Trung Quốc hướng tới hiện đại hóa và thịnh vượng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thành công của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc với những quyết sách và thành quả sẽ đóng vai trò chỉ đạo và bảo đảm quan trọng cho việc xây dựng toàn diện đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, thúc đẩy sự phục hưng dân tộc, giành thắng lợi mới trong xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.

Xác lập vị trí hạt nhân của Tổng Bí thư Tập Cận Bình

Nhìn lại những kết quả của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội XX), Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, Đại hội đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình làm việc đồng thời kêu gọi đảng viên học tập, tuân thủ, quán triệt và bảo vệ Điều lệ Đảng, cống hiến trí tuệ cho sự nghiệp của Đảng và nhân dân. Nhiệm vụ trung tâm kể từ nay trở đi của Đảng Cộng sản Trung Quốc là lãnh đạo nhân dân xây dựng toàn diện cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại, thúc đẩy phục hưng dân tộc bằng con đường hiện đại hóa kiểu Trung Quốc.

Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc xác lập vị trí hạt nhân của Tổng Bí thư Tập Cận Bình

Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc xác lập vị trí hạt nhân của Tổng Bí thư Tập Cận Bình

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XX gồm 205 ủy viên chính thức, 171 ủy viên dự khuyết và Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương khóa XX gồm 133 ủy viên. Các Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương khóa XIX được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XX gồm: Ông Tập Cận Bình, sinh năm 1953, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương; ông Vương Hộ Ninh, sinh năm 1955, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương; ông Triệu Lạc Tế, sinh năm 1957, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương; ông Đinh Tiết Tường, sinh năm 1962, Bí thư Ban Bí thư Trung ương; ông Lý Hy, sinh năm 1956, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông; ông Lý Cường, sinh năm 1959, Bí thư Thành ủy Thượng Hải; ông Lý Hồng Trung, sinh năm 1956, Bí thư Thành ủy Thiên Tân; ông Trương Hựu Hiệp, sinh năm 1950, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương; ông Trần Mẫn Nhĩ, sinh năm 1960, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh; ông Hồ Xuân Hoa, sinh năm 1963, Phó Thủ tướng; ông Hoàng Khôn Minh, sinh năm 1956, Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương; ông Thái Kỳ, sinh năm 1955, Bí thư Thành ủy Bắc Kinh.

Ban Chấp hành Trung ương khóa XX tại Hội nghị toàn thể lần thứ nhất đã bầu Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Bộ Chính trị và Tổng Bí thư. Theo Tân Hoa Xã, Ban Chấp hành Trung ương khóa XX đã bầu Bộ Chính trị gồm 24 ủy viên và Thường vụ Bộ Chính trị với 7 ủy viên, gồm các ông: Tập Cận Bình, Lý Cường, Triệu Lạc Tế, Vương Hỗ Ninh, Thái Kỳ, Đinh Tiết Tường, Lý Hi; bầu Ban Bí thư gồm 7 ông: Thái Kỳ, Trần Văn Thanh, Thạch Thái Phong, Lưu Kim Quốc, Lý Cán Kiệt, Vương Tiểu Hồng, Lý Thư Lỗi.

Thường vụ Bộ Chính trị với 7 thành viên sẽ định ra đường lối phát triển cũng như đối ngoại của Trung Quốc trong vòng 5 năm tới. Đáng lưu ý, nhiều gương mặt mới trong số 24 ủy viên Bộ Chính trị khóa XX là những nhà kỹ trị được đánh giá cao về chuyên môn.

Ban Chấp hành Trung ương khóa XX cũng bầu Quân ủy Trung ương do ông Tập Cận Bình làm Chủ tịch cùng 2 Phó chủ tịch là các ông Trương Hựu Hiệp và Hà Vệ Đông. Hội nghị bầu ông Lý Hi làm Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI).

Đáng chú ý, Đại hội đã tiến hành sửa đổi Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc, theo đó bổ sung nội dung “hai xác lập”. Đó là xác lập vị trí hạt nhân của ông Tập Cận Bình trong Ban chấp hành Trung ương Đảng và trong toàn Đảng; và xác lập vai trò chỉ đạo của tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới, nhấn mạnh vai trò của tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới như là thành quả mới nhất của việc Trung Quốc hóa, thời đại hóa chủ nghĩa Mác.

Bắt tay thực hiện mục tiêu “100 năm” thứ hai

Đại hội XX là sự kiện hết sức quan trọng đối với Trung Quốc trong thời khắc then chốt khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bước vào hành trình mới xây dựng toàn diện đất nước hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa. Trong đó, Đại hội đặt ra mục tiêu lớn cho 5 năm tới, đưa Trung Quốc trở thành cường quốc tự lập, tự cường về khoa học công nghệ trình độ cao, bước vào hàng ngũ các nền kinh tế đổi mới sáng tạo. Xác định mục tiêu đối ngoại của Trung Quốc là thúc đẩy hòa bình, phát triển thế giới, xây dựng cộng đồng chung vận mệnh; tích cực tham gia cải cách, xây dựng hệ thống quản trị toàn cầu. Những thay đổi chiến lược này sẽ tác động như thế nào đến cục diện khu vực, toàn cầu, cạnh tranh các nước lớn và hợp tác giữa các nước.

Đại hội nêu rõ, hoàn thành xây dựng cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại của Trung Quốc được chia làm hai bước: Từ năm 2020 đến năm 2035 cơ bản thực hiện hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa; Từ năm 2035 đến khoảng giữa thế kỷ, xây dựng Trung Quốc thành cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp. Đến năm 2035, hoàn thành xây dựng cường quốc giáo dục, cường quốc khoa học - công nghệ, cường quốc nhân tài, cường quốc văn hóa, cường quốc thể dục thể thao.

Trung Quốc sẽ đẩy nhanh xây dựng cục diện phát triển mới, thúc đẩy phát triển chất lượng cao, có nền tảng vật chất và kỹ thuật vững chắc: Tăng cường động lực nội tại và độ tin cậy của vòng tuần hoàn lớn trong nước, nâng cao chất lượng và trình độ của vòng tuần hoàn quốc tế; nâng cao tính linh hoạt và mức độ an toàn của chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng. Xây dựng hệ thống ngành sản xuất hiện đại: phát triển kinh tế thực, thúc đẩy công nghiệp hóa kiểu mới, đẩy nhanh xây dựng cường quốc về sản xuất, chất lượng, vũ trụ, giao thông, về mạng Internet và kinh tế số.

Đại hội XX nhấn mạnh tới thúc đẩy hòa bình và phát triển thế giới, đẩy mạnh xây dựng cộng đồng chung vận mệnh là mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc kiên định chính sách ngoại giao hòa bình độc lập và tự chủ, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước, khẳng định các nước đều bình đẳng, phản đối chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền, phản đối tư duy Chiến tranh Lạnh, phản đối can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, phản đối áp đặt các tiêu chuẩn kép.

Trung Quốc khẳng định kiên trì phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước trên cơ sở Năm nguyên tắc cùng chung sống hòa bình, thúc đẩy xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới; thúc đẩy phối hợp, tương tác tích cực giữa các nước lớn; kiên trì phương châm ngoại giao láng giềng “thân, thành, huệ, dung” và thân thiện với láng giềng. Trung Quốc chủ trương theo đuổi chiến lược mở cửa cùng có lợi, cùng thắng, không ngừng mang lại cơ hội mới cho thế giới bằng sự phát triển của Trung Quốc, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế thế giới mở; phản đối chủ nghĩa bảo hộ, phản đối “dựng hàng rào, xây tường ngăn”, “tách rời đứt chuỗi”, phản đối trừng phạt đơn phương, gây sức ép tối đa…

Đại hội XX diễn ra vào thời điểm then chốt khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bước vào hành trình mới xây dựng toàn diện đất nước hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa. Với ban lãnh đạo mới, Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới sự dẫn dắt liên tục của Tổng Bí thư Tập Cận Bình, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là lãnh đạo đất nước nỗ lực thực hiện mục tiêu “100 năm” thứ hai xây dựng Trung Quốc trở thành nước xã hội chủ nghĩa hiện đại toàn diện về mọi mặt thông qua con đường hiện đại hóa của Trung Quốc.