Trung Quốc cần chấm dứt “ngoại giao giàn khoan”

ANTĐ - “Phương thức cơ bản của Trung Quốc để xử lý những bất đồng là phớt lờ, từ chối thảo luận hoặc nếu cần thì dùng vũ lực để đối phó”- tờ Bưu điện Bangkok chỉ rõ ý đồ của Trung Quốc trong tham vọng bá quyền tại Biển Đông hiện nay. Chính vì lối hành xử “thiếu văn minh” đó mà Trung Quốc và các nước láng giềng không thể tìm được tiếng nói chung. 

Việc gây hấn của tàu Hải giám Trung Quốc trên Biển Đông bằng hành động đâm va tàu Kiểm ngư của Việt Nam còn chưa chấm dứt, thì Trung Quốc lại công bố bản đồ “đường 10 đoạn” rất phi lý

Cố tình không đàm phán 

Cuộc gặp lần thứ 11 của Nhóm làm việc chung giữa Trung Quốc và ASEAN thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) diễn ra hôm 24 và 25-6 tại Bali, Indonesia là cơ hội tốt để các bên giải tỏa căng thẳng trên Biển Đông nhưng rất tiếc hội nghị kết thúc mà không có tiến triển nào. 

Thực tế, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) đã được ký kết 12 năm nay nhưng mới chỉ dừng ở những nguyên tắc cơ bản mà chưa có cơ chế ràng buộc để giải quyết tranh chấp, nhất là trong giai đoạn hiện nay vấn đề Biển Đông đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Vì thế Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) được coi là chìa khóa cho các chính sách ngoại giao tại khu vực Đông Nam Á. 

Ngay trước thềm Hội nghị, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này sẵn sàng làm việc với ASEAN về thực thi toàn diện hiệu quả DOC và kiên quyết đẩy nhanh các cuộc tham vấn về COC. Tuy nhiên, như bài bình luận trên trang The   Diplomat (Ngoại giao) của Nhật Bản hôm 28-6: “Điều đó được tán dương rộng rãi trên báo chí Trung Quốc nhưng cuối cùng không thấy những cây bút nịnh bợ Bắc Kinh có nhiều điều để nói”. 

 Trong khi đó, Trương Quân Xã, Phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc đã tỏ ngay thái độ trước khi ngồi vào bàn thương lượng tại Bali: “Trung Quốc đã tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc của DOC và đã phải kiềm chế khi đối mặt với hành động khiêu khích từ các nước khác như Philippines và Việt Nam. Chúng tôi hy vọng hai quốc gia này sẽ ngăn chặn các hành động khiêu khích chống lại Trung Quốc”.

Cũng theo phân tích của bài viết trên The Diplomat, kể từ khi công bố yêu sách chủ quyền trên Biển Đông bằng “đường lưỡi bò” – phớt lờ Luật Biển quốc tế hay các Công ước hiện đại về công nhận đường biên giới chủ quyền, Trung Quốc thực hiện chính sách không chấp nhận đàm phán đồng thời tự do xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước khác. Với lối hành xử giống như một cường quốc thực dân thế kỷ 16, Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền tại hơn 90% Biển Đông, tuyến vận tải biển nơi một nửa thương mại thế giới đi qua. Cho rằng chính những điều này là lý do khiến hội nghị Bali thất bại, tác giả Luke Hunt – nhà báo với 25 năm kinh nghiệm nhấn mạnh: “Có lẽ đã đến lúc cần loại bỏ các cuộc đàm phán cùng nhau, ít nhất cho đến khi Trung Quốc có cách tiếp cận thực tế hơn, phù hợp với vai trò một cường quốc thế giới trong thế kỷ 21”.

Trung Quốc cần thương lượng 

Bàn về thái độ của Trung Quốc đối với việc giải quyết vấn đề Biển Đông hiện nay, Báo Bưu điện Bangkok, tờ báo tiếng Anh hàng đầu ở Thái Lan số ra ngày 30-6  đã đăng bài xã luận có tựa đề “Trung Quốc cần thương lượng”.

Bài xã luận của Bangkok Post nhận định, trong một tháng qua, Bắc Kinh liên tiếp chủ động gây căng thẳng và xung đột, đặc biệt với Việt Nam. “Công cụ chủ yếu của Trung Quốc để gây hấn là giàn khoan. Đó có thể là một công cụ ngoại giao kỳ lạ trên biển, nhưng Trung Quốc đang sử dụng thứ vũ khí đặc biệt này để thực hiện các mục tiêu của mình và đối đầu với nước có tranh chấp”.

Như thường lệ, Trung Quốc luôn thủ sẵn những tấm bản đồ dối trá để “chứng minh” rằng giàn khoan của Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) hoạt động trong “vùng biển” nước này. “Phương thức cơ bản của Trung Quốc để đối phó với những bất đồng đơn giản là phớt lờ, từ chối thảo luận hoặc nếu cần thì dùng vũ lực để đối phó” - Bangkok Post chỉ trích.

Bài viết chỉ rõ, 10 ngày gần đây, Trung Quốc đưa thêm 4 giàn khoan ra Biển Đông, tạo nên những tình huống cực kỳ nguy hiểm và không cần thiết. Bắc Kinh mở rộng yêu sách về lãnh thổ bằng cách kết hợp tìm kiếm dầu với sự hiện diện của tàu quân sự và tàu chấp pháp để bảo vệ giàn khoan. “Mục tiêu rõ ràng của chiến lược ngoại giao tàu chiến thế kỷ 21 này là Việt Nam và Philippines”. Tờ báo của Thái Lan cuối cùng khẳng định: “Trung Quốc cần từ bỏ chiến lược ngoại giao giàn khoan để đàm phán. Chỉ có đàm phán với các nước ASEAN mới có thể tạo ra phương cách giải quyết tranh chấp dễ chấp nhận hơn”. 

“Việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đe dọa hòa bình tại Đông Nam Á cũng như trên thế giới”. Ông Alberto Hutschenreuter, Giáo sư địa chính trị tại Học viện Không quân Argentina đồng thời là Giám đốc Công ty truyền thông Equilibrium Global.