Từ tin giả đến “Cuộc chiến thông tin” trong xung đột Nga - Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Xung đột Nga - Ukraine không chỉ nóng bỏng trên chiến trường mà còn xung quanh những thông tin giả đang xuất hiện ngày càng nhiều. Không những thế, mặt trận thông tin đang được đôi bên đẩy lên như một cuộc chiến thực sự.

Nhiều thông tin không đúng sự thật trên mạng xã hội

Mới đây, Tòa án quận Tagansky ở Mátxcơva (Nga) đã phạt hãng công nghệ Google 11 triệu ruble (137.763 USD) vì không xóa những nội dung mà Mátxcơva cho là thông tin giả về cuộc xung đột ở Ukraine và những video trên YouTube do các nhóm cực hữu của Ukraine đăng tải. Trước đó, hồi đầu tháng, Cơ quan giám sát truyền thông Roskomnadzor của Nga cho biết đang triển khai các bước để trừng phạt Google vì “phát tán tin giả” trên nền tảng chia sẻ video YouTube. Nga cũng đã yêu cầu Google ngừng phát tán những thông tin mà Mátxcơva cho là đe dọa công dân Nga trên YouTube.

Hình ảnh và video về “Bóng ma Kiev” thực chất là thông tin giả

Hình ảnh và video về “Bóng ma Kiev” thực chất là thông tin giả

Liên quan đến cuộc xung đột, Nga đã chặn dịch vụ tổng hợp tin tức của Google vào tháng 3 khi cho rằng hãng công nghệ này cho phép người dùng truy cập những thông tin giả mạo về “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine. Đầu tháng 3-2022, Nga cũng đã thông qua một đạo luật cho phép áp dụng khung hình phạt lên đến 15 năm tù giam đối với các đối tượng phát tán thông tin sai lệch về quân đội Nga.

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, trên mạng xã hội luôn ngập tràn thông tin, hình ảnh và video mô tả về chiến sự. Tuy nhiên, không ít trong số chúng sau đó được xác định là giả mạo hoặc được đăng tải không đúng hoàn cảnh. Còn nhớ, vài giờ sau khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt”, trên Twitter và Facebook tràn ngập những mẩu tin và các đoạn video về một nhân vật ẩn danh có tên “Bóng ma Kiev” - người được mô tả là một phi công bí ẩn đã bắn rơi 5 chiến đấu cơ và 1 trực thăng Nga. Tuy nhiên, giới chuyên gia sau đó phát hiện ra đoạn video thực chất là một cảnh quay được dựng lên bởi phần mềm máy tính từ trò chơi Digital Combat Simulator World, phát hành năm 2013. Đại diện người phát hành trò chơi đã xác nhận điều này.

Trong một vụ việc khác, các hình ảnh và video được cho là ghi lại một nhóm máy bay quân sự Nga bay theo đội hình trên bầu trời Kiev được chia sẻ chóng mặt. Thế nhưng, các chuyên gia phát hiện đoạn clip này thực chất được ghi lại ở Mátxcơva từ năm 2020. Một đoạn clip khác được chia sẻ rộng rãi trên Twitter và YouTube được cho là một máy bay phản lực Nga bị bắn rơi trên bầu trời Ukraine. Tuy nhiên, khi các phóng viên BBC xem đoạn phim này, họ cho biết đó là máy bay của chính phủ Libya bị phiến quân bắn rơi ở Benghazi vào năm 2011. Giọng nói trong video đó có thể nhận ra là ăn mừng bằng tiếng Ả Rập.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng thường xuyên xuất hiện trong nội dung các tin giả. Gần đây, nhiều tài khoản mạng xã hội đăng tải hình ảnh ông xuất hiện cạnh các binh sĩ rồi mô tả chúng chỉ vừa được ghi lại từ khi chiến dịch của Nga bắt đầu. Trên thực tế, chúng đã được ghi khi ông tới các đơn vị quân đội từ năm ngoái.

Cuộc chiến nhằm đạt lợi thế về thông tin

Xung đột quân sự thường xảy ra song song với cuộc chiến thông tin. Cuộc chiến này xảy ra cả ở những vùng không có chiến sự và thậm chí còn nghiêm trọng hơn những gì thực sự diễn ra trên chiến trường. Liên quan đến xung đội giữa Nga và Ukraine, mọi việc cũng diễn ra như vậy. Không những thế, xung đột Nga - Ukraine còn có đặc điểm là không giống bất kỳ thứ gì khác bởi kết nối Internet không bị ngắt, đa số người dân đều có smartphone và vẫn có thể truy cập vào các nền tảng mạng xã hội.

Chính vì thế, cả Nga và Ukraine đều tìm cách đưa tin trước, nhanh hơn đối phương về những gì đang diễn ra theo hướng có lợi cho mình. Vì đối tượng tiếp nhận thông tin không chỉ là khán giả trong nước mà là khán giả toàn cầu nên cuộc đua thông tin này đã trở thành cuộc chiến thông tin giữa 2 bên. Đây là một hoạt động được tiến hành nhằm đạt được lợi thế về thông tin so với đối thủ, bao gồm việc kiểm soát không gian thông tin, đồng thời phá hủy hệ thống thông tin và làm gián đoạn luồng thông tin của đối thủ.

Cho đến nay, đa số các hình ảnh về bom đạn, chiến tranh thường là do quân đội Ukraine đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Telegram, Twitter hay Facebook. Khi thành phố cảng Mariupol ở miền Nam Ukraine liên tục phải hứng chịu những trận pháo kích dữ dội của quân đội Nga, hình ảnh một người phụ nữ quấn chăn, bị xây xát vài chỗ, đứng bơ vơ một mình với ánh nhìn lạc lõng bên cạnh đống đổ nát của bệnh viện trở thành biểu tượng của tội ác chiến tranh, được chia sẻ trên khắp các mạng xã hội trên toàn thế giới.

Thế nhưng, không lâu sau đó, Đại sứ quán Nga tại Anh đã tố cáo trên Twitter việc người phụ nữ đó là diễn viên của quân đội Ukraine và vụ pháo kích chỉ là dàn cảnh. Bài đăng hiện đã bị gỡ bỏ do vi phạm quy định của Twitter. Thêm vào đó, một video miêu tả 2 diễn viên đang hóa trang bằng máu giả để chuẩn bị quay cảnh chiến tranh ngay lập tức được phát hiện là có liên đới với sự kiện trên. Họ được cho là những diễn viên được thuê để đóng vai nạn nhân trong các vụ đánh bom.

Hay như một video mà phía Ukraine đăng tải về đoạn hội thoại cuối cùng của binh sĩ Ukraine với Nga tại đảo Snake Island trên Biển Đen được loan truyền trên mạng xã hội, thể hiện sự kháng cự không chịu đầu hàng dù phải hy sinh của họ. Sau khi báo chí ca ngợi những người lính bảo vệ đảo và tôn vinh họ là những anh hùng thì không lâu sau, số binh sĩ trên được biết vẫn còn sống và được Nga trao trả. Phía Ukraine lại chuyển sang thông tin tỏ ra vui mừng vì biết những người lính này còn sống.

Các Big Tech như Google hay Meta, vốn bị cáo buộc do sử dụng thuật toán để làm “lu mờ” các cuộc thảo luận chính trị thì trong xung đột Nga - Ukraine, dường như đã chọn phe cho riêng mình và đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến thông tin. Về phía Twitter, mặc dù nền tảng này có đội ngũ kiểm duyệt, giám sát, gỡ bỏ các thông tin sai lệch, họ vẫn làm ngơ trước một số nội dung. Chẳng hạn như video về “bóng ma Kiev” bị gắn nhãn “nội dung không phù hợp” nếu đăng từ một tài khoản cá nhân, nhưng lại không có vấn đề gì trên tài khoản của chính quyền Ukraine.

Cho đến nay, diễn biến cuộc chiến giữa Kiev và Matxcơva vẫn phức tạp và chưa có dấu hiệu hòa dịu. Nạn nhân trực tiếp là những người Ukraine phải sống trong cảnh bom đạn, loạn lạc, rời bỏ nhà cửa. Sau đó là cuộc khủng hoảng di dân chưa từng có kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, tạo ra thách thức lớn về vấn đề tị nạn với châu Âu. Trong bối cảnh đó, cuộc chiến thông tin như vậy chỉ làm gia tăng căng thẳng, kích động hận thù. Trong khi điều cần nhất là hiện nay là thông tin về nỗ lực tìm giải pháp cho cuộc xung đột, kêu gọi bảo vệ, trợ giúp dân thường, gia tăng các hoạt động nhân đạo.