Trung Quốc có thể phải trả giá nếu phá bỏ những "hòn đá tảng" của luật pháp quốc tế

ANTD.VN - Việc Trung Quốc đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không chỉ gặp phải sự phản ứng của dư luận, mà còn khiến nước này phải trả giá nếu tiếp tục coi thường luật pháp quốc tế.

Trung Quốc có thể phải trả giá nếu phá bỏ những "hòn đá tảng" của luật pháp quốc tế ảnh 1Tàu chiến Mỹ và Anh lần đầu tiên tham gia tập trận chung trên Biển Đông hồi đầu năm 2019

Không phải người Trung Quốc nào cũng tin vào “đường lưỡi bò”

Cho đến nay, cơ sở pháp lý duy nhất mà Trung Quốc dựa vào để ngang nhiên tiến hành các hoạt động phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của các nước ven Biển Đông là “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh tự vẽ ra, chiếm tới 80% diện tích Biển Đông.

Thế nhưng, ngoài Trung Quốc ra, không có nước nào chia sẻ quan điểm của Bắc Kinh bởi nó đi ngược lại những quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Theo Giáo sư Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, việc học giả Trung Quốc sử dụng “di sản lịch sử” để giải thích về tuyên bố chủ quyền một lần nữa cho thấy việc thiếu cơ sở pháp lý theo luật quốc tế.

Bà Caitlyn Antrim, Giám đốc Ủy ban Pháp quyền Đại dương của Mỹ, khẳng định tuyên bố “đường 9 đoạn” - “đường lưỡi bò” không có cơ sở theo luật quốc tế bởi cơ sở lịch sử là rất yếu và rất khó bảo vệ. Nếu Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với các đảo do đường ấy bao quanh, thì câu hỏi đặt ra là họ có chứng minh được chủ quyền với các đảo đó hay không. Nếu Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền với các đảo từ 500 năm trước, nhưng sau đó lại bỏ trống thì tuyên bố chủ quyền trở nên rất yếu.  

Thậm chí theo Giáo sư Kishore Mahbubani thuộc Trường Chính sách công Lý Quang Diệu của Singapore, việc Trung Quốc gửi công hàm có “đường lưỡi bò” tới Liên hợp quốc (LHQ) đã đẩy Bắc Kinh vào thế không lối ra, vì khó khăn trong việc biện hộ cho bản đồ này theo luật pháp quốc tế.

Không chỉ bị các nước phản đối, mà ngay một số học giả Trung Quốc cũng cho rằng “đường lưỡi bò” là một sản phẩm tùy tiện, vi phạm trắng trợn chủ quyền của các quốc gia khác. Học giả Lý Lệnh Hoa, chuyên gia của Trung tâm thông tin hải dương Trung Quốc, khẳng định: “Họ chẳng hiểu gì UNCLOS, họ bỏ qua lý lẽ và thậm chí coi thường Công ước đã ký. Những gì họ nói, họ biết về “đường lưỡi bò” là vô cùng cẩu thả. Tất cả các đường ranh giới trên đất liền và hải phận trên thế giới đều là những đường liền mạch, rõ ràng, còn “đường lưỡi bò” chỉ là một vệt 9 đoạn đứt quãng quá mơ hồ”.

Với người dân thường Trung Quốc, không phải ai cũng tin vào những tuyên truyền về “chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc đối với Nam Hải - Biển Đông”. Một bạn đọc Trung Quốc viết: “Tôi nhìn bản đồ, không tin vào những điều chính phủ nói. Trung Quốc từ thời Minh đã thực thi chính sách bế quan tỏa cảng, đời Thanh cũng vậy, trước nay đâu có phát triển ra biển. Vậy mà nay lại vẽ bản đồ ra đến tận cửa nhà người khác như vậy. Tôi không tin trong lịch sử Trung Quốc đã có những nơi đó…”.

Một bạn đọc khác thì chia sẻ: “Nói thật lòng, là người Trung Quốc tôi dĩ nhiên cho rằng Nam Hải là của Trung Quốc. Nhưng sau khi hiểu rõ tình hình và nhìn kỹ bản đồ, tôi mới phát hiện ra rằng Trung Quốc cần rút ra khỏi cuộc tranh chấp với Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Nam Hải cách Trung Quốc xa nhưng gần với họ quá. Nếu Nam Hải thật sự trở thành của Trung Quốc thì nói hơi ngoa một chút, người nước họ bơi ra biển là đã “xuất ngoại” xâm phạm lãnh hải nước khác ư?”. 

Chiến lược gia tăng sức ép ở Biển Đông hàm chứa nhiều rủi ro với Bắc Kinh

Bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế, Trung Quốc vẫn “làm nóng” tình hình bằng việc đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tuy nhiên, hành động coi thường luật pháp quốc tế một cách ngang nhiên của Trung Quốc khiến dư luận quốc tế phải tỏ thái độ mạnh mẽ hơn. 

Lâu nay, chính giới Mỹ luôn bày tỏ quan ngại về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng đáng lưu ý là liên quan đến vụ tàu Hải Dương 8, các phát biểu của phía Mỹ càng về sau càng mạnh mẽ hơn. Trong tuyên bố ngày 20-7, Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ bày tỏ “quan ngại” về việc Trung Quốc cản trở các “hoạt động dầu khí lâu đời” của Việt Nam và không khẳng định vùng biển của Việt Nam. Đến tuyên bố ngày 22-8, phía Mỹ đã thể hiện “quan ngại sâu sắc”, đồng thời chỉ trích trực diện hành vi của nhóm tàu Hải Dương 8, nêu rõ hoạt động dầu khí lâu đời của Việt Nam là nằm “trong vùng đặc quyền kinh tế mà Việt Nam yêu sách”.

Cũng không phải ngẫu nhiên khi 3 thành viên chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU) là Pháp, Anh, Đức quyết định ra tuyên bố riêng về vấn đề Biển Đông. Mặc dù Liên minh châu Âu (EU) đã có tuyên bố bày tỏ quan ngại về căng thẳng ở Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ đầy đủ UNCLOS. Nhưng do tầm quan trọng cũng như sự phức tạp của vấn đề, Pháp, Anh, Đức muốn thể hiện rõ hơn lập trường của mình. 

Một điểm đáng chú ý nữa là nhiều nước có lợi ích trong việc duy trì hoà bình ổn định, trật tự pháp luật tại vùng biển kết nối giữa Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc đã đồng thanh lên tiếng xung quanh việc Trung Quốc đưa tàu thăm dò địa chấn vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. 

Giới học giả quốc tế cũng phản ứng mạnh. Ông Bill Hayton, chuyên gia hàng đầu về Biển Đông của Viện Nghiên cứu quốc tế Hoàng gia Anh khẳng định: “Đây rõ ràng là sự vi phạm EEZ của Việt Nam. Theo UNCLOS, tôi không thấy có điều gì có thể biện minh cho các hoạt động hiện nay của Trung Quốc. Việt Nam có mọi quyền để bảo vệ EEZ của mình”.

Giáo sư Stein Tonnesson thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo, Na Uy, thì coi việc làm của Trung Quốc là một hành vi đáng chê trách. Trong khi bà Anjuska Weil, Chủ tịch Hội Hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam, cho rằng:  “Các nước trên thế giới cần hiểu rõ bản chất của vấn đề là Trung Quốc đang đe dọa tới hòa bình, an ninh khu vực và thế giới”.

Không chỉ lên án hành động sai trái của Trung Quốc, dư luận còn cảnh báo về tác động tiêu cực mà Bắc Kinh có thể phải hứng chịu. Cơ quan Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á AMTI thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế CSIS tại Washington cảnh báo: “chiến lược gia tăng sức ép của Trung Quốc đối với Việt Nam hàm chứa nhiều rủi ro nghiêm trọng cho Bắc Kinh, và nếu đi quá trớn, có thể gây tác động ngược lại” vì “các hành vi hù dọa của Bắc Kinh có thể thúc đẩy ASEAN và cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam”.

Theo Tiến sỹ Murray Hiebert, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ đang tìm kiếm lập trường chung của EU, Nhật Bản, Australia, các nước cùng quan điểm khác trong việc ngăn cản các hành động phi pháp của Trung Quốc. Họ có thể nêu những hành động của Trung Quốc trên các diễn đàn quốc tế như G7, G20 hay những diễn đàn lớn ở LHQ. Ngoài ra, Mỹ cũng có thể áp đặt các lệnh trừng phạt những công ty có liên quan đến các hành động phi pháp của Trung Quốc. 

Trong bài viết trên trang Friends of Europe, học giả Bill Hayton gợi ý EU có thể yêu cầu các nhà nhập khẩu cá, hydrocarbon và những sản phẩm từ biển khác vào khu vực này phải chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của chúng, đồng thời trừng phạt các công ty và quan chức vi phạm EEZ của nước khác.

Trên thực địa, Mỹ liên tục đưa tàu chiến vào sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên Biển Đông nhằm thách thức các yêu sách quá mức trên biển của Trung Quốc, đồng thời bảo toàn quyền tiếp cận vào tuyến đường biển theo quy định của luật quốc tế. Đầu năm 2019, lần đầu tiên Anh cử tàu hộ tống HMS Argyll của Hải quân Hoàng gia Anh tham gia tập trận chung với Mỹ trên Biển Đông. Trước đó, các tàu chiến của Pháp cũng đã tiến vào khu vực các cụm đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong một động thái nhằm bày tỏ sự phản đối với tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.

Có thể thấy UNCLOS và hệ thống về vùng đặc quyền kinh tế là những “hòn đá tảng” của luật pháp quốc tế mà thế giới đang nỗ lực bảo vệ, không cho phép ai có thể vi phạm.