TS Cấn Văn Lực: Bốn thách thức lúc này của thị trường chứng khoán và lời khuyên đầu tư dài hạn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho rằng so sánh về lợi nhuận thì chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, nhưng nhà đầu tư cần nhìn nhận bối cảnh vĩ mô để có cái nhìn dài hạn hơn.

Theo TS Cấn Văn Lực, trong 6 tháng đầu năm nay, số F0 tham gia thị trường chứng khoán rất tích cực, lượng tài khoản chứng khoán đạt 6,16 triệu tài khoản, vượt mục tiêu 5,5 triệu tài khoản đã đề ra trong kế hoạch phát triển thị trường chứng khoán tới năm 2025.

Mặc dù F0 nhiều nhưng thanh khoản năm nay lại thấp, bình quân trên dưới 10.000 tỷ đồng, thậm chí bình quân 1 tuần qua chỉ là 9.800 tỷ đồng, bằng 1/3 thời kỳ cao điểm là 27.000 tỷ đồng.

Lượng tài khoản F0, theo thống kê chỉ có 1/3 tham gia “cuộc chơi”, 70% còn lại án binh bất động. Số F0 mới vẫn tiếp tục mở mới tài khoản, lượng tài khoản tăng nhanh nhưng không phải là điều quá phấn khởi. “Tài khoản phải hoạt động mới đáng kể chứ “rác” thì không ăn thua” – vị chuyên gia đánh giá.

Thời gian qua, thị trường chứng khoán đã điều chỉnh rất mạnh, HoSE mất 20%, HNX mất 40%. Nguyên nhân, theo TS Cấn Văn Lực, nằm trong 4 chữ Đ. Cụ thể: (1) Điều chỉnh - do ảnh hưởng từ diễn biến tiêu cực chung của thị trường thế giới; (2) Đầu cơ - tâm lý đầu cơ trong 2 năm thị trường tăng nóng; (3) Đòn bẩy – tỷ lệ sử dụng đòn bẩy cao của nhà đầu tư; và (4) Đám đông – tâm lý đám đông, do thị trường chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân.

TS Cấn Văn Lực

TS Cấn Văn Lực

Trong khi đó, những ngành nghề phục hồi chậm, tác động của Covid có độ trễ và ngấm hơn như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, nhà đầu tư đánh giá không tích cực. Trong đó, khối ngân hàng đóng góp 24% giá trị vốn hoá, khối bất động sản đóng góp 17% giá trị vốn hoá. Riêng 2 ngành này đã đóng góp rất lớn, lên đến 40%.

Về cơ hội đối với thị trường chứng khoán thời gian tới, theo TS Cấn Văn Lực, việc kinh tế phục hồi thì chứng khoán sẽ tốt lên. Theo đó, tình hình kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 rất tích cực. Các chỉ số cân đối lớn (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) cơ bản về trạng thái trước dịch Covid-19. Các dự báo gần đây cho rằng tăng trưởng kinh tế năm 2022 ở mức 6-7% là khả thi.

Đặc biệt là việc chu kỳ thanh toán T+2 được triển khai, giúp giao dịch được thực hiện nhanh hơn, cùng với việc doanh nghiệp niêm yết phục hồi khá, tăng 20-24% là cơ hội đối với thị trường chứng khoán.

Về thách thức đối với thị trường, ngoài 4 chữ Đ nêu trên, thì các chính sách gần đây của nhà nước đã chặt chẽ hơn với thị trường chứng khoán, đặc biệt là đối với việc đầu tư chứng khoán của các tổ chức tín dụng sẽ là một trong những thách thức đối với lĩnh vực chứng khoán.

Ngoài ra, còn có hành vi đầu tư, tiêu dùng của khách hàng thay đổi, vấn đề về chuyển đổi số, hội nhập, thao túng giá, minh bạch...

Trước những thách thức như vậy, giải pháp đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư được thể hiện rõ trong mô hình 6 chữ R: Respond (thích ứng, linh hoạt), Recover (phục hồi càng nhanh càng tốt), Restructure (tái cấu trúc), Re-invent (đổi mới, sáng tạo), Risk management (quản lý rủi ro), Resilience (tăng sức đề kháng).

"Đây là thời điểm nhà đầu tư cần nhìn nhận lại bối cảnh vĩ mô để có cái nhìn dài hơi hơn. Nói cách khác, để tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường thời điểm hiện tại, nhà đầu tư cần chạy marathon chứ không đơn giản là cự li ngắn 100-200m nữa" - vị chuyên gia ví von.

Ông cũng cho biết, so sánh lợi nhuận dài hạn thì chứng khoán vẫn là kênh hấp dẫn nếu so sánh giữa các kênh đầu tư như cổ phiếu, bất động sản, trái phiếu, tiền gửi, vàng, USD. Trong đó, đối với đầu tư cổ phiếu, nhà đầu tư đầu tư 5 năm thì lợi nhuận bình quân là 19,2%/năm, đầu tư 10 năm thì lợi nhuận bình quân là 15,8%/năm.