Trung Quốc - Trùm "bóng ma" chủ nghĩa thực dân kiểu mới lên lục địa đen

ANTĐ - Trong chuyến thăm một loạt nước châu Phi mới đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã phải thừa nhận một số “tổn thương đang gia tăng” trong quan hệ giữa Trung Quốc với lục địa đen, nhất là trước những lời chỉ trích từ lâu rằng Trung Quốc đang thực hiện chiến lược “thực dân kiểu mới” ở châu Phi.

“Thành phố ma” mọc lên gần Thủ đô Angola

Đi để… “xoa dịu”

Lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức năm 2013, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có chuyến công du 4 nước châu Phi gồm Ethiopia, Nigeria, Angola và Kenya từ ngày 4 đến 11-5. Tiếp tục khẳng định sự hiện diện của Trung Quốc tại lục địa đen, ông Lý Khắc Cường công bố khoản viện trợ bổ sung 12 tỷ USD cho châu Phi, điều này ghi thêm điểm cho Trung Quốc trong lộ trình đầu tư vào khu vực đang có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới.

Truyền thông thế giới cho hay, trong khuôn khổ chuyến thăm, Trung Quốc đã ký một loạt thỏa thuận hợp tác với các nước châu Phi trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không và điện lực... Hiện hơn 2.500 công ty Trung Quốc đang hoạt động ở châu Phi, tạo ra hơn 100.000 việc làm cho người dân địa phương. Tuy nhiên, những tranh chấp phát sinh trong những dự án đầu tư của Trung Quốc tại châu Phi đã khiến mối quan hệ hai bên đang bị sứt mẻ. Theo giới truyền thông, mục đích chuyến thăm châu Phi của ông Lý Khắc Cường nhằm xoa dịu chỉ trích rằng Bắc Kinh chỉ tới Lục địa đen để khai thác tài nguyên. 

Một bài viết trên trang The Diplomat của Nhật Bản về mục đích chuyến thăm mang tính “xoa dịu” của Thủ tướng Trung Quốc tới châu Phi lần này bình luận, bản thân ông Lý Khắc Cường khi phát biểu về quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi thừa nhận rằng đã có “tổn thương đang lớn dần”, ám chỉ căng thẳng ở một số nước châu Phi trong các vấn đề như hoạt động khai thác mỏ bất hợp pháp và sự căm giận của cư dân bản địa với người Trung Quốc. Và Tân Hoa xã đã “phụ họa” rằng những “tổn thương” đó là vấn đề khó tránh khỏi khi phát triển quan hệ - có nghĩa là không ai (đặc biệt là Trung Quốc) có lỗi.

“Vết thương” khó lành

Theo thống kê, riêng năm 2013, thương mại giữa Trung Quốc với châu Phi đạt 210 tỷ USD, tăng 2.000 lần so với năm 1960 và Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của lục địa đen trong 5 năm qua. Với 1 tỷ dân, châu Phi là thị trường rộng lớn, mới mẻ để Trung Quốc chuyển hướng xuất khẩu bởi 10 năm qua, hàng hóa Trung Quốc như đồ điện tử, linh kiện thay thế, hàng tiêu dùng, đồ may mặc… với nhiều ưu điểm như rẻ và mẫu mã đẹp, đa dạng đã tràn ngập thị trường lục địa đen. Tuy nhiên, hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc đều thuộc dạng hàng kém chất lượng.

Thông tin từng đăng tải trên Global Post cho thấy, ô tô Trung Quốc ở châu Phi có tiếng là chất lượng “rác”, thiết kế “kinh khủng”, mùi trong xe thì “khó chịu”. Đến nỗi, người Nam Phi có riêng từ “fong kong” - tiếng lóng chỉ các sản phẩm giá rẻ “made ​​in China” hỏng ngay sau khi mua. 

Đáng ngạc nhiên là trong đủ thứ hàng hóa xuất khẩu đó, Trung Quốc còn mang nguyên mẫu “thành phố ma” xây giữa lòng châu Phi. Đó là câu chuyện về dự án bất động sản có tên Nova Cidade de Kilamba nằm ở ngoại vi Thủ đô Luanda của Angola. Theo tờ Business Insider, “thành phố ma” này gồm 750 tòa nhà chung cư trung bình có 8 tầng, hàng chục trường học, và hơn 100 điểm bán lẻ. Dự án có tổng mức đầu tư 3,5 tỷ USD và nằm trên diện tích hơn 5.000ha, có khả năng cung cấp đủ chỗ ở cho 500.000 người. Đây mới chỉ là một trong nhiều thành phố vệ tinh mà các công ty Trung Quốc xây dựng ở Angola.

Jack Franciso, 32 tuổi, nhân viên công ty môi trường ở Kilamba nói: “Hiển nhiên đây là nơi ở tốt nếu anh có nhiều tiền. Người dân như chúng tôi không dám mơ tới”. Quả thật, mang tiếng là “nhà ở xã hội”, căn hộ trong dự án Kilamba có giá 120.000-200.000USD/căn, trong khi nhiều người như Jack thu nhập chưa đầy 3USD một ngày, nên ở đây hầu như không có người ở. Nhưng đó là chuyện người dân, còn công ty vốn Nhà nước của Trung Quốc trúng thầu dự án này không bàn tới, họ chỉ cần có thỏa thuận xây nhà để đổi lấy dầu mỏ trong vòng 3 năm.

Ở quy mô lớn hơn, mối hiềm khích với Trung Quốc cũng tăng dần lên khi ở nhiều nước, các công ty Trung Quốc ồ ạt đưa lao động vào làm việc cho các dự án lớn, lao động địa phương chỉ được sử dụng làm những việc lặt vặt. Lương của công nhân Trung Quốc trả thẳng về quê, có nghĩa là đem lại rất ít lợi ích cho kinh tế địa phương. Ở Zambia, Angola và Congo đã xảy ra một số cuộc bạo động do mâu thuẫn giữa cư dân bản địa và “dòng thác” người lao động nhập cư Trung Quốc. Hiện khoảng 1 triệu người Trung Quốc đã tới châu Phi và dự kiến Trung Quốc cần phải “xuất” đi 300 triệu người tới châu Phi để giải quyết các vấn đề dân số và ô nhiễm của chính nước này.

Cùng với đó, Trung Quốc cũng bị chỉ trích vì gây hậu quả lâu dài cho môi trường tại đây. Đập lớn được xây lên khiến các khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước. Các mỏ quặng và khoáng sản khổng lồ của Trung Quốc cày xới khắp nơi giống như vết thương khó lành trên cơ thể đất đai châu Phi. Rừng nguyên sinh đang bị phá hủy khi gỗ chở về Trung Quốc chiếm đến 70% gỗ xuất khẩu từ lục địa đen. 

Biển hiệu tiếng Trung Quốc phổ biến ở nhiều nước châu Phi

Nỗi ám ảnh “chủ nghĩa thực dân”

Theo tạp chí Asia Times, trong một chuyến thăm Nigeria hồi tháng 2-2007, Ngoại trưởng Anh lúc bấy giờ là ông Jack Straw nhấn mạnh: Những gì Trung Quốc đang làm ở châu Phi rất giống với Anh quốc đã làm 150 năm về trước. Không chỉ ông Jack Straw, nhiều chính trị gia và học giả phương Tây tin rằng Trung Quốc đang thực thi chính sách thực dân kiểu mới khi khai thác hết tài nguyên của châu Phi. Mô hình chủ nghĩa thực dân kiểu mới này được cho là phát triển trong những năm 1960 khi một số quốc gia phương Tây trở thành cường quốc thông qua đầu tư vốn và sản xuất công nghệ cao. 

Trên thực tế, từ lâu châu Phi đã trở thành “mục tiêu nhòm ngó” của Trung Quốc. Để khai thác triệt để các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như thị trường tiêu thụ tiềm năng ở châu Phi, Trung Quốc không thể không đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng xập xệ ở lục địa đen. Vì vậy, Bắc Kinh đã chủ động khởi xướng và đảm nhận luôn vai trò đầu tư chính cho kế hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng và xây dựng mạng lưới đường sắt kết nối hầu hết các nước trong khu vực. Mục đích của chiến lược này, một mặt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển tài nguyên thiên nhiên tới các cảng biển và giảm đáng kể chi phí vận tải cho các nhà đầu tư Trung Quốc, mặt khác tạo thêm hàng triệu việc làm cho lao động Trung Quốc xuất khẩu sang châu Phi.

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã bơm hàng tỷ đôla Mỹ vào châu Phi và không có dấu hiệu chậm lại, điều này rất đáng lo ngại đối với phương Tây, nhà báo kỳ cựu Andrew Malone người Anh cảnh báo. “Việc Trung Quốc đầu tư vào châu Phi gợi lên hình ảnh của thực dân phương Tây trong thế kỷ 18 và 19, nhưng trên một quy mô kịch tính và quyết đoán hơn nhiều”, tác giả viết trên tờ Daily Mail.

“Tôi muốn đảm bảo với bạn bè châu Phi rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ theo đuổi một con đường thực dân như một số nước đã làm hoặc cho phép chủ nghĩa thực dân tái xuất hiện ở châu Phi”, Tân Hoa xã trích lời ông Lý Khắc Cường trong chuyến thăm châu Phi đầu tháng 5 này. Và sau nhiều năm đấu tranh chống các cường quốc thực dân da trắng, các nước châu Phi vẫn cần tỉnh táo và bản lĩnh hơn để nhớ đến bài học đó.