Trung Quốc: Trẻ ngày càng chán đến trường

ANTĐ - Thất vọng với các phương pháp giảng dạy cứng nhắc, làm thui chột khả năng tự học của trẻ cùng với hàng loạt vụ bê bối lạm dụng học sinh ở các trường công lập, ngày càng nhiều phụ huynh ở Trung Quốc cho con học tại nhà.

Ảnh minh họa: China Times

Thích “vừa học vừa chơi”

Hồi còn ở quê nhà ở tỉnh Sơn Tây, bé gái Lưu Yến Tú  thường xuyên phải làm bài tập về nhà sau khi kết thúc giờ học chính khóa ở trường. Cô bé thường phải thức đến 11 giờ đêm để hoàn thành bài tập. Giờ đây, đống bài tập nặng nhọc đã được nhấc khỏi vai cô học trò nhỏ.

Thấy con gái vật lộn 2 năm trong trường quốc lập, bố mẹ Liu Yanxiu đã cho con vào một lớp học tư nhân theo hình thức học ở nhà (homeschool) hồi đầu năm nay ở Bắc Kinh do ông Trương Kiều Phong mở, với mức học phí khoảng 80.000 nhân dân tệ (13.000 USD) mỗi năm. Tại Học viện Con Rồng ở Bắc Kinh, Yến Tú, 8 tuổi được học những môn như tiếng Anh, đọc sách với người bạn cùng lớp duy nhất của mình là cậu bé Trương, con trai của ông Kiều Phong. 

Ông Trương Kiều Phong đã quyết định chia sẻ phương pháp giảng dạy của mình với các bậc phụ huynh khác vào năm ngoái sau khi ông bắt đầu dạy con trai 8 tuổi học ở nhà, từ hai năm trước đây. “Cháu thích học ở nhà vì không phải làm bài tập nhiều, cháu cũng rất vui vì được ra công viên để chơi” - cô bé Lưu Yến Tú nói.

Yanxiu chỉ là một trong số ngày càng nhiều trẻ em ở Trung Quốc mà cha mẹ không muốn cho con em mình theo học tại các trường trong hệ thống giáo dục quốc gia, thay vào đó, họ lựa chọn hình thức học tại nhà cho con. Theo báo cáo năm 2013 của Học viện nghiên cứu giáo dục thế kỷ 21 của Trung Quốc, ước tính có khoảng 18.000 trẻ em ở nước này đang được học theo mô hình giáo dục tại nhà ở các tỉnh Chiết Giang, Bắc Kinh, Quảng Đông.

“Không học được gì ở trường”

Ở trường tiểu học, cậu học sinh Lưu Như Tùng không phải là một học sinh ngoan ngoãn, thậm chí là thuộc diện cá biệt về hạnh kiểm. Ở tuổi lên 10, Lưu Như Tùng đã phải bỏ học ở trường, tuy vậy, cậu bé vẫn không thất học. “Thằng bé bỏ học vì nó nghịch quá, thầy giáo thường xuyên gọi chúng tôi đến để phàn nàn. Tuy nhiên lực học của Lưu Như Tùng rất khá, luôn đứng top 5 của lớp, nhưng những lời mắng mỏ của giáo viên khiến cháu ngày càng chán đến lớp” - bố của Lưu Như Tùng nói. 

Sau khi nghỉ học ở lớp, Lưu Như Tùng được dạy học ở nhà và cậu bé đã hoàn thành chương trình học 6 năm phổ thông trung học chỉ trong hai năm. Con đường học tập có thể nói là thành công, tuy nhiên, như Lưu Như Tùng tự nhận, “cháu không có nhiều bạn bè”. 

Theo luật giáo dục bắt buộc năm 1986, Homeschool là bất hợp pháp ở Trung Quốc, nhưng trên thực tế, hình thức giáo dục này hiện đang ngày càng phát triển và không bị cấm, sau khi những phương tiện truyền thông nhà nước đưa tin về xu hướng gia tăng của loại hình này từ năm 2005. 

Lý do để con em theo học hình thức này, hơn 54% bậc phụ huynh không tin tưởng vào phương pháp giáo dục ở trường, 10% phụ huynh cho rằng con cái họ không học được gì ở trường, 6% cho rằng con em họ không thể chịu được cuộc sống học đường... Ngoài ra, còn nhiều lý do khác như mức học phí đắt đỏ. Để con em được học ở trường được xem là chất lượng, phụ huynh có khi phải chen chúc xếp hàng trong nhiều ngày để đăng ký bởi giáo dục được xem như một ngành công nghiệp. Những trường hàng đầu ở Trung Quốc thì phải chi phí hàng trăm nghìn nhân dân tệ (hàng chục nghìn USD) mỗi năm, ngay cả đối với cấp mẫu giáo.

Còn nhiều lo ngại

Nhà nghiên cứu giáo dục Trình Phương Bình của Đại học Nhân dân Trung Quốc nói rằng, ngày càng có nhiều người nhận ra rằng còn nhiều hình thức giáo dục và có nhiều sự lựa chọn. Một trong những lý do cho việc này đó là ảnh hưởng của ông Trịnh Uyên Kiệt, người đã “lôi” con trai mình ra khỏi trường tiểu học để mang về nhà dạy cách đây 18 năm. Cậu bé Trịnh Á Kỳ được các thầy cô giáo và cha mình dạy tại gia và được xem như là một “tấm gương” thành công trong giáo dục. Trịnh Á Kỳ bây giờ là một doanh nhân, anh là chủ của nhiều nhà sách, tạp chí và hãng nhiếp ảnh nổi tiếng.

Tuy nhiên, trong khi hình thức giáo dục này ngày càng phổ biến, nhiều chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về tác động của đó tới sự phát triển toàn diện của trẻ như phần lớn những đứa trẻ này được sinh ra trong gia đình con một, có thể bị cô lập và khả năng hòa nhập xã hội kém khi sống trong môi trường “biệt lập”. Ngoài ra, kỳ thi tuyển sinh đại học của Trung Quốc chỉ cho phép học sinh thuộc hệ thống giáo dục nhà nước tham gia, khiến cho các học sinh tại gia không đủ điều kiện tham gia. Chính vì lý do này, 34% bậc phụ huynh trong báo cáo của Học viện nghiên cứu giáo dục thế kỷ 21 có kế hoạch cho con cái của họ quay lại trường học để tham gia thi đại học, 36% bậc phụ huynh có ý định cho con đi du học.

Nhiều chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, thay vì “phân biệt đối xử”, nhà chức trách nên đưa ra định hướng cho hình  thức giáo dục tại nhà này và thậm chí có thể trợ giúp để nó trở thành một mô hình giáo dục thích hợp. “Bất kỳ hình thức nào đa dạng hóa hệ thống giáo dục hay cá nhân hóa để phù hợp với một đứa trẻ cũng cần được hỗ trợ. Không có phương pháp tốt nhất, nhưng cũng nên đưa ra nhiều lựa chọn hơn bởi hệ thống giáo dục hiện nay quá hạn hẹp” - giáo sư Hùng Bính Kỳ, Phó giám đốc Học viện giáo dục thế kỷ 21 nói.