũ kỹ, đã nhiều lần sai lầm... hãy tìm việc ở những nơi khác phù hợp hơn với chuyên môn của các ông”, Phó chủ tịch Hội CĐV Việt Nam Trần Song Hải kết tâm thư. 

Chia sẻ với phóng viên Báo ANTĐ, ông Hải nói: “Mình chẳng phải thù ghét anh Khôi hay anh Tuấn. Đơn giản, VFF khóa mới cần những gương mặt mới, dám nghĩ dám làm và có lòng tự trọng, mới mong vực dậy được nền bóng đá vốn đang khủng hoảng. Với tình yêu chân chính, chúng tôi - những CĐV Việt Nam, không thể ngồi yên”. Theo ông Hải, tự trọng cần được xem như tiêu chí để bầu lãnh đạo VFF - những người chèo lái “con thuyền” bóng đá Việt Nam. Hơn ai hết, người cầm phiếu bầu và đặc biệt bản thân người được bầu phải ý thức được điều này, có vậy mới mong đột phá. Thực tế, trong danh sách đề cử 44 ứng viên Ban chấp hành (sẽ chốt lại còn 23), ngoài một số ứng viên mới được điền vào cho “đẹp” và gần như chắc chắn sẽ xin rút, số còn lại đều là gương mặt cũ. Bản thân “người cũ” Dương Nghiệp Khôi khi xin rút, cũng bỏ ngỏ khả năng sẽ quay lại trong tương lai, với cương vị một người xây dựng đề án phát triển bóng đá trẻ. Chưa kể, có thông tin cho rằng, ông Khôi xin nghỉ vì được cơ cấu làm Phó TGĐ VPF, giúp việc cho TGĐ Phạm Ngọc Viễn trong việc tổ chức giải đấu, trong bối cảnh các ông “bầu” sẽ dần rút lui khỏi công ty theo cam kết trước đó.