Trung Quốc mưu toan đẩy nhanh việc quân sự hóa để độc chiếm Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những diễn biến gần đây cho thấy, Trung Quốc đang tích cực đẩy nhanh việc quân sự hóa Biển Đông. Mục tiêu của Trung Quốc là khi giành được ưu thế về mặt quân sự, Bắc Kinh sẽ tìm cách áp đặt tham vọng của mình, từng bước thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông.
Máy bay ném bom H-6J trong lần tham gia tập trận ở Biển Đông

Máy bay ném bom H-6J trong lần tham gia tập trận ở Biển Đông

3 giai đoạn tôn tạo trái phép và quân sự hóa các đá ở Trường Sa

Tối 13-8, tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin Trung Quốc vừa điều động máy bay ném bom H-6J đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Trước đó, tờ South China Morning Post dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay biết các máy bay ném bom H-6G và H-6J đã tiến hành tập trận ở khu vực Biển Đông hồi tháng 7-2020.

Theo ông Carl O.Schuster, cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, các máy bay thuộc dòng H-6 đều là những oanh tạc cơ có thể mang tên lửa hành trình kết hợp radar cho phép xác định mục tiêu tàu chiến với độ chính xác cao. Ngoài ra, những dòng máy bay này còn có thể kết nối dữ liệu để các hệ thống phóng từ mặt đất khai hỏa tên lửa hành trình.

Đây là lần đầu tiên máy bay ném bom H-6J xuất hiện trên đảo Phú Lâm, là diễn biến mới nhất trong hoạt động quân sự hóa Biển Đông mà Trung Quốc tiến hành từ nhiều năm qua. Kể từ cuối năm 2013, các tàu nạo vét Trung Quốc bắt đầu xuất hiện ở quần đảo Trường Sa để tiến hành bồi đắp 7 bãi đá ngầm là đá Chữ Thập, Ga Ven, Châu Viên, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Vành Khăn và Subi thành các đảo nhân tạo. Kết thúc quá trình bồi đắp, tổng diện tích các đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm đóng đã lên tới khoảng 13,21 km2 (tập trung chủ yếu trên 3 đá là Vành Khăn, Subi và Chữ Thập).

Từ đầu năm 2017, Trung Quốc chuyển sang giai đoạn hai là xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo để phục vụ mục đích quân sự và dân sự, bao gồm các đường băng dài hơn 3.000m, nhà để máy bay và tên lửa, các cơ sở radar, thiết bị thu thập thông tin tình báo, kho chứa vũ khí và nhiên liệu, các cầu cảng nước sâu… Phần lớn công việc này được hoàn tất vào cuối năm 2017.

Giai đoạn ba được thực hiện ngay sau đó bằng việc nhanh chóng triển khai các khí tài quân sự tân tiến ra các đảo nhân tạo. Bao gồm đưa máy bay chiến đấu J-11B tới các đá Subi và Vành Khăn, tiến hành hạ cánh thử trên đá Chữ Thập của các máy bay vận tải và tuần tra biển, đưa các tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B có tầm bắn gần 500km và tên lửa đất đối không HQ-9B có tầm bắn 250km ra Trường Sa, thiết lập các thiết bị phá sóng… Các bệ phóng tên lửa cũng được triển khai đến đảo Phú Lâm, hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Còn nhớ hồi năm 2016, trong cuộc gặp ở Washington, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ lo ngại về tình trạng cải tạo các đá và quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố các hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở khu vực Trường Sa “không nhắm vào hay tác động tới một quốc gia nào và cũng không có ý định quân sự hóa”.

Thực tế diễn ra đã không như lời hứa bởi mục đích của Trung Quốc là độc chiếm Biển Đông bằng sức mạnh. Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, nhận xét: “Mùa thu 2016, Chủ tịch Tập Cận Bình đã hứa với Tổng thống Obama rằng Trung Quốc sẽ không quân sự hóa các đảo ở Biển Đông. Vậy mà đến nay chúng tôi thấy những đường băng dài tới 3.050m, các cơ sở chứa vũ khí, việc triển khai năng lực phòng thủ tên lửa, năng lực trên không và nhiều thứ khác”.

Không dễ để Trung Quốc thực hiện tham vọng của mình

Có thể thấy việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông đã dẫn đến sự gia tăng căng thẳng tại vùng biển này. Giờ đây, các đảo nhân tạo được Trung Quốc tôn tạo trên Biển Đông đã trở thành bàn đạp để Bắc Kinh tăng cường chiến dịch quấy rối và gây sức ép với các nước ven Biển Đông, nhất là bằng đội tàu dân quân bán quân sự của mình.

Tuy nhiên, nỗ lực quân sự hóa để độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc đang gặp nhiều trở ngại. Trước hết là môi trường của khu vực này không thuận lợi đối với hầu hết các hệ thống quân sự tiên tiến nhất của Trung Quốc. Năm 2017, truyền thông Nhà nước Trung Quốc đưa tin về các biện pháp đặc biệt được yêu cầu để bảo vệ hoạt động triển khai các máy bay chiến đấu J-11 đến quần đảo Trường Sa trong thời gian ngắn trước tác động của sức nóng và độ ẩm của quần đảo này. Do sức nóng và độ ẩm, thiết bị máy móc bị hư hỏng và một số hệ thống vũ khí thậm chí còn bị phá hủy.

Khoảng cách và sự biệt lập của các căn cứ này với Trung Quốc đại lục cũng khiến chúng rất dễ bị ảnh hưởng, tính hữu dụng về mặt quân sự của chúng sẽ nhanh chóng giảm bớt khi cuộc xung đột kéo dài. Trong giai đoạn đầu của một cuộc đụng độ, các căn cứ này có thể phục vụ cho các cuộc không kích phủ đầu cũng như tiếp viện tàu và máy bay. Nhưng do nằm cách các căn cứ hải quân và không quân của Trung Quốc trên đảo Hải Nam hơn 500 hải lý, việc tiếp tế sẽ gặp khó khăn khi xung đột kéo dài.

Thêm vào đó, các đảo nhân tạo mà Trung Quốc tôn tạo ở Trường Sa đều là mục tiêu cố định, hầu như không có khả năng che chắn hay bảo vệ, đặc biệt là trước các loại vũ khí tấn công chính xác tầm xa mới. Khi các căn cứ này bị hư hại và xuống cấp do các cuộc không kích và tấn công tên lửa, việc sửa chữa và tiếp viện sẽ trở nên ngày càng tốn kém và đầy thách thức, tính hữu dụng của chúng nhanh chóng giảm sút.

Đặc biệt, những việc làm của Trung Quốc còn gây sự phản ứng của dư luận khu vực và thế giới. Mỹ và nhiều nước khác đã tuyên bố bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời đẩy mạnh của hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông để thách thức tham vọng của Bắc Kinh. Một số nghị sĩ Mỹ thậm chí còn trình dự luật trừng phạt Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. Nếu được thông qua, đạo luật sẽ cho phép Mỹ đóng băng, thậm chí tịch thu tài sản và thu hồi thị thực của các cá nhân tham gia vào các chính sách đe dọa hòa bình, an ninh khu vực.

Dự luật có đính kèm danh sách ban đầu gồm 25 công ty Trung Quốc có thể bị trừng phạt ngay, đáng chú ý là CCCC Dredging Group - công ty con của Tập đoàn Xây dựng viễn thông Trung Quốc, đơn vị tham gia xây đảo nhân tạo ở Biển Đông. Những cái tên còn lại cũng là các đại gia Nhà nước: Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc (Sinopec), Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC), China Mobile, Tổng công ty Viễn thông Trung Quốc (China Telecom), Tập đoàn Khoa học và công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASIC)… Nếu bị trừng phạt, những pháp nhân trên sẽ bị cấm tiếp cận các định chế tài chính đóng ở Mỹ, yếu tố quan trọng với những công ty có hoạt động toàn cầu.