Tư lệnh ngành giao thông và các địa phương gỡ khó vận chuyển hàng hóa vùng dịch phía Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, trên địa bàn thành phố đã dừng cơ bản các hoạt động giao thông. Đến ngày 9/7 sẽ dừng xe hợp đồng, taxi, xe ôm. Đường thủy chỉ duy trì bến phà Cần Giờ để phục vụ vận chuyển công nhân và hàng hóa.

TP.HCM cơ bản dừng mọi hoạt động giao thông

Chiều muộn 7/7, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển hàng hóa và hành khách ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, trên địa bàn thành phố đã dừng cơ bản các hoạt động giao thông. Đến ngày 9/7 sẽ dừng xe hợp đồng, taxi, xe ôm. Đường thủy chỉ duy trì bến phà Cần Giờ để phục vụ vận chuyển công nhân và hàng hóa.

Theo ông Lâm, TP sẽ ưu tiên vận chuyển hàng hóa lưu thông giữa các tỉnh Đông Nam bộ, nhất là vận chuyển hàng hóa thiết yếu của vùng, xe ra vào cảng Cát Lái và xe vận chuyển hàng hóa trong vùng. Sở GTVT thành phố đã xây dựng phương án và thống nhất với 6 Sở GTVT theo hướng tạo luồng xanh, phương tiện sẽ được cấp nhận diện bằng mã QR code để xe qua chốt không bị ùn tắc.

TP.HCM quy định 5 lộ trình cho phương tiện chở hàng hóa qua địa bàn TP

TP.HCM quy định 5 lộ trình cho phương tiện chở hàng hóa qua địa bàn TP

Từ hôm nay, sẽ chuyển các mã này về cho các doanh nghiệp dán lên xe. Hàng hóa quá cảnh qua thành phố. Sở GTVT TP.HCM đã quy định có có 5 lộ trình đi qua thành phố, đồng thời cấp mã nhận diện cho các phương tiện đi qua.

Tuy vậy, liên quan việc xét nghiệm y tế cho lái xe, ông Lâm cho rằng, đây là vấn đề khó khăn đối với ngành vận tải, vì vậy chỉ nên kiểm soát hiệu lực của giấy xét nghiệm trong vòng 7 ngày thay vì 3 ngày hiện nay gây tốn kém cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, đại diện tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh luôn ưu tiên, tạo điều kiện cho phương tiện lưu thông thông suốt, các chốt tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phương tiện lưu thông. Đồng Nai đã triển khai quy hoạch 4 tuyến vận chuyển hàng hóa qua Đồng Nai chủ yếu là quốc lộ và đường cao tốc.

Các địa phương vẫn còn bất nhất về thời gian hiệu lực của giấy xét nghiệm Covid-19

Các địa phương vẫn còn bất nhất về thời gian hiệu lực của giấy xét nghiệm Covid-19

Cũng theo đại diện tỉnh Đồng Nai, hiện tỉnh đã lập 22 chốt kiểm soát dịch, tuy nhiên vấn đề khó khăn nhất là thời gian hiệu lực giấy xét nghiệm. Đồng Nai quy định 7 ngày, nhưng các tỉnh khác lại có hiệu lực 5 ngày và 3 ngày. Vì vậy, cần thống nhất lại thời gian hiệu lực đối với giấy xét nghiệm.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, đã có văn bản gửi UBND TP.HCM, các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nam Bộ, các tỉnh giáp ranh với TP.HCM đề nghị công khai các chốt kiểm soát, trình tự, nội dung quy trình, số điện thoại của chốt để doanh nghiệp chuẩn bị trước các nội dung kiểm soát dịch.

Bên cạnh đó, bố trí luồng riêng hoặc tăng thêm cửa kiểm tra đối với phương tiện và người lái xe được lưu thông nhanh nhất do đã thực hiện khai báo y tế trước và bố trí vị trí tại các điểm xét nghiệm nhanh tại các chốt kiểm soát cho lái xe.

Cấp mã QR cho phương tiện nhưng thủ tục phải nhanh

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, tình hình dịch bệnh tại TP. HCM đang diễn biến phức tạp. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ GTVT và TP.HCM có phương án đảm bảo giao thông, hàng hóa thông suốt liên tục, đáp ứng nhu cầu hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT có các đơn vị trực thuộc của các chuyên ngành như: Đường bộ, Đường thủy nội địa, Đường sắt, Hàng không. Các địa phương có thể triệu tập ngay lực lượng của các đơn vị này vào công tác phòng chống dịch.

Đối với vận chuyển chuyên gia, công nhân giữa các địa phương, ông Thể yêu cầu cần có giải pháp vận chuyển đảm bảo an toàn. Các doanh nghiệp, xí nghiệp có nhu cầu phải đăng ký xe đưa đón chuyên gia, công nhân để cấp phù hiệu, mã QR code. Cần chú ý các giải pháp đảm bảo an toàn như chỉ cho phép chở 50% số ghế và ưu tiên xe có camera để giám sát hoạt động phòng chống dịch trong xe.

Đồng thời, cần phải có giải pháp quản lý nhanh nhưng không được cản trở, cần đơn giản hóa việc cấp logo, cấp mã QR code cho phương tiện bằng việc ứng dụng công nghệ, đảm bảo thủ tục cấp nhanh nhất có thể.

Đặc biệt, các địa phương cần thống nhất cách quản lý luồng xanh này, xe đi qua trạm kiểm soát phải được nhận diện nhanh, tránh dừng xe kiểm tra, dễ xảy ra ùn tắc.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng yêu cầu các địa phương cần phối hợp giải quyết vướng mắc trong vận chuyển hàng hóa. Bộ trưởng gợi ý, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các địa phương có thể thành lập group trên các ứng dụng Viber, Zalo để trao đổi thông tin vướng mắc, nhất là về thủ tục hành chính để xử lý kịp thời tránh ùn tắc. Những chỉ đạo mới của Chính phủ, những quy định mới phải được cập nhật ngay vào group để phối hợp giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc.

Ngoài ra, các địa phương cũng nên khuyến cáo người dân hạn chế đi lại, nhất là đối với di chuyển bằng phương tiện cá nhân.