Trường THPT nói “không” với xe máy

ANTĐ - Đây là mục tiêu của ngành giáo dục và Công an thành phố Hà Nội nhằm giảm vi phạm ATGT từ học sinh. 236 trường hợp vi phạm ATGT trên tổng số hơn 20.000 học sinh trong 4 tháng trở lại đây tại địa bàn 4 quận nội thành là kết quả đáng ghi nhận.

Học sinh THPT phần lớn chưa đủ tuổi được cấp giấy phép lái xe mô tô

Phụ huynh chưa vào cuộc

Sau 2 tháng triển khai thí điểm thực hiện các biện pháp giáo dục ATGT và sử dụng điện thoại di động đúng mục đích, đúng quy định trong và ngoài nhà trường tại 42 cơ sở giáo dục thuộc 4 quận nội thành, ông Đoàn Hoài Vĩnh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Sở đã thành lập tổ kiểm tra và nhận thấy nhiều việc đã được triển khai nhưng có những việc chưa thực hiện được. Ông Đoàn Hoài Vĩnh đặc biệt nhấn mạnh về việc cha mẹ học sinh vẫn chưa thực sự vào cuộc cùng các trường. “Nhiều phụ huynh vẫn trang bị cho con điện thoại hiện đại, xe máy đắt tiền cho thấy nhà trường chưa thuyết phục được đội ngũ này vào cuộc để loại bỏ hẳn tình trạng học sinh chưa được cấp giấy phép lái xe đi xe máy đến trường” - ông Vĩnh phân tích.

Một khó khăn nữa mà cả nhà trường lẫn công an địa phương cùng phản ánh là sự thiếu hợp tác của người dân xung quanh khu vực trường học. “Nhiều hộ dân trong ngõ cố tình lôi kéo học sinh gửi xe  máy. Họ thậm chí đặt cả thùng nước sôi to ở giữa lối vào trường để gây khó dễ cho học sinh nếu không gửi xe ở nhà họ” - bà Nguyễn Thị Lan Phương, trường THPT BC Đống Đa cho biết. Với nỗ lực thực hiện việc tuyên truyền, hạn chế học sinh sử dụng xe máy đến trường, trường này đã phân công cho giáo viên chủ nhiệm hàng ngày trực tại các lối vào trường để phát hiện học sinh vi phạm. “Giáo viên chủ nhiệm rất vất vả, phải có mặt ở trường trước giờ học sinh vào học, chỉ được về sau khi các em về hết. Tuy nhiên điều khiến giáo viên và nhà trường băn khoăn không phải ngại vất vả mà là ý thức của người dân vẫn cố tình gây khó dễ cho nhà trường trong việc triển khai công tác này” - bà Nguyễn Thị Lan Phương cho biết.

Điều này cũng gây vướng mắc với chính lực lượng công an tham gia công tác này. Thượng tá Lê Hữu Cường, Phó trưởng CAQ Đống Đa cho biết, các điểm trông giữ xe xung quanh các trường hiện còn nhiều bất cập. Nhiều hộ là cán bộ về hưu, cuộc sống khó khăn chủ yếu muốn kiếm thu nhập bằng trông xe cho học sinh nên việc xóa được các điểm này rất khó khăn, chưa giải quyết triệt để được.

Cần địa phương hỗ trợ 

Theo ông Mai Sỹ Nhật, Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên, Sở GD-ĐT Hà Nội, trong 3 tháng qua số lượng học sinh vi phạm giao thông còn 142 trường hợp tại 4 quận trên tổng số hơn 30.000 học sinh, sinh viên là không lớn,  cho thấy có chuyển biến khả quan. Tuy nhiên, ông Nhật khẳng định, khó khăn xuất phát từ vấn đề trông giữ xe. Cũng theo kinh nghiệm thực hiện trên địa bàn mình, đại diện CAP Cống Vị cho biết, phường có tới 15 điểm trường nên việc triển khai công tác đảm bảo ATGT rất khó khăn. Tuy nhiên để thực hiện kế hoạch CAP đã triển khai khá hiệu quả với sự vào cuộc của tất cả các ban ngành. “Chúng tôi đã thành lập các đoàn liên ngành khảo sát, kiểm tra toàn bộ các điểm trông giữ xe quanh khu vực trường học và kịp thời xử phạt hành chính. Theo chức năng của các bộ phận kiểm tra, có những trường hợp đã phải nộp phạt tới 15-20 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu chỉ có 2 ngành giáo dục và công an thì sẽ không thể thực hiện được mà phải có sự tham gia của chính quyền quận cũng như lực lượng thanh tra giao thông...”.

Để tăng hiệu quả của việc triển khai mô hình này, Đại tá Phạm Xuân Bình, Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho rằng trong quá trình triển khai, nếu nhà trường cũng như lực lượng công an phát hiện bất cứ điểm bất hợp lý với trường học như bến xe buýt, trạm biến thế, điểm báo giao thông bố trí không phù hợp thì báo cáo bằng văn bản địa chỉ cụ thể để Ban chỉ đạo nghiên cứu xử lý, giải quyết. Ngoài ra, Đại tá Phạm Xuân Bình cho rằng việc đi xe máy đến trường của học sinh cần tìm hiểu kỹ lý do của từng cá nhân thì mới có biện pháp giải quyết.

Ông Đoàn Hoài Vĩnh cũng khẳng định sẽ kiến nghị UBND TP để có cơ chế phối hợp thật tốt với địa phương, tổ dân phố tăng cường tuyên truyền nhận thức cho các gia đình có con đi học. “Kết thúc học kỳ I, trong buổi họp phụ huynh sắp tới các trường cần phổ biến kỹ đến từng phụ huynh học sinh.  Việc triển khai mô hình này rất cần sự tham gia tích cực của Ban đại diện cha mẹ học sinh vì vậy ngoài ngành giáo dục và CATP, theo ông Vĩnh cần mời thêm đại diện cha mẹ học sinh cùng tham góp ý kiến với nhà trường”.