TS Trần Toàn Thắng: “Giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ giúp giảm giá xăng”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu tối đa đang ở mức 4.000 đồng/lít là quá cao. Nếu suất thuế này được giảm, giá xăng dầu có cơ hội “hạ nhiệt”.
Giá xăng dầu tăng gây áp lực lên lạm phát năm 2022

Giá xăng dầu tăng gây áp lực lên lạm phát năm 2022

Ngày 5-11, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia (NCIF, Bộ KH-ĐT), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) phối hợp tổ chức diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề “ Tài chính cho phục hồi và phát triển bền vững”.

TS. Trần Toàn Thắng- NCIF cho biết, giá dầu và giá kim loại tăng phi mã trong thời gian qua sẽ là một trong những rủi ro đối với nền kinh tế Việt Nam. Theo dự báo của NCIF, giá xăng dầu, giá kim loại và giá lương thực thực phẩm trên thị trường thế giới chưa thể giảm nhanh được, thậm chí giá thế giới có thể tạo một mặt bằng giá mới cao hơn sau đại dịch Covid-19. Do đó, Việt Nam lo ngại về nhập khẩu lạm phát là có thật.

“Việt Nam cần đánh giá đúng nguy cơ lạm phát để có biện pháp bình ổn. Lạm phát gần đây thấp chủ yếu do cầu tiêu dùng thấp”- ông Trần Toàn Thắng cho hay.

Theo đại diện của NCIF, hiện nay đang có thảo luận về việc có nên dừng thu thuế môi trường trong xăng dầu hay không vì chi phí này đang chiếm khoảng 3.800 đồng trong 1 lít xăng, là mức tương đối cao so với mức giá xăng hơn 24.000 đồng/lít hiện nay. Nếu giảm được thuế này sẽ góp phần giảm giá xăng, giúp kiểm soát hoặc ít nhất là ổn định được lạm phát trước áp lực lạm phát tăng do tăng chi phí từ bên ngoài.

Dự báo, lạm phát năm 2021 sẽ dao động từ 2 – 2,5% và năm 2022 có thể lên tới 4%.

Báo cáo tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng 2022 của NCIF được hoàn thiện vào tháng 10-2021, là thời điểm Việt Nam vẫn đang chống chọi với đợt dịch Covid-19 lần thứ tư. Đợt dịch lần này đã bộc lộ rất nhiều vấn đề trong phân cấp, quản lý điều hành cũng như sức chống chịu của doanh nghiệp và người dân trong đại dịch.

Nhóm nghiên cứu của Bộ KH&ĐT dự báo, kinh tế quý IV-2021 khó có khả năng phục hồi nhanh và vì vậy, tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam trong điều kiện tốt nhất sẽ vào khoảng gần 2%, khả dĩ hơn là khoảng từ 1,5-2%.

Trong trường hợp phục hồi chậm và nhiều tình huống xấu do kiểm soát dịch bệnh, kinh tế 2021 có thể tăng trưởng ở mức khoảng 0,8%. Sang năm 2022, tùy vào bối cảnh thuận lợi cả trong và ngoài nước, tăng trưởng GDP được dự báo trong khoảng 5,8% và 6,7% trong kịch bản cao.

Theo TS. Trần Toàn Thắng, quý IV-2021 cũng như đầu năm 2022 rất cần biện pháp cấp bách, nhất là các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, để đảm bảo khơi thông được những tắc nghẽn trong nền kinh tế.